Họa từ doanh nghiệp 'ma', bài 1: Lập doanh nghiệp để bán hóa đơn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mỗi năm cả nước có hàng trăm nghìn doanh nghiệp (DN) được thành lập mới; ra đời trước hậu kiểm hoạt động sau nhằm tạo thông thoáng trong kinh doanh. Đi cùng với những DN hoạt động thực chất, một tỷ lệ không nhỏ là các DN ma được sinh ra nhằm phục vụ các mục đích “đen tối” trục lợi, rút tiền, rút ruột doanh nghiệp khác thông qua vay mượn. Những “bóng ma” này thực sự trở thành mối họa.

Lợi dụng sự thông thoáng của quy định về thành lập, quản lý doanh nghiệp (DN), các đối tượng điều hành DN “ma” mặc sức mua bán DN, chiếm đoạt con dấu, giả mạo chữ ký để buôn bán hóa đơn. Lần tới địa chỉ đăng ký kinh doanh, gặp giám đốc DN ma, PV Tiền Phong phát hiện những điều bất ngờ.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, thủ tục, quy trình thành lập DN ngày càng thông thoáng. Với gói dịch vụ hỗ trợ, trọn gói đăng ký kinh doanh rất phổ biến, người có nhu cầu chỉ cần bỏ ra khoảng 250.000 đồng (không tính phí phải nộp) để thuê đơn vị kê khai hộ. Sau 3 ngày, bạn đã có trong tay giấy phép kinh doanh, con dấu, khách hàng không cần đi lại.

Không chỉ thế, ngay cả khi đã thành lập xong, nếu muốn, ai cũng có thể đăng ký trọn gói dịch vụ sau thành lập DN như: cung cấp cả tài khoản ngân hàng, đăng ký nộp thuế điện tử, các thủ tục về thuế… Tất cả chi phí chỉ gói gọn trong khoảng 1,5 triệu đồng. Thậm chí, hoạt động giao dịch mua bán DN, “xác” DN đã giải thể cũng diễn ra sôi động. Trên mạng xã hội tồn tại nhiều hội nhóm rao bán, tìm mua DN giải thể.

Họa từ doanh nghiệp 'ma', bài 1: Lập doanh nghiệp để bán hóa đơn ảnh 1

Một nhà hàng tại đường Bạch Đằng (Hà Nội) bị đối tượng mua bán hoá đơn khống lấy địa chỉ thành lập tới 2 “DN ma”

Càng về cuối năm, chợ hóa đơn càng nhộn nhịp, khi DN phải hoàn thành quyết toán thuế.. Lần theo dấu vết của những mẩu tin rao bán DN, hóa đơn, PV Tiền Phong đã tìm cách trao với các đối tượng cung cấp dịch vụ. Hóa đơn với số lượng và giá trị bao nhiêu cũng có. Để có thể bán hóa đơn đầu ra khống, một số đối tượng mua lại DN, hoặc thành lập DN. Có đối tượng đại diện tới 3 DN rao bán hóa đơn điện tử nhưng cả 3 đơn vị đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.

Sau khi lấy được thông tin công ty rao bán hóa đơn, PV đã trực tiếp tới xác minh theo từng địa chỉ, trong đó có Cty TNHH thương mại và sản xuất Nhật Quang (phố Cù Chính Lan, Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ. Theo thông tin đăng ký DN, công ty này hoạt động từ ngày 26/6/2023 do Chi cục Thuế quận Thanh Xuân quản lý. Tại địa chỉ đăng ký của công ty. Bà Nguyễn Thu N - chủ căn nhà cho biết, trước đây, Cty Nhật Quang do con trai bà N thành lập và hoạt động gần 20 năm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, do hoạt động không hiệu quả, con trai bà đã chuyển nhượng, gỡ biển và không còn hoạt động tại đây nữa.

“Người nhận chuyển nhượng đã gian dối khi không khai báo việc dừng hoạt động tại địa chỉ. Tôi mong cơ quan Thuế vào cuộc xử lý việc mạo danh công ty buôn bán hóa đơn trái phép”, bà N cho biết.

Theo tìm hiểu sâu hơn của chúng tôi, người đại diện của Cty TNHH thương mại và sản xuất Nhật Quang là ông Nguyễn Duy Khánh. Ông Nguyễn Duy Khánh còn đại diện Cty TNHH nhà hàng ẩm thực sân vườn bên sông và Cty TNHH thương mại nhà hàng Phương Nam. Cả 2 công ty này đều đăng ký tại địa chỉ tại số 531 đường Bạch Đằng, phường Chương Dương và do Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) quản lý. Cả 2 công ty cũng có ngày thành lập trong tháng 12/2022.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc chào mua bán hoá đơn trên mạng là vi phạm trắng trợn quy định pháp luật. Ngành Thuế đang áp dụng nhiều giải pháp, cách đối phó với đối tượng mua bán hoá đơn điện tử như nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội Thuế, tích cực tuyên truyền với người nộp thuế…

Lần theo địa chỉ đã đăng ký của 2 DN trên, chúng tôi đến số 531 Bạch Đằng và thấy đây là nhà hàng Cá giò Viễn Đông. Trao đổi với PV Tiền Phong, chị Nguyễn Thủy - đại diện nhà hàng cho biết, nhà hàng đã hoạt động ở địa chỉ này gần 20 năm và không hề liên quan tới Cty TNHH nhà hàng ẩm thực sân vườn bên sông và Cty TNHH thương mại nhà hàng Phương Nam.

“Ông Nguyễn Duy Khánh không liên quan tới nhà hàng chúng tôi. Việc trùng hợp địa chỉ hoạt động, tôi mong cơ quan thuế sớm vào cuộc xử lý DN đăng ký địa chỉ không hoạt động, tránh làm ảnh hưởng tới đơn vị đang hoạt động như chúng tôi”, chị Thủy kiến nghị.

Những địa chỉ công ty ảo

Trao đổi với phía Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) về việc một số công ty được thành lập nhưng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, đại diện tổ chức này cho biết, sẽ kiểm tra, xác minh thông tin.

Tiếp tục lần theo đường dây rao bán hóa đơn, chúng tôi được một số người của Cty TNHH vận tải và chuyển phát Thủy Tiên có địa chỉ tại 54 Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, Công ty này do bà Lưu Thị Thủy Tiên đại diện theo pháp luật. Công ty này đi vào hoạt động từ ngày 4/1/2023. PV Tiền Phong tiếp tục tìm tới số 54 phố Lê Quang Đạo để tìm hiểu. Đi hết cả ngõ dài 54 Lê Quang Đạo, chúng tôi không thấy bất cứ biển tên của Cty Thủy Tiên.

Họa từ doanh nghiệp 'ma', bài 1: Lập doanh nghiệp để bán hóa đơn ảnh 2

Nhà dân trong ngõ ngách là địa chỉ đăng ký kinh doanh của 14 doanh nghiệp

Một trong những Cty rao bán hóa đơn tiếp theo là Cty TNHH dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Phát Hà Nội II có địa chỉ tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Cty này do ông Nguyễn Văn Phu (Ninh Thuận) đại diện và thuộc sự quản lý của chi cục thuế khu vực Thanh Oai - Chương Mỹ. Tuy nhiên, công ty này không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, chúng tôi gọi điện đến số điện thoại của người đại diện DN cũng không ai nghe máy.

Treo biển nhưng không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh là điểm chung của nhiều DN kể trên. Tiếp tay cho hành vi này là dịch vụ nở rộ về cho thuê địa điểm đăng ký kinh doanh ảo, giá thuê chỉ vài trăm nghìn đồng/tháng. Tại Hà Nội, để treo biển công ty, người thuê chỉ cần trả khoảng 300 - 600 nghìn đồng/ tháng.

Dịch vụ này đang được Cty Cổ phần Đầu tư L M Phong Group cung cấp, với rất nhiều cộng tác viên tích cực rao bán, chào mời. Ngô Thị C. tự giới thiệu là môi giới của công ty này cho biết, có những địa chỉ đang có tới hơn chục DN cùng treo biển. Nhiều địa chỉ là nhà dân, nằm trong ngõ ngách, không hề có cơ sở vật chất, hoạt động kinh doanh, sự hiện diện của các công ty như đăng ký. Địa chỉ tại ngõ 16 Thái Hà (Hà Nội) có tới 14 công ty cùng treo biển trên 1 bảng chung gắn ở cửa sắt nhà dân. Biển riêng của mỗi công ty chỉ nhỉnh hơn lòng bàn tay, với kích thước 30x10cm, giá trọn gói làm biển 200.000 đồng. Tiền thuê địa điểm là 440 nghìn đồng/tháng (bao gồm VAT). Các DN đang đăng ký kinh doanh tại đây, gồm: Cty TNHH Thương mại tổng hợp và dịch vụ Hoa Long, Cty TNHH VNREP, Cty TNHH Đầu tư công nghệ số Việt Anh, Cty CP Giải trí TG Group, Cty TNHH Đầu tư và phát triển Vietnamese Flame... “Đại diện cơ quan thuế xuống thì bên em sẽ xác nhận là công ty có treo biển và hoạt động tại đấy”, C. cho biết.

Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TPHCM), mỗi năm có hàng trăm nghìn DN thành lập, việc hậu kiểm cũng không thể thực hiện. Để rà soát, ngăn chặn công ty “ma”, giải pháp ngành thuế nên làm đó là ứng dụng công nghệ, yêu cầu DN sử dụng phần mềm kế toán liên thông với cơ quan thuế.

MỚI - NÓNG