Hoa hậu Diệu Hoa - Vẻ đẹp của trí tuệ

Hoa hậu Diệu Hoa - Vẻ đẹp của trí tuệ
Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập một kỷ lục khá đặc biệt cho hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa - Hoa hậu biết 5 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Thái Lan và Ấn Độ.
Hoa hậu Diệu Hoa - Vẻ đẹp của trí tuệ ảnh 1
Hoa hậu Diệu Hoa

Gặp lại Diệu Hoa trong phòng làm việc tại tòa nhà 162 Pasteur, quận 1 - TPHCM, nơi đặt văn phòng làm việc của Công ty Phoenis, một công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Anh Quốc, mà Diệu hoa đang giữ trọng trách trưởng bộ phận kinh doanh nhập khẩu nông sản.

Vẫn với nụ cười thân thiện của cô hoa hậu 16 năm về trước, Diệu Hoa rất cởi mở, tự tin nhưng cũng hết sức khiêm nhường trong cách tiếp chuyện.

Thiếu chiều cao, thừa trí tuệ

Nếu bây giờ đi thi hoa hậu chắc là Diệu Hoa đã bị loại ngay từ đầu. Bởi quy định chiều cao thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu của Việt Nam hiện nay phải từ 1,63 m trở lên trong khi chiều cao của Diệu Hoa chỉ đến 1,61 m.

Nhưng điều đó không quan trọng bởi ban đầu những người tổ chức cuộc thi này không quá coi trọng về mặt hình thể, nhất là chiều cao, chỉ cốt làm sao tìm ra được một người đẹp trí tuệ.

Diệu Hoa đăng quang Hoa hậu Báo Tiền Phong lần thứ 2, năm 1990, lúc đó cô vừa tròn 21 tuổi, đang học năm thứ tư, khoa tiếng Nga, hệ chính quy Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Hoa hậu ngày ấy không phải là danh vọng mà các cô gái tìm mọi cách phải đạt được. Diệu Hoa đi thi hoa hậu cũng rất đặc biệt: Đoàn trường giới thiệu, chi đoàn lớp ghi danh, ngay khi Diệu Hoa vừa hoàn thành chuyến thực tập dài hạn tại Nga trở về.

“Bùi Bích Phương trở thành hoa hậu được thì Diệu Hoa cũng có thể, tại sao không thử sức một lần...” - những lời động viên của bạn bè trong lớp đã khiến Diệu Hoa tự tin hơn bước vào cuộc chơi.

Cô sinh viên giỏi tiếng Nga, biết tiếng Anh và tiếng Pháp lúc đó đã vượt qua 200 người đẹp khác trên toàn quốc, giành vương miện Hoa hậu Báo Tiền Phong năm 1990. Ở các nước, một hoa hậu biết nhiều thứ tiếng là chuyện bình thường, nhưng với Việt Nam, nhất là những năm gần đây, tìm cho được một “người đẹp” giỏi tiếng Anh không phải là chuyện đơn giản.

Bởi vậy Diệu Hoa vẫn là niềm tự hào của những người tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, là điểm son làm tăng thêm uy tín cho cuộc thi này, nhất là khi các người đẹp lần lượt đăng quang từ các cuộc thi hoa hậu gần đây chỉ đẹp về sắc vóc nhưng lại thiếu một cái đầu trí tuệ.

Hoa hậu Diệu Hoa - Vẻ đẹp của trí tuệ ảnh 2
Tổ ấm của Diệu Hoa
 

Hạnh phúc chỉ có ở tình yêu chân thật

Như một duyên nợ thiên định, chàng thanh niên 24 tuổi Maneesh Dane người Ấn Độ, giám đốc đại diện công ty nước ngoài tại Việt Nam, đang theo học tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp TPHCM, theo các bạn Việt Nam đi xem chung kết cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong lần thứ 3- 1992, tổ chức tại TPHCM.

Tại đây, anh không chú ý đến cô hoa hậu đăng quang mà bị hớp hồn bởi cựu hoa hậu Diệu Hoa, sau phần trả lời rất thông minh các câu hỏi giao lưu đầy hóc búa của người dẫn chương trình Lại Văn Sâm dành cho cô.

Nhờ bạn bè hai bên mai mối, họ đã gặp và kết bạn rồi yêu nhau. Mối tình giữa hai con người thuộc hai đất nước, có ngôn ngữ và văn hóa khác biệt nhau đã gây sóng gió dư luận, nhất là vào thời điểm mà cái nhìn của người đời còn quá khắt khe đối với các cô gái Việt lấy chồng ngoại.

Được vun đắp bằng tình yêu chân thật, gia đình Diệu Hoa sống hạnh phúc với 3 đứa con, 2 gái 1 trai, lần lượt ra đời trong ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận - TPHCM. Lấy chồng người Ấn, Diệu Hoa phải học tiếng Ấn Độ, dù chữ viết của tiếng Ấn rất khó.

Hai năm theo chồng sang công tác tại Thái Lan, Diệu Hoa tiếp tục học thêm một ngoại ngữ nữa là tiếng Thái. Đến nay, Diệu Hoa khiêm tốn cho biết cô có thể nói nghe đọc viết tốt tiếng Anh, Nga, Thái, còn tiếng Pháp và tiếng Ấn đủ để giao tiếp.

Coi trọng văn hóa truyền thống

Các con của Diệu Hoa cũng có gien mẹ trong việc học ngoại ngữ. Nhưng Diệu Hoa luôn ý thức việc giáo dục ngôn ngữ mẹ đẻ cho các con: “Phải học tốt tiếng Việt và tiếng Ấn. Bởi đây là văn hóa nguồn cội của chúng”.

Vậy là chồng lo dạy con tiếng Ấn, vợ chăm dạy con tiếng Việt. Không chỉ dạy cho các con biết tiếng mẹ đẻ mà anh chị còn coi trọng việc giáo dục những lễ nghĩa, văn hóa truyền thống của hai dân tộc cho các cháu.

Dù công việc của hai vợ chồng rất bận rộn nhưng họ luôn sắp xếp thời gian để dạy dỗ các cháu, nhất là việc để các cháu có điều kiện tham dự những hoạt động văn hóa của hai dân tộc, các ngày lễ tết, giỗ chạp hằng năm của hai bên họ hàng nội ngoại...

“Các con khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi như càng vun đắp thêm hạnh phúc của gia đình. Các cháu trở thành chất gắn kết bền vững không chỉ giữa vợ chồng mà còn cả giữa hai bên họ hàng nội ngoại” - Diệu Hoa rất tự hào nói về các con mình.

Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006, do Báo Tiền Phong tổ chức, diễn ra từ ngày 15 đến 26-8, tại Khu Du lịch Hòn Ngọc Việt (đảo Hòn Tre) TP Nha Trang. Khoảng 40 thí sinh được tuyển chọn từ hai cuộc thi khu vực phía Bắc và phía Nam sẽ tham gia tranh tài.

Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa là 1 trong 9 hoa hậu của 9 lần thi trước đây sẽ có mặt trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần thứ 10, với tư cách khách mời đặc biệt, nhân kỷ niệm 10 năm cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Theo Người Lao Động

MỚI - NÓNG