Hồ sơ đi B của 3 nhà văn, nhạc sĩ nổi tiếng hơn 40 năm lưu lạc

TPO - Trung tâm Lưu trữ quốc gia III vẫn đang lưu giữ gần 72.000 hồ sơ, kỷ vật của các cán bộ đi B, trong đó có những hồ sơ của cán bộ miền Nam tập kết. Hiện trung tâm vẫn đang cố gắng để đưa các hồ sơ đó trở lại với chính chủ nhân và gia đình.

Tối 1/9, tại điểm cầu truyền hình “chuyến tàu tập kết” thuộc Khu lưu niệm Đoàn tàu không số (Lữ đoàn 125 phường Cát Lái, TPHCM, TPHCM), Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã trao lại 3 bộ hồ sơ trước khi đi B của các nghệ sĩ nổi tiếng cho gia đình của 3 văn nghệ sĩ.

Đó là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền và nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - cho biết theo quy định ngày đó, nhằm đảm bảo bí mật, những cán bộ đi B được yêu cầu để lại cả hồ sơ, giấy tờ, thư từ, huân chương, huy chương, hình ảnh, nhật ký... cho Ủy ban Thống nhất của Chính phủ lưu giữ.

Hành trang còn lại của họ chỉ là bí danh cùng lý tưởng cao cả - góp sức mình để giải phóng miền Nam.

Hồ sơ đi B của 3 nhà văn, nhạc sĩ nổi tiếng hơn 40 năm lưu lạc ảnh 1
Chương trình cầu truyền hình Niềm tin và Khát vọng tại điểm cầu TPHCM.

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, những cán bộ đi B ngày ấy có người đã nhận lại được các hồ sơ, kỷ vật của mình. Tuy nhiên Trung tâm Lưu trữ quốc gia III vẫn đang lưu giữ gần 72.000 hồ sơ, kỷ vật của các cán bộ đi B, trong đó có những hồ sơ của cán bộ miền Nam tập kết. Hiện Trung tâm vẫn đang cố gắng để đưa các hồ sơ đó trở lại với chính chủ nhân và gia đình. Nhưng cũng có những bộ hồ sơ vẫn nằm lại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và được trân quý, giữ gìn cẩn thận.

Từ năm 1969, Đảng và Nhà nước có chủ trương bí mật đưa các cán bộ, chiến sĩ vào Nam (gọi tắt là “đi B”) để tham gia kháng chiến chống Mỹ. Những cán bộ này bao gồm các y sĩ bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, các nhà văn, nhà báo, các nghệ sĩ… Trong đó có rất nhiều cán bộ chiến sĩ là người miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève năm 1954, nay được đi B bí mật đưa trở vào miền Nam công tác.

Hồ sơ đi B của 3 nhà văn, nhạc sĩ nổi tiếng hơn 40 năm lưu lạc ảnh 2

Chương trình cầu truyền hình Niềm tin và Khát vọng tại điểm cầu Đồng Tháp.

Sau ngày đất nước thống nhất, Ủy ban Thống nhất Chính phủ hoàn thành sứ mệnh của mình và toàn bộ tài liệu lưu trữ của Ủy ban do ban tổ chức Trung ương quản lý.

Năm 1981, ban tổ chức Trung ương đã giao toàn bộ hồ sơ tài liệu đó cho cơ quan lưu trữ nhà nước là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý. Năm 1995, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III được thành lập, toàn bộ tài liệu này được bàn giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý. Hiện nay, toàn bộ mục lục hồ sơ tài liệu đã được số hóa nhằm phục vụ việc tra cứu tại phòng đọc của trung tâm.

Chương trình cầu truyền hình trực tiếp mang tên Niềm tin và Khát vọng diễn ra tối 1/9. Địa điểm tổ chức tại khu Di tích lịch sử Quốc gia Cứ điểm tập kết ra Bắc năm 1954 (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp), Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 (TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa) và Khu lưu niệm Đoàn tàu không số (Lữ đoàn 125, phường Cát Lái, TP. Thủ Đức, TPHCM).

Hồ sơ đi B của 3 nhà văn, nhạc sĩ nổi tiếng hơn 40 năm lưu lạc ảnh 3
Từ trái qua (đại diện các gia đình nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền) nhận lại hồ sơ các nghệ sĩ.

Chương trình đã tái hiện câu chuyện về Chuyến tàu tập kết cách đây 70 năm với những lời chia sẻ qua các phóng sự, qua những câu chuyện kể xúc động của người thật việc thật về một thời khi những học sinh, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, được đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng và dạy dỗ.

Tại chương trình, nhạc sĩ Phan Hồng Hà (con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu), đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (con trai nhà văn Nguyễn Quang Sáng) và thầy thuốc ưu tú Diệp Thanh Bình (em gái của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền) đại diện cho các gia đình nhận lại bộ hồ sơ "đi B" của người thân.

- Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924-2015) là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Hành khúc ngày và đêm, Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Những ánh sao đêm, Thuyền và biển, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Thơ tình cuối mùa thuÔng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh Văn học – Nghệ thuật năm 2000.

- Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền (1941-1997) là nhà thơ, nhạc sĩ được biết tới với nhiều tác phẩm nổi tiếng như thơ Con đường có lá me bay, Màu cờ tôi yêu... hay các nhạc phẩm Bài ca người lính, Nếu em là bờ xa, Bài ca thành phố ban chiều, Giã từ cành phượng vĩ..

- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) là tác giả và biên kịch nhiều tác phẩm nổi tiếng như Chiếc lược ngà, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng…. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2001.

MỚI - NÓNG