Chương trình nhằm hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 70 năm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn (8/1954-8/2024), kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024).
Ông Nguyễn Thanh Vũ - Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định - cho biết đây là hoạt động thiết thực, như một lời tri ân, tôn vinh cho sự hy sinh, đóng góp của những cán bộ đi B đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Các đại biểu, khách mời tham quan khu trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định. Ảnh: Trương Định. |
Theo Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định Lâm Trường Định, trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân... (gọi là hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ.
Trong mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn... còn có nhiều kỷ vật như huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay...
Những hồ sơ, kỷ vật cán bộ tỉnh Bình Định đi B được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định. Ảnh: Trương Định. |
Dịp này ban tổ chức trao trả 57 hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B cho thân nhân, gia đình của cán bộ tỉnh Bình Định.
Có mặt từ rất sớm để nhận lại hồ sơ, kỷ vật của cha mình, ông Định Lợi (SN 1950, xã Cát Tài, huyện Phù Cát) nghẹn ngào nói: "Lúc cha tôi tập kết ra Bắc, khi đó tôi chỉ mới 5 tuổi nên mọi ký ức, thông tin về ông dường như mờ nhạt, rất ít. Hôm nay được nhận lại những kỷ vật, hồ sơ của cha, tôi rất xúc động và biết thêm nhiều thông tin của cha mình”.
Ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định (bên trái) - trao lại hồ sơ, kỷ vật cán bộ tỉnh Bình Định đi B cho người thân các gia đình. Ảnh: Trương Định. |
Theo bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 đang quản lý hơn 5.400 cán bộ đi B của tỉnh Bình Định, trong đó có nhiều kỷ vật gốc.
"Lễ trao trả hồ sơ của các bộ tập kết đi B, một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý lưu trữ, sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong việc tích cực rà soát tìm kiếm những thông tin về cán bộ đi B và thân nhân để trả hồ sơ về với cán bộ và gia đình. Đây cũng thể hiện sự trách nhiệm cao trong công tác lưu trữ, trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa và tri ân những người có công với đất nước", bà Nga chia sẻ.
Theo Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định Lâm Trường Định, chương trình trưng bày tài liệu lưu trữ Ký ước thanh xuân trên đất Bắc gồm 3 chủ đề chính.
Phần thứ nhất là Ký ức những ngày tập kết ra Bắc trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu, hình ảnh về thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, tư liệu về chủ trương, đường lối của Đảng thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc, phân công cán bộ ở lại tham gia hoạt động kháng chiến tại Bình Định, tài liệu, tư liệu về các chuyến tàu tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn...
Phần 2: Nam Bắc vẫn là một nhà trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu, hình ảnh về sự đón tiếp, chăm lo của đồng bào miền Bắc đối với cán bộ miền Nam tập kết. Tài liệu, tư liệu, hình ảnh về hoạt động của cán bộ Miền Nam tập kết và hoạt động của các trường học sinh miền Nam tại Miền Bắc.
Và phần 3: Mãi mãi tuổi thanh xuân trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu hồ sơ, kỷ vật một số cán bộ tập kết đã mất tại miền Bắc và của cán bộ đi B và một số liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Những hình ảnh học sinh miền Nam trên đất Bắc. Ảnh: Trương Định. |
Theo kế hoạch, trưng bày sẽ kéo dài đến hết năm 2024 tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, số 12 Mai Hắc Đế, TP. Quy Nhơn. Ảnh: Trương Định. |