Điểm chuyển quân tập kết lịch sử cách đây tròn 70 năm thuộc vị trí mũi Tấn (nay thuộc phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn) - nơi con em Bình Định và cả vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên lên tàu ra miền Bắc học tập và xây dựng miền Bắc Xã hội chủ nghĩa (XHCN), đấu tranh thống nhất nước nhà. Thời gian hẹn hai năm sẽ trở về không ngờ kéo dài 21 năm.
Giây phút nghẹn ngào
Ông Đinh Lợi (74 tuổi, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, Bình Định), con trai liệt sĩ Đinh Hương, nghẹn ngào khi thấy trang hồ sơ, kỷ vật của cha mình sau gần 70 năm. “Năm 1954, cha tôi tập kết ra Bắc, lúc đó tôi chỉ mới 5 tuổi. Rồi mẹ tôi cũng mất sớm, thông tin về cha rất ít. Chỉ biết rằng, khoảng năm 1961 - 1962, cha tôi được cử về Gia Lai hoạt động. Đến năm 1973, ra lại ngoài Bắc, rồi sau đó trở về chiến trường và hi sinh…”, ông Lợi xúc động kể.
Ông Đồng Thế Tâm, 73 tuổi, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, cũng có rất ít thông tin về cha mình - liệt sĩ Đồng Đệ.
“Khi cha tôi tập kết ra Bắc, tôi mới 3 tuổi. Chỉ nhớ là tôi đứng cạnh cha và khóc. Trong suốt thời gian ở ngoài Bắc, gia đình cũng không có tin gì về ông. Chỉ đến năm 1962, khi cha tôi vào Nam hoạt động thì mới liên lạc được.
Thời điểm này, cha tôi hoạt động bí mật để xây dựng cơ sở cách mạng. Cũng trong năm này, cha tôi có ghé về thăm gia đình một lần vào ban đêm. Đến năm 1963, cha tôi về địa phương hoạt động, rồi hi sinh”, ông Tâm kể.
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định (bên trái), trao lại hồ sơ, kỷ vật cán bộ tỉnh Bình Định đi B cho gia đình. Ảnh: Trương Định |
“Tôi năm nay 74 tuổi và không nhớ được mặt cha. Nghe mẹ tôi kể, cha nói là đi 2 năm sẽ về. Nhưng rồi hai anh em tôi và mẹ đợi đến mấy chục năm, và cha không về… Hôm nay nhận lại được hồ sơ, hình ảnh của cha, tôi rất cảm ơn Nhà nước đã cất giữ lại những hình ảnh, thông tin quý báu cho gia đình”, ông Lê Quang Dũng, con trai liệt sĩ Lê Hải ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, xúc động nói.
Đang công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định, có cha là cán bộ tập kết ra Bắc, ông Bùi Huy Phúc chia sẻ rất xúc động khi được cầm trên tay những trang hồ sơ, tư liệu của cha mình. Những dòng chữ, con số nhiều chỗ phai nhòe nói lên những câu chuyện về cuộc đời đầy hi sinh, cống hiến của các cán bộ tập kết ra Bắc thời ấy.
57 hồ sơ, kỷ vật về với người thân
Ngày 28/8, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 tổ chức trao hồ sơ, kỷ vật cán bộ tỉnh Bình Định đi B và trưng bày tài liệu lưu trữ “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”. Chương trình nhằm hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 70 năm thi hành Hiệp định Giơnevơ về thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc tại cảng Quy Nhơn (8/1954 - 8/2024); kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9.
Theo Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định Lâm Trường Định, trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân... (gọi là hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Trong mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh thông tin cá nhân như sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn... còn có nhiều kỷ vật như huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay...
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, cho biết, đây là hoạt động thiết thực, như một lời tri ân, tôn vinh sự hi sinh, đóng góp của những cán bộ đi B.
Dịp này, Ban tổ chức trao trả 57 hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B cho thân nhân, gia đình của cán bộ tỉnh Bình Định.
Tại chương trình, Ban tổ chức còn trưng bày, giới thiệu khoảng 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật khái quát về nội dung thực thi Hiệp định Giơnevơ, chuyển quân tập kết ra Bắc, cán bộ và học sinh miền Nam trên đất Bắc, hồ sơ và kỷ vật của cán bộ đi B.
Theo Phó Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga, Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 đang quản lý hồ sơ của hơn 5.400 cán bộ đi B của tỉnh Bình Định, trong đó có nhiều kỷ vật gốc. Việc trao trả, tuyên truyền tìm lại chủ nhân của hồ sơ cán bộ tập kết đi B là rất cần thiết và ý nghĩa.
“Lễ trao trả hồ sơ của các cán bộ tập kết đi B một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý lưu trữ, sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong việc tích cực rà soát, tìm kiếm thông tin về cán bộ đi B và thân nhân để trả hồ sơ về với cán bộ và gia đình. Đây cũng thể hiện sự trách nhiệm cao trong công tác lưu trữ, trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa và tri ân những người có công với đất nước”, bà Nga chia sẻ.