Chút duyên với những con tàu không số

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có thể tôi cũng có chút duyên gì đó với các anh hùng liệt sĩ của Đoàn Tàu Không số. Bởi trong đời có một số sự kiện liên quan đến các bác, các chú mà mình được tham gia, được can dự, thậm chí chủ trì.

Trong vòng có ba hôm cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2024 này mà tôi có mặt ở hai địa điểm huyền thoại của con đường Hồ Chí Minh trên biển: Vũng Rô ở Phú Yên, nơi lần đầu tiên Đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ và Bến tàu không số K15 tại Đồ Sơn, Hải Phòng – bến chính nơi rất nhiều con tàu không số đã lên đường và giờ đây có Đài kỷ niệm uy nghi của con đường huyền thoại này.

Chút duyên với những con tàu không số ảnh 1

Đài kỷ niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển ở Vũng Rô

Ngày 28/2/2024, tôi cùng nhóm cán bộ, phóng viên Tiền Phong đã ở khá lâu trên bờ Vũng Rô, nơi có Đền thờ và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và con tàu không số đã hy sinh trong sự kiện Vũng Rô cách đó đã 59 năm. Đây là một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vì sau nó, Đường Hồ Chí Minh trên biển bí mật vận tải vũ khí mà ta tổ chức bắt đầu từ năm 1961 không còn giữ được bí mật nữa và con đường vận tải vô cùng quan trọng này bước vào một giai đoạn mới gian khổ, ác liệt nhiều hy sinh hơn nhiều.

Chút duyên với những con tàu không số ảnh 2

Vòng hoa của báo Tiền Phong viếng các anh hùng, liệt sĩ 3 con tàu không số hi sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968

Tôi lần đầu biết về sự kiện Vũng Rô từ khi còn nhỏ, có lẽ vào khoảng giữa những năm 1970 khi đọc tiểu thuyết Vùng Trời của nhà văn Hữu Mai, trong đó, ông có mô tả một đoạn về sự kiện này. Vậy mà phải hơn 40 năm sau mới được đến nơi. Và việc này cũng liên quan đến một sự kiện mà tôi là một trong những người ra quyết định.

Đầu năm 2023, báo Tiền Phong chủ trì cùng Liên đoàn Điền Kinh Việt Nam và tỉnh Lai Châu tổ chức Giải Vô địch Quốc gia Marathon và Cự ly dài (có tiền thân là Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong). Cần phải chọn địa phương đăng cai năm 2024 tiếp theo để nhận cờ tại buổi lễ tại giải. Nhóm thường trực báo cáo vài tỉnh, trong đó nhấn mạnh Phú Yên với đề xuất của tỉnh là tổ chức để góp phần tiến tới kỷ niệm 60 năm sự kiện Vũng Rô (1965 – 2025). Khi ấy, tôi đã nói: Chúng ta chọn Phú Yên.

Chút duyên với những con tàu không số ảnh 3
Các cựu chiến binh thắp hương cho đồng đội

Một trong hai sự kiện quan trọng nhất của Giải năm 2024 sẽ được tổ chức vào các ngày 30 – 31/3/2024 tới đây chính là Lễ Thượng cờ của Giải. Một lá cờ Tổ quốc rộng hơn 1.000 m2 sẽ được trải ra ở Bãi Môn, một bãi biển cách Vũng Rô vài cây số. Trong trận Vũng Rô ấy, địch đánh cả vào Bãi Môn.

Giờ đây, Bãi Môn thành một địa điểm du lịch có tiếng nhờ nhìn trên cao xuống thì nó giống hệt dáng hình đất nước Việt Nam thu nhỏ và cũng nhờ nằm cùng một cụm rất gần nhau với ngọn Hải đăng và Mũi Điện - được coi là nơi đất liền đón ánh mặt trời đầu tiên của cả nước ta. Còn Vũng Rô thì tàu thuyền đậu san sát, cho cảm giác một cuộc sống năng động, sung túc.

Chút duyên với những con tàu không số ảnh 4
Các cựu binh Tàu không số ôn lại chuyện xưa

Gần 60 năm trước, đây là một bến thả vũ khí của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Cho đến trước “Sự kiện Vũng Rô, Lữ đoàn 125 (tức Đoàn tàu Không số) đã dùng con tàu C-41 (có tải trọng 50 tấn) vận chuyển thành công 3 chuyến hàng, tổng cộng gần 150 tấn vũ khí trong vòng hơn 2 tháng. Chuyến đầu tiên cuối tháng 11, đầu tháng 12/1964, vận chuyển 44 tấn vũ khí. Chuyến thứ hai cuối tháng 12 năm 1964, vận chuyển 47 tấn vũ khí. Chuyến thứ ba cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 1965, vận chuyển 46 tấn vũ khí.

Chuyến tàu định mệnh là vào dịp xuân Ất Tỵ. Đầu tháng 2/1965, tàu C-143 chở 63 tấn vũ khí rời miền Bắc và cập bến Vũng Rô lúc 23 giờ ngày 15/2/1965 và được lực lượng tiếp nhận (gồm các đại đội du kích Hòa Hiệp, K.60, K.64 và tiểu đoàn 83) bốc dỡ khí tài đến 03 giờ sáng hôm sau thì neo gặp sự cố bất ngờ khiến tàu không thể rời bến.

Chút duyên với những con tàu không số ảnh 5
Một cựu binh tàu không số bên tượng đài kỷ niệm ở bến K15

Khi tờ mờ sáng, thuyền trưởng Lê Văn Thêm cho chặt cây lá để ngụy trang, đồng thời ép sát tàu C-143 vào chân núi tại bãi Chùa và ở lại trong ngày. Một phi công trực thăng cứu thương Mỹ là trung úy James S. Bowers đã phát hiện "một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô" mà những ngày trước chưa có. Tàu C-143 đã bị lộ từ đó.

Chút duyên với những con tàu không số ảnh 6

Di tích con tàu không số ở Vũng Rô

Địch huy động một lực lượng lớn đánh vào khu vực Vũng Rô. Các chiến sĩ trên tàu và lực lượng tại chỗ của ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng, trận đánh kéo dài từ ngày 16 đến ngày 24/2, khi quân ta phá vòng vây rút đi. Ở ngày chiến đấu thứ 2, quân ta dùng khối thuốc nổ nặng 1 tấn huỷ tàu nhưng tàu chỉ gãy đôi chìm xuống tại chỗ.

Chúng tôi đến thấy ở địa điểm tàu chìm, ngay sát mép nước ở chân núi giờ có một phao nổi trên có biển đề “Di tích tàu không số Vũng Rô – Phú Yên”. Gần đó, trên bờ có nhà tưởng niệm 12 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đấu (trận này ta bắn cháy 2 xe bọc thép M113 và tiêu diệt khoảng 100 tên địch). Họ đều là các chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang địa phương. Các thuỷ thủ tàu C-143 chiến đấu dũng cảm, phá được vây và rút ra Bắc an toàn tiếp tục cuộc chiến đấu.

Trong cụm di tích còn có Đài kỷ niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển rất uy nghi cùng với nhà trưng bày, giới thiệu về di tích.

Rời Vũng Rô nắng mưa bất chợt có hai hôm, tôi lại được đến Bến tàu Không số K15 huyền thoại tại Đồ Sơn, Hải Phòng, một trong những bến ra đi chính của Đoàn tàu Không số. Đây là một Lễ tưởng niệm đặc biệt dành cho 3 con tàu hy sinh trong dịp Mậu Thân 1968.

Chút duyên với những con tàu không số ảnh 7

Di tích con tàu không số ở Vũng Rô

Từ khi còn ở Vũng Rô tôi đã nhận được điện thoại và tin nhắn của anh Liên – trợ lý của doanh nhân Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu thông báo sự kiện và mời tôi dự. Có lời mời này là do ông Đào Hồng Tuyển nguyên là cựu binh tàu không số và hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam là người dẫn đầu các cựu chiến binh tàu không số tổ chức sự kiện này.

Đó là một sự kiện trang trọng với sự tham dự của các cựu chiến binh tàu không số Hải Phòng và một số tỉnh, thành khác; Cùng dự có cả nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên TBT báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu; Thượng tướng Võ Văn Tuấn – nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đình Hùng – Phó Tư lệnh Hải quân, lãnh đạo các cơ quan của Quân chủng, Cục Chính trị Hải quân, các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại diện các nhân chứng lịch sử, các gia đình anh hùng, liệt sĩ, các thương bệnh binh, cựu chiến binh của Đoàn tàu Không số cùng hàng chục đại biểu của một số tỉnh thành ven biển.

Tại Lễ tưởng niệm, Đại tá Đinh Xuân Thế - Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam TP Hải Phòng đã đọc diễn văn tưởng niệm xúc động, mà từ đó tôi mới vỡ lẽ ra một số chuyện tôi biết có liên quan đến một chiến dịch đặc biệt nhiều tổn thất hy sinh của Đoàn tàu Không số trong Chiến dịch Mậu Thân 1968.

Tôi đã mấy lần đến Cà Mau, trong đó có lần được anh em địa phương chỉ ra biển và kể đó là khu vực mà một con tàu không số của ta tự nổ tung với toàn bộ người và vũ khí trên đó để khỏi rơi vào tay giặc. Qua diễn văn xúc động của Đại tá Thế, tôi biết được đó là con tàu C165, một trong 4 con tàu thuộc đoàn tàu không số lên đường trong các ngày từ 25 đến 27/2/1968 để chi viện cho chiến trường miền Nam lúc đó đang cực kỳ khát vũ khí.

Đêm ngày 29/02 rạng sáng ngày 01/3/1968, tàu bị địch phát hiện bao vây chặt, một trận chiến đấu quyết liệt nổ ra kết thúc bằng một tiếng nổ long trời, toàn bộ con tàu C165 cùng 18 cán bộ, thuỷ thủ, 64 tấn vũ khí đã hoà vào lòng biển khơi, vùng biển Vàm Lũng, Cà Mau.

Cùng lên đường với tàu C165 khi đó còn có 3 tàu khác là C235, C43, C56. Để tiếp tế vũ khí cho quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 nhận được một kế hoạch “tuyệt mật” từ Bộ Tổng Tham mưu. Theo kế hoạch đó, Đoàn 125 chuẩn bị 4 tàu, xuất phát ở 4 địa điểm khác nhau, vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường. Sau khi cân nhắc, tính toán, chỉ huy Đoàn 125 đã chọn 4 tàu C165, C235, C43, C56 làm nhiệm vụ đặc biệt này.

Tàu C165 chở 64 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng, Cà Mau; Tàu cao tốc C235 chở 14 tấn vũ khí, thuốc men y tế vào bến Hòn Hèo, Nha Trang, Khánh Hoà. Tàu C43 chở 37 tấn vũ khí vào bến Ba Làng, Quảng Ngãi. Tàu C56 chở 37 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu, Bình Định.

Tàu C43 gặp địch, Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và Chính trị viên Trần Quốc Tuấn cũng đã cho nổ bộc phá huỷ tàu, đưa bộ đội rời tàu vào bến. Trong chiến đấu, 3 thuỷ thủ hy sinh, đó là các đồng chí Vũ Văn Ruệ, Võ Nho Tòng, Phạm Văn Rai.

Tại vùng biển hẹp Hòn Hèo, Nha Trang, tàu C235 bị 7 tàu chiến địch phục kích, bao vây, bắn dữ dội hòng bắt sống. Cán bộ, chiến sĩ tàu chiến đấu cực kỳ anh dũng. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho thả vũ khí xuống điểm ấn định rồi cho tàu vừa cơ động vừa bắn trả địch quyết liệt để dụ chúng ra xa vị trí thả vũ khí. Máy tàu bị bắn hỏng, trong 20 cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã có 5 người hy sinh, 2 người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ, trong đó có Nguyễn Phan Vinh. Anh lệnh cho tất cả anh em đưa người hy sinh và bị thương vào bờ, anh là người rời tàu cuối cùng và điểm hoả khối thuốc nổ lớn để huỷ tàu. Sức công phá cực mạnh của vụ nổ đã xé con tàu ra làm đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa bị hất tung lên mấy chục mét lên vách đá sát bờ, hiện vẫn còn mắc lại ở đó (ở khu vực này giờ đã mọc lên một đài tưởng niệm, một ngôi chùa).

Lên bờ, bị địch truy theo ráo riết, Nguyễn Phan Vinh ra lệnh cho những người còn sống rút, anh và một chiến sĩ ở lại chặn hậu, chiến đấu anh dũng, đánh lui hàng chục đợt xông tới của địch cho đến lúc hết đạn và hy sinh. Nguyễn Phan Vinh và 12 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 đã hy sinh anh dũng trong trận chiến đấu mà sau đó tạp chí Lướt sóng của Hải quân Quân đội chế độ Sài Gòn viết là “đã đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt...”. Bảy người còn lại thì 1 người bị địch bắt, 6 người bắt được liên lạc với du kích sau 12 ngày bị địch truy đuổi...

Các đồng chí Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Đắc Thắng, Đỗ Văn Sạn, Nguyễn Văn Đức, Phan Nhạn trong kíp thuỷ thủ 4 tàu vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường Tết Mậu Thân năm 1968 đã được truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. 35 đồng chí liệt sĩ của 3 con tàu đã được vinh danh.

Sáu năm trước, dịp kỷ niệm 50 năm trận chiến đấu oai hùng cuối cùng (1/3/1968 - 1/3/2018) của tàu không số mang mật danh C235, báo Tiền Phong đã phối hợp với Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển và Học viện Hải quân tổ chức một loạt hoạt động lớn nhưng không biết là con tàu của anh hùng Nguyễn Phan Vinh lên đường và chiến đấu hi sinh trong một chiến dịch như trên.

Lần đó, chúng tôi đã tìm lại tất cả các cựu binh tàu C235 còn sống, tôi là tổng biên tập báo dẫn đầu đoàn đại biểu đến nhà thăm từng người. Chúng tôi cũng tìm lại gia đình của các liệt sĩ và những cựu binh đã mất, mời nhiều đại diện vào Nha Trang, cùng chúng tôi làm lễ tưởng niệm trang trọng ở Hòn Hèo, nơi diễn ra trận chiến; tổ chức giao lưu giữa họ và các lãnh đạo Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển với các chiến sĩ du kích và cơ sở cách mạng địa phương đã nuôi giấu bảo vệ các chiến sĩ tàu C235 còn sống ngày xưa cùng 400 bạn trẻ là học viên Học viện Hải quân và đoàn viên, thanh niên của tỉnh Khánh Hoà trong một chương trình rất xúc động mang tên “Tổ quốc mãi gọi tên” mà trong đó tôi trực tiếp dẫn chương trình cùng với một nữ biên tập viên của Đài Truyền hình Khánh Hoà.

Năm 2022, tôi được đi Trường Sa. Khi tàu đến gần đảo Phan Vinh, tôi đã vô cùng xúc động. Hòn đảo này mang tên anh hùng Nguyễn Phan Vinh. Nhưng rất tiếc là do biển động rất mạnh, rốt cuộc chúng tôi đã không lên được đảo Phan Vinh. Khi con tàu kéo còi chào đảo và rời đi, tôi đã làm bài thơ “Phan Vinh biển động” mà khổ cuối là: “Hiên ngang đảo đứng/ Giữa sóng gầm reo/ Con tàu chồm tới/ Lòng còn buông neo”.

Đứng trong đội ngũ những người tưởng niệm sáng ngày 1/3/2024 đó, tôi đã rơi nước mắt khi nghĩ về các chú, các anh, những người ra đi vì nước hơn 55 năm trước ấy. Tôi nghĩ họ là những người trong mùa Xuân Mậu Thân bi tráng ấy đã lên đường đi về phía mùa Xuân, mùa xuân độc lập tự do, đất nước thống nhất một nhà, cho dù khoảng đến đo còn phải đo bằng nhiều máu và nước mắt nữa.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn 759, tiền thân Đoàn 125 Hải quân với hơn 10 năm làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, trang bị trực tiếp chi viện cho cách mạng miền Nam trong một giai đoạn đầy cam go, khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh (1962 - 1972).

Với những chiến công huyền thoại, Đoàn 125 hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; 12 tàu và 22 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND (trong đó cả 4 Tàu C165, C235, C43, C56).

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.