60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển: Tinh thần 'tàu không số' sống mãi

0:00 / 0:00
0:00
“Chúa đảo” trong một lần tặng quà Tết cho người nghèo ở Quảng Ninh
“Chúa đảo” trong một lần tặng quà Tết cho người nghèo ở Quảng Ninh
TP - “Mình muốn làm những việc mà thiên hạ không ai dám làm, họ cho là điên rồ nhưng với mình đấy là sự đột phá để đem lại những giá trị lớn nhất” - Ông Đào Hồng Tuyển, Phó Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam tâm sự.

Ký ức không quên

Khi được giao đề tài viết về đoàn tàu không số, tôi đã có chút ngần ngại khi biết người được chọn để phỏng vấn là ông Đào Hồng Tuyển, Phó Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam. Ông chính là “chúa đảo” Tuần Châu nổi tiếng với những ý tưởng “điên rồ”, người từng bị cho là “thần kinh” khi đưa ra những ý tưởng mới thoạt nghe đã lạnh sống lưng.

60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển: Tinh thần 'tàu không số' sống mãi  ảnh 1

Ông Đào Hồng Tuyển (người thứ 3 từ bên phải) nắm chặt tay đồng đội nhân kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển

Chưa kịp đặt vấn đề “chúa đảo” đã lập tức từ chối khéo cuộc hẹn phỏng vấn với đủ lý do bận việc. Trước khi tắt máy, tôi chỉ kịp hỏi - “Chú đang thả hoa đăng ở bến Nghiêng ạ? (di tích bến tàu không số tại Hải Phòng)”, như chạm đúng nỗi niềm,ông thao thao bất tuyệt về buổi lễ kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển.

Vừa gặp, ông kể không thôi về những dự định sắp diễn ra. Nào là lễ kỷ niệm, hội thảo, gặp Chủ tịch nước để báo cáo về hoạt động của Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam… Với đôi mắt sáng cùng giọng nói trầm ấm, nhìn ông luôn toát lên sự kiên định của một cựu binh từng vào sinh ra tử hơn là một doanh nhân thành đạt.

Khi được hỏi sao ngày xưa chú lại “khai man” để được đi lính? Ông nhoẻn cười - “Mới 15 tuổi thì làm sao lấy được vợ, mà chưa lấy được vợ thì đi lính chứ”. Sự hóm hỉnh của ông xua tan sự ngại ngùng cho buổi gặp mặt lần đầu.

Ông Đào Hồng Tuyển sinh năm 1954 ở Quảng Yên (Quảng Ninh) một vùng đất nghèo khó nhưng đầy truyền thống anh hùng. Quê ông chính là cửa ngõ sông Bạch Đằng, nơi diễn ra những trận đánh chống quân xâm lược Nguyên Mông lừng lẫy. Từ nhỏ, ông đã quen với sông nước, sau khi nhập ngũ và trở thành chiến sỹ tàu không số, những kinh nghiệm ấy giúp ông không ít lần thoát chết, cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khi nhắc đến những ký ức về đoàn tàu không số, giọng ông như chùng xuống, dịu đi và đôi mắt ngấn một chút lệ. Ông vẫn rưng rưng kể về những ngày tháng gian khó nhưng hào hùng. Mỗi lần lên tàu là một lần xác định không thể quay trở về.

“Vận chuyển vũ khí trên đường Trường Sơn nó khác hoàn toàn với vận chuyển trên biển. Trong đất liền còn có núi đồi, sông suối, hầm hào công sự che chắn, ẩn nấp và có nhiều lực lượng phối hợp chiến đấu. Khi bị thương thì được cấp cứu, anh em đồng đội chở che. Còn làm nhiệm vụ trên biển thì chỉ có mênh mông trời và biển. Lúc đó mọi thứ đều nhỏ nhoi và phơi lộ rõ ràng” - Ông Đào Hồng Tuyển nói.

Mặc dù biết đi là có thể chết, không hẹn ngày trở về nhưng các chiến sỹ tàu không số vẫn kiên định một ý chí chiến đấu sắt đá, không thể tin, không thể đo lường. Để làm được điều đấy, theo ông, đó chính là yếu tố “sức mạnh tinh thần”. Không có sức mạnh nào lớn hơn ý chí, và ở đây là ý chí của tinh thần chính trị, một lòng vì Tổ quốc.

Nơi gửi gắm nghĩa tình

Ở tuổi gần 70, ông Đào Hồng Tuyển vẫn là đầu tàu vận hành cả một Tập đoàn lớn có nhiều công ty con. Hàng chục dự án “khủng” đang được ông triển khai. Nhưng với ông, thành công nhất trong cuộc đời là việc vượt qua chính mình.

Chiến tranh kết thúc, ông quay về Sài Gòn với tài sản là tinh thần sẵn sàng cho một cuộc chiến mới. Nhiều đêm ông ngủ vạ vật trước mái hiên nhà ở quận Nhất (sau này ông mua lại căn nhà đó để làm kỷ niệm và là nơi để ông soi lại bản thân mình), ông nằm suy nghĩ và quyết tâm phải thay đổi. Xuất phát điểm từ những công việc như dọn chuồng heo, bưng bê, buôn bán sắt vụn rồi thành lập cửa hàng, công ty để bây giờ là một Tập đoàn danh tiếng.

“Công việc dù có bận thế nào đi chăng nữa nhưng tình đồng chí, đồng đội thì không bao giờ có thể quên. Chúng tôi tìm đến nhau như một gia đình lớn, có anh có em, có người đã mất, có người còn sống. Ở đấy, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để giúp đỡ những người anh em còn khó khăn, tưởng nhớ những người đã mất” - Đào Hồng Tuyển, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam.

Hiện tại, với hàng núi công việc kinh doanh bộn bề của Tập đoàn, người cựu binh tàu không số vẫn không bao giờ quên một công việc mà ông nói vui với tôi là “việc nhà”, đó là chức Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam.

“Công việc dù có bận thế nào đi chăng nữa nhưng tình đồng chí, đồng đội thì không bao giờ có thể quên. Chúng tôi tìm đến nhau như một gia đình lớn, có anh có em, có người đã mất, có người còn sống. Ở đấy, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để giúp đỡ những người anh em còn khó khăn, tưởng nhớ những người đã mất. Máu thịt của các anh đã hòa vào biển để ngày nay chúng ta được sống trong hòa bình” - Ông Tuyển rưng rưng nói.

Bằng những việc làm thiết thực và tâm huyết, Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam đã quy tụ được hơn 1.500 cựu binh đoàn tàu không số trên toàn quốc. Ngoài những việc giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn thường ngày, hội còn xây dựng được gần 560 ngôi nhà tình nghĩa cho đồng đội và 60 ngôi nhà cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng 8 khu di tích tàu không số trong đó 7 khu đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

Với tâm thế là một cựu binh tàu không số và là một trong những doanh nhân thành đạt, “chúa đảo” Tuần Châu còn bỏ ra hàng trăm tỷ để làm từ thiện. Với ông, Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam không chỉ là ngôi nhà chung cho anh em đồng chí, đồng đội mà còn là nơi lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh cho lớp trẻ noi theo.

“Truyền thống hào hùng hay lịch sử hoành tráng cũng không thể mài ra để ăn được. Cái quan trọng là phải biến những thứ đó thành sức mạnh trong thời đại mới. Nó là nền tảng, gốc rễ cho thế hệ trẻ noi theo, dựa vào đó để làm những việc to lớn hơn, đóng góp công sức xây dựng đất nước được nhiều hơn” - Ông Tuyển nói.

Trước khi ra về, ông mở tủ lấy ra 1 cuốn sách và 2 hộp đĩa DVD bên ngoài ghi “Huyền thoại tàu Không số” tặng tôi. Đây là cuốn sách và 2 bộ phim mà ông cùng Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam dày công xây dựng. Với ông, nó không phải là sách hay đĩa phim thông thường, nó là những kỷ vật vô giá, là nơi ông cùng các đồng đội gửi thế hệ mai sau những thông điệp về lẽ sống, về lý tưởng của những chiến binh tàu không số.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.