Về Bến Nghiêng, nghe chuyện 'đoàn tàu không số'

0:00 / 0:00
0:00
Các cựu binh trên các chuyến tàu không số về thăm lại chiến trường xưa
Các cựu binh trên các chuyến tàu không số về thăm lại chiến trường xưa
TP - Từ bãi tắm khu 2, Đồ Sơn (Hải Phòng), vượt dốc lên núi Vạn Hoa, hướng sang bên phải thấy mấy cọc bê tông nhô lên mặt biển, đó là dấu tích của cầu cảng mang mật danh K15, “cây số 0” của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Con đường xuyên biển Đông

Bến K15 nằm ở phía Tây Nam, dưới chân núi Vạn Hoa, là ngọn núi thứ 9 trong dãy núi Chín Rồng. Được bao bọc ba phía là núi và khu rừng thông dày đặc xanh mướt nên nơi đây lặng sóng, là điểm neo đậu tàu thuyền lý tưởng. K15 là mật danh trong chiến tranh, ngày thường người dân Hải Phòng gọi nó với một cái tên giản dị: Bến Nghiêng.

Năm 1950, thực dân Pháp cho xây dựng bến tàu quân sự tại đây để tập kết, vận chuyển các phương tiện chiến tranh như súng đạn, xe tăng, xe lội nước từ tàu há mồm ngoài biển vào tập kết, chính vì vậy chúng đã xây bến tàu thoải từ bờ xuống mép nước để thuận tiện cho việc vận chuyển và người dân quen gọi đó là Bến Nghiêng.

Trong ký ức của cụ Hoàng Văn Đáo (86 tuổi) một ngư dân kỳ cựu ở Đồ Sơn, địa danh Bến Nghiêng cũng chính là hình ảnh những tên lính cuối cùng của thực dân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ đeo ba lô thất thểu, xiêu vẹo, nghiêng ngả lên tàu về nước. Trên đường đi, chúng sợ hãi thất thần, gặp ai cũng nghiêng mình cúi chào trước khi xuống bến.

Ngày 23/10/1961, trước tình hình đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ, thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) để vận chuyển vũ khí trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Cũng từ đấy, những huyền thoại về đoàn tàu không số tiếp nối nhau, đánh dấu sự ra đời của tuyến vận tải chiến lược đường mòn xuyên biển Đông.

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, vào lúc 22 giờ đêm ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí bí mật xuất phát tại Đồ Sơn lên đường. Tàu khởi hành gồm 13 thủy thủ, đều là các chiến sĩ miền Nam tập kết do chiến sĩ Lê Văn Một làm thuyền trưởng, chiến sĩ Bông Văn Dĩa làm chính trị viên. Ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông 1 vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) thành công. Tiếp theo đó, lần lượt là các tàu Phương Đông 2, 3, 4…

Chỉ tay về phía những trụ cầu còn sót lại trên Bến Nghiêng, thượng tá Lưu Đình Lừng, một người con Hải Phòng, người từng tham gia vận chuyển 10 chuyến tàu không số bùi ngùi kể lại: “Ở khu vực này, trên quyết định thành lập đơn vị với mật danh K15 ngang cấp một tiểu đoàn. K. trưởng đồng thời chính trị viên là đại úy Đỗ Tiếu. Không hiểu sao bến K15 lại được Chính phủ cắm đúng 15 cái cọc rất trùng hợp”.

Ký ức cựu binh

Nhớ lại những ngày đầu hoạt động của “Bến tàu không số”, thượng tá Lưu Đình Lừng kể lại: “Trong chiến tranh, công tác bí mật là yếu tố sống còn, những con tàu của chúng tôi mang sứ mệnh vận chuyển chứ không phải chiến đấu nên yếu tố khôn khéo, tuyệt mật được đặt lên hàng đầu. Có một lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm nhưng bị các đồng chí ở bốt gác chặn lại, nhất quyết không cho tiếp cận vì các đồng chí ấy chưa biết mặt Đại tướng. Đại tướng không hề giận mà còn rất hoan nghênh tinh thần cảnh giác, bí mật của anh em chiến sĩ”.

“Từ trước tới nay có thắng lợi hay không cũng do công tác giữ bí mật. Ra ngoài đường nếu gặp người nhà, bạn bè là không được đi vào cổng bến mà phải đi sang lối khác, sau khi người ta đi qua rồi mới được vào... Khi đi vào bến trong kia (mặt trận phía Nam) cũng thế thôi, không được nói anh này ở tàu này, anh kia ở tàu kia, cán bộ chiến sĩ tàu nào biết ở tàu đấy”.

“Ngay như bản thân tôi, tôi ở đây, nhà ở khu này, gia đình có biết đâu, muốn về nhà phải đi xe đơn vị đưa lên Hải Phòng. Sau đó ở Nhà hát lớn đi bộ xuống dưới Quần Ngựa, từ đó đi xe ô tô về nhà. 9h00 tối quay trở ra đơn vị nói dối là xe đơn vị đón con, con xin phép về. Bố mẹ cũng không biết nhưng thực chất là đi bộ từ trong đấy ra đây 6km. Ra đây, trước khi vào, quần áo bộ đội cởi ra, mặc quần đùi áo lót đi vào, công tác giữ bí mật quan trọng vô cùng”- thượng tá Lừng kể.

Thượng tá Lưu Đình Lừng năm nay tuổi đã gần 80. Mấy năm trước ông bị tai biến nên sức khỏe có phần giảm sút nhưng những ký ức về đoàn tàu không số vẫn in đậm trong tâm trí ông. Nhớ nhất là ngày 5/11/1965, sau khi ông trở về Đồ Sơn trên chuyến tàu 642 vào Vũng Rô, tàu 642 được Nhà nước thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được Bác Hồ tặng cho mỗi thủy thủ một bao thuốc lá.

Đúng ngày 15/4/1963, chiếc cọc đầu tiên được đóng xuống. Nhưng càng đóng càng chối vì gặp phải địa hình cát pha đá. Phải nhiều lần thay đổi máy móc, thiết bị, công nhân liên tục làm việc 3 ca không kể ngày đêm. Đến ngày 15/5/1963, cầu cảng K15 được hoàn thành và bắt đầu làm nhiệm vụ lịch sử của nó…

Tiếp tục những hồi ức về Đoàn tàu không số, trò chuyện với thượng úy Hoàng Gia Hiếu, người từng tham gia vận chuyển nhiều chuyến vũ khí trên con tàu huyền thoại mang số hiệu 641, được 2 lần tuyên dương danh hiệu anh hùng. Hiện nay con tàu đó đang nằm ở bảo tàng của Hải quân, là di tích lịch sử quốc gia.

Thượng úy Hoàng Gia Hiếu nhập ngũ tháng 2/1964, đến tháng 4/1964 được điều động về đoàn tàu vận tải chi viện chiến trường miền Nam bằng con đường biển. Tháng 8/1964, tân binh Hoàng Gia Hiếu đi chuyến đầu tiên trên tàu số 641 (hay còn gọi là C41, nay đổi tên thành HQ671) của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh vào Cà Mau. Sau đó ông đi thêm nhiều chuyến nữa, trong đó có 3 chuyến đưa vũ khí thành công vào Vũng Rô (Phú Yên).

Câu chuyện mà ông nhớ nhất là quyết định cho nổ chiếc tàu 641 sau nhiều năm gắn bó và hình ảnh đồng đội hy sinh thân mình để bảo đảm bí mật tuyến đường biển huyết mạch.

“Khoảng 11 giờ đêm ngày 27/11/1966, tàu của chúng tôi vào đến bến. Chạy tới chạy lui, từ cửa Mỹ Á đến Phổ An (Quảng Ngãi), vẫn không có người ra đón. Thời gian chẳng còn nhiều, chúng tôi quyết định thả hàng, đồng thời cử người vào bờ bắt liên lạc. Bốn giờ sáng, thả được hai phần ba lượng hàng thì phát hiện hai khu trục của địch tới ém, chắn lối ra”.

Trong suốt 10 năm (1962- 1972) từ bến K15 Đồ Sơn, đã có hàng trăm chuyến tàu không số, vận chuyển thành công 18.741 cán bộ, chiến sỹ và 44 nghìn tấn vũ khí, hàng hóa, chi viện kịp thời cho quân dân ta ở Nam bộ, khu 6, khu 5... kháng chiến, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong mặt trận phía Nam, thống nhất đất nước.

Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc, Chi ủy hội ý khẩn và đưa ra phương án cho nổ tàu nhằm giữ bí mật vị trí thả hàng và không để tàu rơi vào tay giặc.

“Sau khi anh em thuỷ thủ đã lên bờ, thuyền trường Thạnh và máy trưởng Phan Nhạn huỷ tài liệu, định giờ ngòi nổ ba mươi phút, rồi bơi vào bờ… Chờ mãi, chờ mãi chưa thấy tàu nổ. Từ trên bờ, thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ trưởng Trần Nhợ, hai anh lo tàu không nổ, sẽ rơi vào tay địch, nên đã bơi ra điểm hỏa. Một lúc sau, nơi tàu 641, một khối lửa bùng lên, anh Lộc và anh Nhợ hy sinh”.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.