Hội trường Học viện Hải quân từ tối đã chật kín, ngập sắc trắng quân phục hải quân của các học viên Học viện và màu xanh áo Đoàn của đoàn viên, thanh niên phố biển Nha Trang. Không khí chương trình “nóng” hơn với sự tham dự của đại biểu Hội CCB Đường Hồ Chí Minh trên biển, nhất là 4 cựu binh và thân nhân liệt sỹ tàu Không số C235; cùng những thành viên cơ sở làm nhiệm vụ đón bến năm xưa tại xã Ninh Vân.
Phát biểu mở đầu chương trình, nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức chương trình giới thiệu khái quát cuộc chiến đấu oanh liệt, chiến công lừng danh như huyền thoại của tàu Không số mang mật danh C235, góp thêm những chiến công của Đoàn tàu Không số, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Nhà báo Lê Xuân Sơn khẳng định: “Họ là những người anh hùng. Tổ quốc luôn nhớ và gọi tên những người anh hùng làm nên lịch sử để đất nước mãi trường tồn. Hôm nay, chúng ta có hoà bình, trong giai đoạn mới, mỗi bạn trẻ ngồi đây, tôi đều cảm thấy trong tim ngọn lửa cống hiến làm gì cho Tổ quốc. Tổ quốc luôn gọi tên chúng ta nối tiếp truyền thống cha anh và làm nên những trang sử mới cho đất nước. Tên chương trình giao lưu “Tổ quốc mãi gọi tên” là nhịp cầu đẹp để truyền ngọn lửa yêu nước từ thế hệ đi trước tới thế hệ trẻ hôm nay”.
Đượm tình tàu-bến
Không khí hội trường liên tục vỡ oà với những tràng vỗ tay của các bạn trẻ dành tặng cho phần chia sẻ của 4 cựu binh tàu C235 Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật, Lê Duy Mai, Nguyễn Hồng Phong. Các cựu binh tái hiện lại hoàn cảnh hiểm nguy, sự dũng cảm xử lý tài tình của tàu để hoàn thành nhiệm vụ; cũng như kiên cường chiến đấu trên biển, trên bờ trước mưa bom bão đạn của gần chục tàu chiến, máy bay địch. Cựu binh Lâm Quang Tuyến lý giải tại sao tàu C235 có thể di chuyển không đèn vượt qua đêm tối tránh được bãi cạn, đá ngầm và vòng vây của tàu địch vào bến thả hàng an toàn. Đó là nhờ vào kinh nghiệm thực tế và kiến thức về địa văn, thiên văn. “Từ kiến thức địa văn, thiên văn, chúng tôi đo sao vào các buổi bình minh, hoàng hôn để tính vị trí tàu. Cách tính này có độ chính xác gần tuyệt đối. Mỗi khi đi vào vùng biển mới chúng tôi đều có sự nghiên cứu trước, nên không có gì khó”, ông Tuyến nhớ lại.
Phần giao lưu giữa các cựu binh của tàu C235 và bà Phạm Thị Hường, ngày ấy là người làm nhiệm vụ tại bến Hòn Hèo (mật danh K67). Bà Hường cho biết: Khi đón các chiến sĩ tàu C235 về đã chăm sóc, nuôi giấu các anh là những ngày gian khó nhất. Địch càn quét, không còn gì ăn, những người làm nhiệm vụ tại K67 phải đào củ mài, nhường cho các anh. Nuôi khoảng 2 tháng thì các anh khỏe mạnh có thể trở về đơn vị. “Khi chia tay, anh Lâm Quang Tuyến còn nói: “Hường ơi, sau này khi miền Nam giải phóng, anh sẽ xin một số dụng cụ em tự chế khi nấu cho các anh ăn để làm kỷ niệm. Nhưng tiếc thay những dụng cụ đó tôi không còn giữ được”- Bà Hường xúc động.
CCB Hà Minh Thật chia sẻ câu chuyện mới về việc lấy tên thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đặt tên cho một hòn đảo thuộc Trường Sa của Tổ quốc. Đó là lần ông đưa Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương đi qua đảo Hòn Sập, Đô đốc hỏi: “Nơi này ai đi qua nhiều nhất?”. Ông Thật trả lời “đó là thuyền trưởng Phan Vinh”. “Đồng chí Giáp Văn Cương sau đó quyết định đặt tên điểm đảo này là Phan Vinh”, ông Thật kể.
Giao lưu với chị Doãn Thị Thu và anh ruột Doãn Quang Hùng (con liệt sỹ Doãn Quang Ruyện), chị Trần Thị Nhung (con liệt sỹ Trần Lộc) và chị Ngô Thị Hải Yến (con liệt sỹ Ngô Văn Thứ) nói, tất cả đều không rõ mặt cha, khi cha hy sinh họ còn quá nhỏ. Để tìm được thông tin chiến trường nơi bố chiến đấu và hy sinh, các anh chị đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả. Những lần đến nơi bố đã hy sinh trước đây, họ đều đi một mình. “Trong lần đi này, chẳng những các thân nhân liệt sĩ có dịp biết nhau, mà còn gặp các đồng đội trước đây của bố”- chị Thu thay mặt cả nhóm cho biết.
Tiếp lửa truyền thống
Đại diện cho thế hệ trẻ Học viện Hải quân, hạ sỹ Nguyễn Đức Cảnh - học viên năm thứ nhất Học viện Hải quân cho biết, nghe kể chiến công của tàu Không số C235 anh cảm thấy rất khâm phục, trân trọng biết ơn sự hy sinh xương máu của thế hệ cha anh để bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc. Hạ sỹ Nguyễn Đức Cảnh rất tự hào khi khoác lên mình bộ quân phục Hải quân, cho biết, sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để kế thừa, phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, đồng thời góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước. Chung cảm xúc biết ơn thế hệ cha anh, Á hậu Việt Nam Ngô Thanh Thanh Tú chia sẻ, trong tương lai em mong muốn là cán bộ ngoại giao, cùng với việc giới thiệu văn hoá, đất nước tươi đẹp của Việt Nam sẽ giới thiệu lịch sử hào hùng của thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu giành độc lập, tự do cho đất nước.
Đại tá Tô Hải Nam, Chánh văn phòng Hội Cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển đã ôn lại vai trò quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển trong việc vận chuyển nguồn lực, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam; những phương thức chiến đấu của đoàn tàu không số; đồng thời nhắn nhủ thế hệ trẻ cần không ngừng rèn luyện, học tập để tiếp bước cha anh.
Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng quà các cựu binh tàu C235 và những người làm cơ sở trên bờ (mỗi suất quà trị giá 3 triệu đồng). Ban tổ chức trao tặng 14 suất quà cho giảng viên Học viện Hải quân là thân nhân các liệt sỹ, thương binh.