60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021)-Kỳ 3:

Những người con của liệt sĩ tàu không số

0:00 / 0:00
0:00
Chị Ngô Hải Yến lần đầu lên khu vực đảo Hòn Hèo thắp hương cho cha và các liệt sĩ tàu C235. ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Chị Ngô Hải Yến lần đầu lên khu vực đảo Hòn Hèo thắp hương cho cha và các liệt sĩ tàu C235. ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
TP - Họ là con gái của hai liệt sĩ tàu C235 do anh hùng Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng. Khi cha hy sinh, họ còn quá nhỏ. Nhiều năm sau, khi biết nơi cha hy sinh, dù đường sá xa xôi cả hai quyết tâm đến bằng được.

Bốn lần đến Hòn Hèo

Tôi gặp Ngô Thị Hải Yến, con gái liệt sĩ (LS) Ngô Văn Thứ lần đầu cách đây hơn bốn năm. Đó là vào năm 2017, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, báo Tiền Phong đã tổ chức các hoạt động tri ân về chiến công của tàu C235 tại Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Khách mời gồm các nhân chứng còn sống của tàu C235 và thân nhân LS của tàu, trong đó có Hải Yến. Hôm đó, thấy Yến hơi bị tật ở chân, tôi có chút băn khoăn vì không biết đến Hòn Hèo chị có gặp khó gì không, vì vài điểm trong khu di tích không dễ đi. Trong quá trình đi, tôi hỏi thăm: “Yến từng ra Hòn Hèo chưa?”, chị nhỏ nhẹ trả lời: “Em đến đó 3 lần rồi. Lần đầu cách đây hơn hai mươi năm”.

Nghe Hải Yến nói thế, tôi thấy nể. Bởi tôi biết, hơn 20 năm trước, khu vực Hòn Hèo còn khá hoang sơ, để vào tới nơi và đi lại trong đó còn khó hơn giờ rất nhiều.

Khi tôi hỏi: “Bố là lính hải quân, tên đệm “hải” của Yến chắc mang ý nghĩa đó?” Hải Yến chia sẻ: “Trước đây, khi chuẩn bị trở lại đơn vị để thực thi nhiệm vụ, biết mẹ em có thai, bố có nói rằng sau này nếu sinh con trai thì đặt tên là Hải, còn con gái là Yến. Đến khi sinh em, mẹ đặt là Hải Yến”. Rồi chị cho biết thêm: “Khi em chào đời cũng là lúc mẹ nhận được tin bố hy sinh”.

Những người con của liệt sĩ tàu không số ảnh 1

(Từ trái sang) Chị Ngô Hải Yến (thứ nhất) và chị Doãn Thị Thu (thứ ba) thắp hương cho cha và các liệt sĩ tàu C235 tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Hèo. Ảnh: KIẾN NGHĨA

Hải Yến kể rằng, khi lớn lên, chị chỉ biết bố hy sinh tại mặt trận phía Nam. Đến năm 1994, Yến bất ngờ được một người quen cho biết có đọc một bài báo viết về những người lính trên con tàu vận chuyển vũ khí giữa biển Đông, trong đó có nhắc đến LS Ngô Văn Thứ. Mừng quá, Yến vội tìm bài báo đó để đọc nhưng không được.

Qua tìm hiểu, khi biết bài báo đó được một tòa soạn tại Hà Nội xuất bản, Yến cùng mẹ tìm đến nơi để hỏi thông tin. Hóa ra, hồi đó Điện ảnh Quân đội Nhân dân đã cùng Xưởng phim Thực nghiệm Ngọc Khánh (thuộc Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam) đã phối hợp làm phim “Đường mòn trên biển Đông”, phản ánh về những người lính trên những đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc cho chiến trường.

Bài báo đó được viết xuất phát từ bộ phim này. Nghe vậy, hai mẹ con Hải Yến tìm đến trụ sở Điện ảnh Quân đội Nhân dân, được người của đoàn làm phim đón tiếp tận tình và cho xem lại bộ phim. “Bộ phim khiến em rất xúc động. Khi đó, em đã tự nhủ nhất định mình sẽ đến Hòn Hèo để thắp hương cho bố”- Hải Yến nói.

Hải Yến cho biết, tháng 4/1995, được sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Hải quân, Học viện Hải quân và Lữ đoàn 125, Hải Yến cùng mẹ lần đầu được đến Hòn Hèo. Thắp hương cho bố, Hải Yến nghẹn ngào: “27 năm sau khi bố hy sinh, con mới đến được đây để thắp hương cho bố”.

Năm 1997, Hải Yến và mẹ đến Hòn Hèo lần thứ hai. Năm 2006, Yến cùng chú ruột lại đến Hòn Hèo thắp hương cho bố. Qua những lần đến đây, Hải Yến có dịp hiểu rõ hơn về quá trình chiến đấu, hy sinh của LS Ngô Văn Thứ. Sự việc xảy ra vào đêm 1/3/1968, dù bị địch truy kích, nhưng tàu C235 vẫn vào được bến Hòn Hèo để thả vũ khí.

Sau đó, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định để đồng đội rút lên bờ và cho nổ tàu để không sa vào tay địch. Thợ máy Ngô Văn Thứ cùng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh là hai người cuối cùng rút lên bờ, sau đó họ đã ở lại chặn địch và hy sinh, để những đồng đội khác thoát vòng nguy hiểm.

Gần đây, có dịp nói chuyện với Hải Yến, được chị cho biết mấy năm nay do dịch COVID-19 nên chưa có dịp trở lại Hòn Hèo. Yến hy vọng một ngày không xa có thể trở lại nơi đây.

Người con của gia đình tàu không số

Hơn bốn năm trước, khi báo Tiền Phong tổ chức các hoạt động tri ân về chiến công của tàu C235, tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ mời các cựu binh từng đi trên con tàu này còn sống và thân nhân các LS tham gia chương trình. Khi đó, Doãn Thị Thu (con gái LS Doãn Quang Ruyện) là người tôi gặp đầu tiên.

Chia sẻ về cha, chị Thu cho biết: “Tôi nghe bà nội kể lại, cuối năm 1964, khi tôi mới 3 tháng tuổi, bố được về phép. Ít ngày sau, bố trở lại đơn vị và từ đó chưa có dịp về thăm nhà. Thời đó chiến tranh ác liệt quá. Năm tôi lên 4, bố đã hy sinh”.

Doãn Thị Thu cho biết, thời gian đó khi nhận giấy báo tử, gia đình chỉ biết LS Ruyện hy sinh tại mặt trận phía Nam. Năm 1990, trước khi qua đời vì bệnh hiểm nghèo, mẹ chị đã nói với hai con, nếu sau này biết nơi bố hy sinh thì đến đó thắp hương cho bố. Tới năm 2005, một người hàng xóm cho chị Thu biết, anh vừa xem bộ phim trên truyền hình nói về tinh thần chiến đấu quả cảm của các chiến sĩ tàu C235. Bộ phim đặc tả tấm bia ghi danh 14 liệt sĩ trong đó có tên LS Doãn Quang Ruyện. Trước tin này, Doãn Thị Thu lần tìm và biết bố hy sinh tại vùng biển Hòn Hèo.

Năm 2006, Doãn Thị Thu cùng chị dâu tới huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) để liên hệ tới khu vực đảo Hòn Hèo, nơi bố chị và 13 đồng đội đã hy sinh. “Hôm đó, thắp hương cho bố và các đồng đội của bố, tôi thầm nói: Vậy là chúng con đã đến được nơi bố chiến đấu và hy sinh, đã thực hiện được lời dặn cuối cùng của mẹ”- Chị Thu xúc động chia sẻ. Rồi chị cho biết thêm, năm 2016, nhân kỷ niệm 55 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, chị cùng cô ruột (bà Doãn Thị Mai) và anh trai đến Hòn Hèo.

Trước đó, bà Mai đã cho hai cháu biết, năm 1967, khi viết thư cho bà, ông Ruyện có dặn nếu ông hy sinh thì các em thay anh chăm sóc bố mẹ. LS Ruyện là con trai duy nhất trong gia đình. Khi gửi thư, Doãn Quang Ruyện còn kèm bức ảnh chụp khi ông vừa học xong lớp báo vụ tàu. Tấm ảnh đó đến nay bà Mai vẫn giữ.

Trong lần trò chuyện mới đây, tôi nói: “Chị đã trở thành người con của gia đình tàu không số rồi”. Chị Thu cười: “Vâng, các bác, các chú của con tàu cũng nói với tôi như vậy”.

MỚI - NÓNG