Cảm tử vì Tổ quốc
Trước khi viết bài này, một trong những người tôi muốn được hỏi chuyện là ông Lê Đình Kiến, nguyên chỉ huy trưởng Đội trinh sát đặc nhiệm HB19 (Đội HB19), mật danh đơn vị đóng tại bến Hòn Hèo năm xưa (nay thuộc xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) để đón tàu vận chuyển vũ khí tại đường Hồ Chí Minh trên biển, trong đó có tàu C235. Tuy nhiên, khi liên lạc mới biết ông Kiến (hiện sống tại Đà Nẵng) đã gần 100 tuổi, nên hạn chế về trí nhớ do tuổi cao. Nhớ đến một đồng đội thời đó của ông Kiến là cựu chiến binh (CCB) Đặng Văn Hải mà tôi từng biết cách đây vài năm, nên tôi liên lạc để hẹn gặp.
CCB Đặng Văn Hải hiện sống tại Hà Nội, trước đây là chiến sĩ báo vụ của Đội HB19. Ông Hải cho biết, nhiều năm trước, ông Lê Đình Kiến từng nói với các đồng đội HB19 là những ai có chuyện gì nhớ về đơn vị năm xưa thì ghi lại, kẻo sau này tuổi cao lại quên mất. Một số người đã viết, sau đó những câu chuyện này được tập hợp thành cuốn sách nhỏ, chủ yếu lưu hành trong các thành viên Đội HB19. Trong bài viết của mình, ông Lê Đình Kiến kể rằng sau chuyến giao vũ khí lần cuối tại bến Vũng Rô của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh (đã nêu ở kỳ trước- K.N) chừng nửa tháng, vào ngày 16/2/1965, một tàu khác của ta mang số hiệu 143 đã bị lộ tại bến này.
Trước tình hình đó, bến Hòn Hèo được lựa chọn để thay thế. Đầu năm 1967, Đội HB19 tại khu vực Hòn Hèo được thành lập, do ông Lê Đình Kiến làm Chỉ huy trưởng. Qua một số đợt đón nhận vũ khí, đến cuối tháng 2/1968, Đội HB19 nhận lệnh canh trực để đón tàu cập bến Hòn Hèo. Do tín hiệu bắt liên lạc thời điểm đó gặp một số khó khăn nên Đội HB19 tập trung vào công tác ứng trực. Đêm 29/2/1968, thiếu úy Huỳnh Hường (một người từng học thuyền trưởng được điều về bến Hòn Hèo) làm nhiệm vụ trinh sát phát hiện có tàu tiến vào phía đông xã Ninh Vân. Với sự nhạy bén của một thuyền trưởng quê ở Nha Trang (Khánh Hòa), Huỳnh Hường nhận định đó là tàu ta đang vào bến nên vội về đơn vị báo cáo.
Chiếc tàu mà ông Huỳnh Hường nhận thấy chính là tàu C235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy. CCB Lê Duy Mai (một trong những thủy thủ tàu C235 còn sống) cho biết, thời điểm đó, việc vận chuyển vào bến Hòn Hèo rất khó khăn do nơi đây có nhiều đá ngầm, luồng lạch hẹp nên tàu khó cập bến. Tối 27/2/1968, tàu C235 (gồm 20 thành viên) xuất phát, đến tối 29/2 tới vùng biển Nha Trang và tiến về Hòn Hèo. Nhưng lúc này địch đã phát hiện tàu ta và tổ chức bao vây.
Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh tắt hết đèn trên tàu để tiếp tục vào bến. Địch cũng cho tắt hết đèn tàu của chúng để phục kích tàu ta. Mặc dù vậy, thuyền trưởng Phan Vinh vẫn chỉ huy được tàu C235 lách qua vòng vây của địch để cập bến Hòn Hèo. Sau khi bắt tín hiệu với bến chưa được, anh hạ lệnh thả vũ khí tại nơi đã định rồi nhanh chóng rời khỏi đây để địch không phát hiện ra điểm thả hàng.
Các cựu binh tàu C235 và các cựu thành viên Đội HB19 tại nơi đón tàu C235 năm xưa. (ẢNH DO CCB ĐẶNG VĂN HẢI CUNG CẤP) |
CCB Hà Minh Thật (một thủy thủ khác của tàu C235) nhớ lại, thời điểm đó là rạng sáng 1/3/1968, địch tiếp tục bắn đạn cỡ lớn chặn đầu để không cho tàu C235 vào bờ, đồng thời huy động thêm hàng chục chiến hạm và hải thuyền có phi cơ yểm trợ để bắt sống tàu ta.
Thuyền trưởng Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy đồng đội vừa chiến đấu, vừa điều khiển tàu sát vào bờ. Cuộc chiến không cân sức khiến một số chiến sĩ hy sinh và bị thương. Trước tình thế hiểm nghèo, thuyền trưởng Phan Vinh hạ lệnh cho các đồng đội rời khỏi tàu để chuẩn bị cho C235 phát nổ. Sau khi tất cả lên được bờ, thuyền trưởng Phan Vinh mới cho phát nổ tàu. Sau đó, anh cùng một đồng đội ở lại chặn địch và cả hai cùng hy sinh, qua đó giúp đồng đội thoát hiểm.
Cháy mãi ngọn lửa bất khuất
Trở lại câu chuyện của Đội HB19, sau khi được thiếu úy Huỳnh Hường thông báo, họ lập tức tới chỗ thả vũ khí. Và Đội HB19 bất ngờ nghe một tiếng nổ vang trời, và mặt biển Hòn Hèo bùng lên một cột lửa khổng lồ thì họ biết chuyện chẳng lành đã xảy ra. Tàu của ta tự hủy để không rơi vào tay địch. Ngày ấy, do sức công phá của thuốc nổ, một phần xác tàu C235 đã văng lên lưng chừng núi Bà Nam thuộc địa bàn xã Ninh Vân, phần còn lại chìm xuống biển.
CCB Lê Duy Mai cho biết, sau khi trận chiến lắng xuống, thành viên tàu C235 chỉ còn bảy người. Sau đó, khi bị địch truy đuổi, thuyền phó tàu C235 Đoàn Văn Nhi cũng hy sinh, đồng đội Mai Văn Khung bị địch bắt (sau này khi Hiệp định Paris năm 1973 ký kết, anh được trao trả). Còn nhóm 5 người tiếp tục tránh sự truy bắt của địch, duy trì sự sống bằng ăn quả rừng, kiến, ốc sên, uống nước hốc cây…
Sau đó, trong một lần đi lấy nước, Hà Minh Thật bị lạc đồng đội. Đến đêm thứ 13 kể từ trận đánh trên, khi sức khỏe đã kiệt quệ, nhóm 4 thành viên tàu C235 gồm Lê Duy Mai, Nguyễn Hồng Phong, Lâm Quang Tuyến, Vũ Long An may mắn gặp người của Đội HB19, được họ đưa về xã Ninh Vân chăm sóc. “Còn tôi, khi bị lạc đồng đội, qua mấy ngày tránh địch, tôi gặp một người đi dọc bờ biển như muốn tìm ai.
Qua phán đoán, tôi nghĩ có thể đây là người của Đội HB19 nên rời khỏi chỗ nấp, nói mật hiệu “kiến”, thì người kia đáp “vàng” nên nhận ra nhau. Tôi cũng được đưa về căn cứ của Đội HB19, sau đó gặp lại 4 đồng đội của tàu C235”- CCB Hà Minh Thật cho biết thêm.
Sau khi được Đội HB 19 chăm sóc và khỏe lại, năm thủy thủ tàu C235 trở lại nơi con tàu bị đắm và tìm xung quanh nhưng không gặp được đồng đội nào nữa. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và 13 đồng đội tàu C235 đã hy sinh tại khu vực Hòn Hèo.
CCB Đặng Văn Hải cho biết, năm 2011, nhân kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển, những CCB tàu C235 và một số thành viên Đội HB19 mới có dịp được gặp lại nhau tại chiến trường xưa ở khu vực Hòn Hèo.
(Còn nữa)