Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác Hồ luôn đau đáu với khát vọng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”. Lịch sử ghi nhận ông Lê Đức Thọ là người có công lớn trong hiện thực khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thành công tại Hội nghị Paris, buộc Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam.
Lớp người chứng kiến ngày Hội nghị Paris thắng lợi giờ đã là những bậc cao niên, nhưng họ vẫn nhớ như in giây phút ấy bởi đó là bước chuyển mình vĩ đại, đưa lịch sử dân tộc sang giai đoạn mới.
Lãnh đạo thành phố Nam Định thăm Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ |
Ở Nam Định, quê hương của ông Lê Đức Thọ, nhiều người không quên thời điểm ấy và họ tự hào về người con quê hương đã góp phần quan trọng vào thắng lợi tại Hội nghị Paris, buộc Mỹ phải rút đội quân viễn chinh ra khỏi đất nước ta.
Ông Trần Trung Thành (75 tuổi, trú tại phường Trần Huy Liệu, thành phố Nam Định), một đảng viên có hơn 40 năm tuổi Đảng nhớ lại: “Tôi bị thương ở chiến trường miền Nam, giải ngũ về Nam Định năm 1971. Từ giữa năm 1972, cứ đến giờ Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin về Hội nghị Paris là cả phố tập trung đến những nhà có đài để nghe. Nhiều người còn làm đài ca-lan (dùng 2 sợi dây căng vào 2 đầu ống bơ, nối với dây đồng chôn xuống đất) để nghe bập bõm câu được câu chăng bản tin. Tôi vẫn nhớ như in tối ngày 27/1/1973, khi nghe tin Hiệp định Paris được ký kết chính thức tại Hội trường Keleber tại Paris (Pháp), Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất của Việt Nam, cả phố đã ôm lấy nhau khóc, hò reo.
Ông Thành cũng nhớ, sau đó ông được biết ông Lê Đức Thọ, người đồng hương của mình chính là cố vấn cấp cao của Đoàn đàm phán có những quyết sách góp phần quan trọng, có tính quyết định đối với thành công của Hiệp định Paris.
“Từ đó, tôi sưu tập tất cả thông tin về diễn biến hội nghị, đặc biệt để ý đến các hoạt động tại hội nghị của ông Lê Đức Thọ. Sau đó, ở cuộc họp đồng ngũ nào tôi cũng tự hào khoe mình là đồng hương với ông Lê Đức Thọ và kể những thông tin về ông cho đồng đội”, ông Thành kể.
Gần tuổi 80, bà Nguyễn Thị Dung (trú tại 101E, đường Lưu Hữu Phước, phường Hạ Long, thành phố Nam Định) hồi tưởng: “Chồng tôi nhập ngũ từ năm 1970, hành quân ròng rã khắp các chiến trường, vợ và 4 con thơ dại ở hậu phương. Năm 1968, nghe đài báo thông tin bắt đầu Hội nghị Paris bàn về giải pháp hoà bình tại Việt Nam, tôi đã ôm lấy các con khóc vì nghĩ rằng chúng đã có hi vọng gặp lại bố. Đến đầu năm 1973, đêm ấy thông báo Hiệp định Paris được ký, tôi lại một lần nữa bật khóc. Nhưng lần này khóc là vì hoà bình đã ở ngay gần. Sau này nghe các con kể chuyện người lãnh đạo đoàn đàm phán Paris là ông Lê Đức Thọ, người Nam Định, tôi ơn ông ấy nhiều lắm. Năm 2014, khi khánh thành Đền tưởng niệm ông ấy ở xã Nam Vân, tôi đưa cả con cháu đến thắp hương tri ân”.
“Hoạt động cách mạng để cống hiến cho đất nước”
Đồng chí Lê Đức Thọ là một nhà cách mạng toàn tài, thể hiện ở nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là tài ngoại giao và công tác tổ chức. Nhưng trên hết, ông là một nhà cách mạng chân chính, luôn đau đáu với mục tiêu quan trọng nhất là cống hiến cho đất nước, làm tất cả để nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Những ngày tháng 10, khắp cả nước diễn ra các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, đâu cũng bàn về tài năng kiệt xuất của ông. Tại quê ông ở xã Nam Vân (thành phố Nam Định), người dân ở đây càng tự hào hơn về người con quê hương của mình và truyền nhau câu chuyện bản thân họ đã trực tiếp chứng kiến khi ông về thăm quê vào ngày 24/8/1988.
Anh Nguyễn Thanh Tùng (47 tuổi, trú tại thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, thành phố Nam Định) tự hào kể: “Lúc ông Lê Đức Thọ về thăm quê, tôi đang học lớp 8, được cùng các bạn học sinh đứng hàng đầu trong đoàn đón ông. Ở hội trường UBND xã, một lãnh đạo tỉnh Hà Nam Ninh đề nghị ông cho phép tỉnh xây nhà lưu niệm về thân thế, sự nghiệp của ông để góp phần giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. Tôi nhớ, thay vì trả lời đề nghị, ông đứng dậy hỏi một cụ cao tuổi trong làng: “Thế chính quyền địa phương có thường xuyên chăm lo đến các gia đình chính sách không? Bà con ta có đủ cơm ăn, áo mặc không?”.
Khi cụ già đáp: “Thưa đồng chí, bà con chúng tôi còn đói lắm!”. Ông Lê Đức Thọ quay sang nói với cán bộ tỉnh: Cả cuộc đời anh em chúng tôi đi hoạt động cách mạng là để cống hiến cho đất nước, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Vậy các đồng chí hãy lấy số tiền đó để lo cho các gia đình chính sách”.”
Anh Tùng cho biết, do công việc bận nên ông Lê Đức Thọ rất ít về thăm quê, nhưng lần nào về ông cũng dành thời gian đi thăm các gia đình nghèo, đặc biệt là các gia đình chính sách.
“Sau này, được học hành, tôi thấu hiểu về làm cách mạng và sống để làm gì thì vẫn chỉ gói gọn trong câu nói của ông Lê Đức Thọ hôm đó. Và câu trả lời của ông trở thành một kim chỉ nam cho suốt chặng đường công tác của tôi sau này”, anh Nguyễn Thanh Tùng tâm sự.
Chiều 7/10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ.
Hội thảo được tổ chức với hình thức trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội và Nam Định. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hộ nghị. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 40 báo cáo, tham luận ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Lê Đức Thọ, người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Nam Định đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.