Hillary và những sai lầm tranh cử

Hillary và những sai lầm tranh cử
Cuộc đua vào Nhà Trắng khởi đầu với đủ lợi thế cho bà Hillary Clinton. Ứng viên Barack Obama quá non trẻ, Đảng Cộng hòa gặp đủ khó khăn sau hai nhiệm kỳ đầy tệ hại của Tổng thống G.Bush... Nhưng cả bà và các cố vấn không thể hiểu vì sao cục diện lại thay đổi nhiều đến thế.
Hillary và những sai lầm tranh cử ảnh 1

Bà Hillary trong phút nghỉ ngơi ngày 16/5

Vào cuối năm ngoái, các cuộc thăm dò đều cho thấy lợi thế vô song của bà Hillary Clinton so với đối thủ Barack Obama.

Nhưng những lợi thế này dần dần tự bốc hơi khi cuộc chiến kéo dài hơn so với dự tính ban đầu của bà và các cố vấn (cố vấn của bà Hillary tính toán rằng chỉ cần đến ngày siêu thứ ba 5/2 là có thể đánh bại được ông Obama).

Karen Tumulty viết trên tạp chí Time rằng bà Hillary đã phạm phải ít nhất năm sai lầm trong cuộc đua này.

1. Đánh giá sai tâm trạng của cử tri

Có lẽ đây là sai lầm lớn nhất của bà. Trong cuộc đua mà tất cả nhấn mạnh vào sự thay đổi, bà Hillary nhấn mạnh mình là người đương nhiệm, tranh cử bằng kinh nghiệm, bằng sự sẵn sàng và tính chắc chắn, cùng với sức mạnh thương hiệu uy tín nhất của Đảng Dân chủ trong suốt 16 năm qua. 

Tuy vậy, bà Clinton đã không đọc được tâm trạng của cử tri Đảng Dân chủ, những người muốn thay đổi. Chiến lược gia hàng đầu của ông Barack Obama, David Axelrod khẳng định: "Những tính toán chiến lược ban đầu của Clinton là sai và đã giúp chúng tôi nắm được lợi thế".

2. Không biết luật chơi

Những người bà Clinton chọn chủ yếu bởi lòng trung thành thay vì những người thật sự hiểu luật chơi.

Trong buổi phân tích chiến lược của nhóm bà hồi cuối năm ngoái, chiến lược gia trưởng Mark Penn khi đó dự đoán chiến thắng sớm ở California sẽ đưa bà lên dẫn đầu với toàn bộ 370 đại biểu ở bang này.

Điều này nghe có vẻ khôn ngoan nhưng mọi học sinh trung học cũng biết rằng Penn đã sai: Đảng Dân chủ khác với Đảng Cộng hòa, phân bổ số đại biểu theo tỉ lệ phiếu thay vì để người thắng cuộc lấy tất.

Ngồi ngay gần đó, một nhân vật kỳ cựu của Đảng Dân chủ Harold M. Ickes, người từng viết những qui định đó, giật mình: "Sao lại có thể như vậy, chiến lược gia trưởng mà lại không hiểu qui tắc phân bổ đại diện theo tỉ lệ cử tri?".

Thực tế cuối cùng chiến dịch của bà Clinton vẫn giữ nguyên theo tư duy đó, tập trung vào các bang lớn.

3. Đánh giá thấp những bang nhỏ

Do tập trung chiến lược vào những bang lớn, bà Hillary bỏ qua những bang nhỏ như Minnesota, Nebraska và Kansas, những bang thường chọn theo hình thức caucus (họp riêng để chọn đại biểu thay vì đăng ký bỏ phiếu phổ thông).

Bà có lý do của mình: theo một cố vấn cho biết, vợ chồng Clinton cùng nghĩ rằng "những bang đó không phải điều họ muốn".

Khối ủng hộ chính của bà - phụ nữ, người già, và khối những công nhân cổ cồn - thường ít khi chịu bỏ cả đêm để tham dự những buổi caucus như vậy.

Nhưng điều đó giống như một sự tự buông vũ khí ở những nơi chiếm tới 12% số lượng đại biểu.

Axelrod, người của ông Obama, giải thích: "Với tất cả tài năng và tiền bạc họ có, thật đáng ngạc nhiên, họ lại không hiểu về các bang đó và không ý thức được tầm quan trọng ở đấy". Khi mà những trợ tá của bà Clinton hiểu được sai lầm lớn của mình thì họ lại thiếu nguồn lực để sửa sai.

4. Dựa trên cách kiếm tiền cũ

Trong suốt hơn một thập niên, gia đình Clinton đã tạo ra lề lối kiếm tiền cho Đảng Dân chủ. Hầu hết những người từng quyên góp cho ông Bill giờ lại quyên góp cho bà Hillary.

Chiến dịch tranh cử nghị sĩ hồi năm 2006 của bà đã gây được số tiền khổng lồ tới 51,6 triệu USD trước một đối thủ chỉ mang ý nghĩa hình thức - được coi như cuộc diễn tập cho cuộc đua lớn hơn.

Tuy vậy, có một điều về vận động tiền quĩ mà đội hình của bà Clinton đã không hiểu: mạng Internet.

Tất cả tiền của nhà Clinton là từ những bữa tiệc cocktail và thực khách sẽ chi những tấm ngân phiếu lớn. Và một khi họ đã góp tới 2.300 USD theo qui định của pháp luật sẽ không thể góp thêm nữa. Hũ tiền tưởng chừng như không bao giờ cạn của gia đình Clinton giờ đã cạn khô.

Ông Obama trong khi đó dựa vào cách thức kiếm tiền khác: hơn 1 triệu người đã đăng ký thành viên tại website của ông và tiếp tục gửi tiền từ 5, 10 và 50 USD cho ông mỗi lần (chiến dịch của ông Obama đã thu được hơn 100 triệu USD qua mạng, tương đương với hơn nửa số tiền họ thu được).

5. Chưa tính đường dài

Chiến lược của bà Clinton dựa trên tính toán về một thắng lợi sớm. Nếu thắng ở Iowa, bà nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kết thúc, vì thế bà đã chi rất nhiều ở đây để rồi cuối cùng chỉ đứng thứ ba.

Điều đáng ngạc nhiên nữa là chiến dịch của bà Hillary đã phải mất rất lâu mới cơ cấu lại được. Bà chiến đấu hòa với ông Obama trong ngày siêu thứ ba nhưng sau đó thì không còn người để triển khai cho các bang tiếp theo.

Ông Obama thì giống như con tàu chạy trên 2-3 tuyến đường. Trong khi tổng hành dinh ở Chicago tập trung vào một bang sắp tới thì họ luôn kịp phân bổ người vận động cho các bang tiếp theo.

Ngay từ ngày 21/2, người điều hành chiến dịch của ông Obama đã xuất hiện ở Raleigh, North Carolina (bang mới bầu cử hôm 6/5). Khi đó ông phát biểu với báo giới rằng kết quả ở North Carolina sẽ rất quan trọng đối với cuộc đua - điều có thể nhiều người lúc đó thấy nực cười.

Giờ đương nhiên câu hỏi dường như không phải là liệu bà Clinton có rút lui hay không mà chỉ còn là thời điểm nào mà thôi. Gần đây, trong ngày Tổng thống Bush chỉ trích ông Obama, bà Clinton không tiếp tục chỉ trích đối thủ của mình mà quay sang chỉ trích nhà lãnh đạo Nhà Trắng.

Tại Indianapolis, bà tuyên bố: "Dù chuyện gì xảy ra thì tôi cũng sẽ cố gắng giúp đỡ cho ứng viên của Đảng Dân chủ vì chúng ta phải thắng vào tháng mười một". Khi nhiệm vụ quan trọng là hàn gắn những rạn nứt của Đảng Dân chủ, phe thất bại cũng có tầm ảnh hưởng như là người thắng cử.

Theo Thanh Tuấn (Từ New York)
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG