Đề xuất gì khi trước đó bà từng ủng hộ cách tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” của cựu tổng thống Barack Obama, khi bà trực tiếp trải nghiệm hai vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trên cương vị ngoại trưởng Mỹ từ năm 2011 đến 2013?
Trước hết, bà gợi ý “suy nghĩ lại” quan điểm của sếp cũ Obama được cho là lỗi thời trước thực tế Triều Tiên ngày càng cứng rắn. Thật ngạc nhiên, bà không bác bỏ chiến lược hiện tại của chính quyền Donald Trump mà nhiều người từng bảo chẳng khác gì đồng cấp Obama đã làm.
Điều đó dường như cho thấy bà thừa nhận có sự khác biệt nhất định giữa hai đời tổng thống? Nói gì thì nói, không thể phủ nhận thực tế lần đầu tiên Trung Quốc ủng hộ hai nghị quyết liên tiếp của Liên Hợp Quốc trừng phạt đồng minh truyền thống của mình và tuyên bố “không chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Tuy nhiên, người đang ôm hận thất bại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đề xuất phải mạnh tay hơn thay vì chỉ dừng lại với những gì đang làm. Chỉ dựa vào gia tăng trừng phạt nhất định không đi đến kết quả như những gì diễn ra suốt bảy năm qua. Iran từng vẫn thản nhiên phát triển hàng loạt máy ly tâm để chế tạo nhiên liệu hạt nhân cũng trong tình cảnh bị cấm vận. Nay, ưu tiên một là tăng sức ép lên Trung Quốc được cho là chỗ dựa chủ yếu cho Triều Tiên. Bên cạnh đó, bà đề nghị mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ tối đa Hàn Quốc cho dù Nga-Trung phản đối đến đâu đi nữa.
Thực tình đấy là những gì chính quyền ông Trump đang làm. Song như thế cũng thêm một phiếu ủng hộ nặng ký. Uy tín của cựu đệ nhất phu nhân tổng thống tròn 70 xuân còn rất lớn nếu biết phát biểu trên được đưa ra trong một cuộc họp các cố vấn chính sách đối ngoại đến từ cả hai đảng dân chủ và cộng hoà do chính bà triệu tập.
Dù tự truyện “Những gì đã xảy ra” công bố hôm 13/9 bị không ít báo chí trong nước chỉ trích, Hillary Clinton dường như vẫn biết vượt qua thù hận cá nhân để hướng đến cái chung của đất nước. Phải chăng ông Trump nên thấu hiểu thay vì lại chỉ trích các đề xuất tâm huyết từ cựu nữ ứng viên tổng thống đầu tiên?