Hiệu quả vượt trội từ mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngoài việc giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, khi thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải, nông dân có thêm thu nhập từ việc bán báo cáo giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường.

Hợp tác xã Tân Long (xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) vừa phối hợp với các đơn vị tổ chức tổng kết thí điểm mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt – khô xen kẽ kết hợp đo lường và thu mua báo cáo giảm phát thải”.

Khi thực hiện mô hình, nông dân thực hiện chặt chẽ 9 công đoạn của quy trình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải khí nhà kính và được theo dõi, quản lý bởi vệ tinh.

Hiệu quả vượt trội từ mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải ảnh 1

Mô hình được triển khai trong vụ lúa Hè Thu 2024, giống lúa OM18, diện tích 4,2ha, thu hoạch sau hơn 3 tháng xuống giống. Ảnh: CK

Kết quả đánh giá cho thấy, ruộng lúa của mô hình mang lại hiệu quả nổi trội so với ruộng lúa đối chứng canh tác theo phương thức truyền thống, lại góp phần bảo vệ môi trường, canh tác bền vững.

Cụ thể, ruộng mô hình sử dụng lúa giống 80kg/ha, năng suất thu hoạch đạt gần 8 tấn/ha, chi phí đầu tư gần 22 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được hơn 36 triệu đồng/ha.

Trong khi ruộng đối chứng sử dụng lúa giống 120kg/ha, năng suất gần 6 tấn/ha, chi phí đầu tư hơn 24,2 triệu đồng/ha, lợi nhuận gần 20 triệu đồng/ha.

Ngoài việc giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, khi thực hiện mô hình mới, nông dân trồng lúa có thêm nguồn thu nhập từ bán chứng chỉ carbon. Nhờ mô hình mới áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác giảm lượng nước, giảm số lần bón phân và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo vệ môi trường.

Hiệu quả vượt trội từ mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải ảnh 2

Đại diện các đơn vị thông tin kết quả thí điểm mô hình. Ảnh: CK

Ông Phạm Minh Cường (Công ty CP Net Zero Carbon) cho biết, tham gia thực hiện mô hình, công ty hỗ trợ nông dân đưa ra được báo cáo giảm phát thải, công ty sẽ thu mua báo cáo giảm phát thải mà Công ty Spiro Carbon đo được từ hệ thống vệ tinh.

Cũng theo ông Cường, các mô hình tương tự thực hiện ở địa phương khác (đã thu hoạch lúa trước đó), ngoài giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, người dân còn hưởng lợi từ báo cáo giảm phát thải carbon đo được từ 3,5 - 4 tấn/ha.

Hiệu quả vượt trội từ mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải ảnh 3

Lúa canh tác theo mô hình cho năng suất cao hơn 2 tấn/ha so với canh tác truyền thống. Ảnh: CK

Ông Nguyễn Văn Thích - Giám đốc Hợp tác xã Tân Long cho biết, kết quả thí điểm mô hình trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính đã giúp giảm 30% chi phí (giảm phân, thuốc, giống, nước...) và tăng lợi nhuận khi giá bán lúa cao hơn bình thường từ 100-200 đồng/kg. Đặc biệt, mô hình làm theo quy trình tưới ngập - khô xen kẽ nên rễ lúa ăn sâu, cây lúa vì vậy hạn chế tối đa đổ ngã.

"Trước nay chỉ bán lúa, giờ còn bán được báo cáo giảm phát thải. Tới đây chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình lúa giảm phát thải khí nhà kính và tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Thích nói.

MỚI - NÓNG
Tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long Ảnh: Hoà Hội
Bổ sung nhân tạo nước dưới đất
TP - Luật Tài nguyên nước vừa có hiệu lực quy định ba trường hợp phải bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm phục hồi nguồn nước dưới đất tại những khu vực bị suy thoái, cạn kiệt trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam được nhận định “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn”. Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT, về quy định bổ sung nhân tạo nước dưới đất.