Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Công ty TNHH Bayer Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động thực tế, tập huấn, tọa đàm cùng nhà nông và các đối tác trong chuỗi giá trị sản xuất lúa, giải pháp phát triển mô hình Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai – Forward Farming, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Mô hình Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Ảnh: CK |
Mô hình canh tác lúa bền vững đang thực nghiệm tại cánh đồng xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ từ tháng 9/2023, với quy mô 2,4ha. Mục tiêu của dự án nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác lúa, gắn liền giảm thiểu các tác động đến môi trường; góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL, thúc đẩy xuất khẩu lúa gạo và tăng trưởng xanh ở khu vực ĐBSCL.
Mô hình ứng dụng đồng bộ giải pháp và công nghệ canh tác lúa tiên tiến, giảm các vật tư đầu vào, kiểm soát phát thải và tác động môi trường. Nâng cao năng lực và kiến thức canh tác bền vững cho người nông dân; thúc đẩy hợp tác công - tư trong toàn chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo…
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, qua thực nghiệm, mô hình canh tác lúa trên giúp giảm 2,5-3 lần lượng giống gieo sạ (60kg giống/ha, so với 150-180kg/ha như cách truyền thống); giảm gần 50% lượng nước tưới; giảm gần 25% lượng phát thải khí nhà kính; giảm 1,5-4 triệu đồng/ha chi phí đầu vào. Nhờ tiết kiệm chi phí đầu vào, năng suất lúa lại cao hơn, nên hiệu quả kinh tế tăng từ 13-55% so với mô hình canh tác truyền thống.
Dự án cũng đào tạo, tập huấn cho hơn 4.500 nông dân tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang về canh tác lúa chất lượng cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm; áp dụng các biện pháp giảm phát thải trong canh tác phù hợp với tập quán nhà nông và điều kiện địa phương.
Các chuyên gia, nông dân cùng cho rằng, mô hình Canh tác lúa bền vững thu được nhiều kết quả tích cực. Cải thiện khả năng tăng trưởng của lúa và chất lượng đất, tiết kiệm lượng nước sử dụng và giảm phát thải trong quá trình canh tác.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, mô hình áp dụng cách thức sạ cụm, sạ thưa, giúp cây lúa đẻ nhánh nhiều và phát triển tốt. Chỉ gieo sạ 60kg lúa giống cho mỗi héc-ta, để lúa khi mọc lên sẽ đẻ nhánh, tạo thành bụi khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc phải bón phân kịp thời, điều tiết nước phù hợp, vừa tiết kiệm vừa hiệu quả.
"Chúng tôi đã thống nhất cùng đơn vị liên quan xem mô hình này là chủ lực để thực hiện quy trình Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Với bước khởi đầu đáng phấn khởi này, mỗi bà con nông dân tham gia mô hình hãy trở thành những khuyến nông viên, cùng hướng dẫn, lan tỏa mô hình đến nhiều nông dân khác trong thời gian tới", ông Thanh nói.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: CK |
Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá, mô hình Canh tác lúa bền vững hướng tới tương lai đặc biệt hiệu quả trong giảm lượng giống và giảm nước. Việc giảm giống nhằm củng cố thêm lòng tin cho người nông dân khi bỏ đi thói quen gieo sạ dày. Còn việc giảm nước đã giúp tiết kiệm rất nhiều, phù hợp với xu thế chung khi nguồn nước không phải là tài nguyên vô tận.
“Khi nhân rộng mô hình thời gian tới, tùy vào điều kiện thực tế của các địa phương, có thể điều chỉnh lượng giống gieo sạ cho phù hợp, không nhất thiết phải 60kg/ha và giảm 30% phân đạm. Toàn bộ biện pháp kỹ thuật của mô hình rất phù hợp để triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa vùng ĐBSCL”, bà Hương nhận định.
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, hầu hết các vụ lúa trong mô hình thử nghiệm trên đều cho kết quả vượt trội hơn ruộng lúa không áp dụng. Riêng về lượng giống gieo sạ 60kg/ha là tối ưu hiện nay; các giải pháp kỹ thuật cũng đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Với mục tiêu mở rộng quy mô dự án Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai - Forward Farming, một kế hoạch triển khai chi tiết sẽ được thảo luận và xây dựng. Bao gồm việc tiếp tục nghiên cứu, phát triển và đánh giá hiệu quả các công nghệ và giải pháp trong việc nâng cao chất lượng lúa, giảm tác động môi trường; mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược; mở rộng đối tượng tập huấn tại các tỉnh khu vực ĐBSCL… Qua đó, từng bước cụ thể hóa mục tiêu triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL; giúp sản xuất lúa bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác động ô nhiễm môi trường...