Ngày 6/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan làm việc tại Trà Vinh.
Tại đây, ông Hoan đã thăm hợp tác xã Phú Mỹ Châu (huyện Châu Thành, Trà Vinh) và một số mô hình hợp tác xã khác tại địa phương, như mô hình mô hình lúa – tôm kết hợp, cơ sở thủ công mỹ nghệ, khu du lịch nông thôn...
Ông Trần Văn Công - Chủ tịch HĐQT HTX Phú Mỹ Châu cho biết, HTX có 120 thành viên với 223 ha đất sản xuất, chủ yếu sản xuất lúa giống. Tham vọng của HTX là đến năm 2030 sẽ trở thành một HTX nông nghiệp tiên tiến, đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi giá trị lúa gạo, thích ứng với biến đổi khí hậu; chất lượng cao, giảm phát thải; ứng dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch trong sản xuất và chế biến...
Ông Hoan cho rằng, kinh tế tuần hoàn là con đường đi, nhưng nhiều HTX còn lúng túng và chỉ loay hoay vào mùa vụ. Do đó, cần xây dựng thương hiệu cho HTX, làm sao mỗi nhà, mỗi thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để cùng đồng hành.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Trà Vinh thăm và làm việc tại HTX Long Hiệp. Ảnh: Trúc Phương |
Ông Nguyễn Trung Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh có 9/9 huyện đạt nông thôn mới (với tất cả 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Cuối năm 2023, tỉnh còn hơn 3.400 hộ nghèo, chiếm hơn 1% tổng số hộ toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - Lê Văn Hẳn cho hay, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh. Tỉnh cũng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trúc Phương |
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, thời gian tới, Trà Vinh cần chú trọng phát triển nền nông nghiệp gắn với thị trường, tích hợp của các giá trị kinh tế, xã hội của địa phương thay vì làm theo thói quen truyền thống chạy theo sản lượng. Quan tâm vai trò của khuyến nông và khuyến nông cộng đồng.
Đối với Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải, theo ông Hoan, mục tiêu không chỉ để bán chứng chỉ carbon, qua đó còn tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Tỉnh Trà Vinh cũng cần quan tâm, hỗ trợ các thành viên HTX thay đổi tư duy, có cách nghĩ và cách làm mới; hợp tác liên kết, tận dụng không gian kinh tế để từng HTX trở thành một cộng đồng; phát triển nhiều loại hình dịch vụ để nâng cao giá trị, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, hợp tác... Từ đó nâng cao mức sống của người nông dân.