Làm nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường tại Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long bắt tay triển khai Dự án chuyển đổi nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cùng tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức Hội thảo tham vấn triển khai Dự án chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL, dự án STAR-FARM).

Dự án STAR-FARM do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), với tổng kinh phí 4,2 triệu Euro. Dự án triển khai tại 3 tỉnh ĐBSCL, gồm Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, giai đoạn 2024-2027.

Làm nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trúc Phương

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, dự án được thiết kế theo 19 hoạt động gắn với 8 đầu ra và 3 kết quả chính. Các hoạt động của dự án bao gồm: Hỗ trợ xây dựng các khung chính sách, cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái.

Nâng cao năng lực cho các cộng đồng, các tổ chức của nông dân và hợp tác xã, về: Ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi sản xuất theo hướng sinh thái; quản trị chuỗi giá trị nông sản đa giá trị; khuyến nông và thị trường; tiếp cận nguồn tài chính; xây dựng kế hoạch quản lý đất đai và tài nguyên...

Đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm khuyến khích các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái công bằng, minh bạch, bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Làm nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Mô hình du lịch nông nghiệp xanh tại Trà Vinh. Ảnh: Bá Thi

Thông qua dự án, sẽ có ít nhất 24 nhóm nông dân và hợp tác xã được hỗ trợ nâng cao năng lực về quản trị, sản xuất - kinh doanh và tiếp cận thị trường; hỗ trợ thành lập 8 hợp tác xã của thanh niên, phụ nữ và người dân tộc thiểu số; hỗ trợ 15 doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn tài chính xanh.

Bên cạnh đó, xây dựng 3 gói hỗ trợ nhằm phát triển các dự án nông nghiệp sáng tạo và mô hình nông nghiệp sinh thái; xây dựng 3 mô hình cho các sản phẩm nông nghiệp sinh thái chủ lực, hỗ trợ 8 mô hình khởi nghiệp liên kết với các chuỗi giá trị bền vững…

Dự án triển khai được kỳ vọng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng giữa, vùng ven biển; đồng thời, có kế hoạch nhân rộng các mô hình thích ứng với điều kiện khí hậu, môi trường phù hợp với tập quán sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân khu vực ĐBSCL.

Theo kế hoạch, các chuyên gia, đại diện các tổ chức sẽ phối hợp cùng địa phương đi thực tế khảo sát sâu 10 địa điểm thuộc 3 tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang để triển khai các hoạt động của dự án. Tại Trà Vinh, các huyện Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú và Càng Long được chọn làm điểm khảo sát sâu, triển khai dự án thí điểm.

MỚI - NÓNG