Thưa ông, Luật Tài nguyên nước năm 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024) đưa vào quy định về bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Tại sao vấn đề này lại được đưa vào trong luật lần này?
Tài nguyên nước (gồm cả nước mặt, nước dưới đất) ở Việt Nam được đánh giá đang đứng trước nhiều thách thức, thường xuyên được nhắc đến là “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn”, nhiều nguồn nước mặt, nước dưới đất đang bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Trong đó, mùa khô xảy ra thiếu nước ở nhiều nơi như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên, thiếu nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa mưa, tình trạng lũ lụt, ngập úng xảy ra thường xuyên ở một số khu vực, nhất là tại các đô thị thường xuyên bị ngập úng sau những trận mưa lớn.
Khác với tài nguyên nước mặt trên các sông, suối, hồ, ao, đầm, phá có sự biến động mạnh theo không gian, thời gian, nguồn nước dưới đất ở các tầng chứa nước có tính ổn định hơn, được ưu tiên để khai thác, sử dụng phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, nhất là trong thời kỳ xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Thời gian qua, sự phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến khai thác nước dưới đất gia tăng. Quá trình đô thị hoá dẫn đến bê tông hóa bề mặt, làm giảm việc thấm, ngấm từ nước mưa, nước mặt cho nước dưới đất, trong khi cấp thấm, ngấm từ nước mưa, nước mặt là nguồn cung cấp chủ yếu cho nước dưới đất. Từ đó, dẫn đến suy giảm mực nước, suy thoái tầng chứa nước dưới đất. Thực tế cho thấy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và nhiều khu vực đô thị đã xuất hiện suy thoái các tầng chứa nước dưới đất.
Xuất phát từ thực tiễn, những thách thức về tài nguyên nước, Luật Tài nguyên nước đã quy định nhiều nội dung xoay quanh chính sách đảm bảo an ninh nguồn nước. Có thể kể đến như quy định về khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ tài nguyên nước; phòng chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt; nguồn lực cho phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt. Trong đó có quy định về bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm phục hồi nguồn nước dưới đất tại những khu vực bị suy thoái, cạn kiệt.
Tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long Ảnh: Hoà Hội |
Luật Tài nguyên nước 2023 quy định như nào về vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất để quy định này có tính khả thi trong thực tiễn?
Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải căn cứ vào kết quả đánh giá sự phù hợp về chất lượng, số lượng, khả năng giữ và trữ nước của tầng chứa nước dưới đất; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước và yêu cầu bảo vệ nước dưới đất; đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường của việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
Bên cạnh đó, quy định chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất ở hải đảo, vùng khan hiếm nước và các khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác. Luật cũng giao Bộ TN&MT quy định chi tiết việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
Thực hiện nhiệm vụ luật giao, Bộ TN&MT đã quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại mục 2, Chương IV, Thông tư số 03 năm 2024 của Bộ TN&MT. Theo đó, quy định ba trường hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất gồm: (1) Bổ sung nhân tạo nước dưới đất để phục hồi các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt theo kế hoạch bảo vệ nước dưới đất đã được phê duyệt; (2) Bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm gia tăng khả năng khai thác đối với công trình khai thác nước dưới đất của tổ chức, cá nhân; (3) Nghiên cứu khoa học, thử nghiệm giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất, trong đó quy định rõ trình tự để thực hiện việc bổ sung nhân tạo đối với từng trường hợp.
Như vậy, việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất được thực hiện bởi cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có khai thác nước dưới đất và cơ quan nghiên cứu. Quy định này nhằm tăng tính khả thi, tăng nguồn lực thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
Thời gian tới, sau khi Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản dưới luật có hiệu lực, việc triển khai quy định này trong thực tế được thực hiện như nào?
Bộ TN&MT đã gửi nhiều văn bản đôn đốc các bộ, địa phương tổ chức thực hiện và tổ chức các hội thảo, tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong đó đôn đốc các địa phương xây dựng Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trên địa bàn theo quy định của Luật Tài nguyên nước.
Nội dung Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải xác định rõ danh mục các khu vực, tầng chứa nước cần ưu tiên phục hồi, các khu vực cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất và phương án tổ chức thực hiện. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT cũng sẽ thường xuyên phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
Cảm ơn ông.
Luật Tài nguyên nước năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Một số nội dung cốt lõi của luật bao gồm: tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số. Thực hiện chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế, đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước, triển khai phục hồi và làm sống lại các dòng sông “chết”.