Cả vạn hộ dân ở Hà Nam dùng nước sạch nhiễm bẩn?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vài năm gần đây, người dân ở 5 xã của huyện Bình Lục (Hà Nam) có nước sạch để sinh hoạt. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì hàng ngàn hộ dân lo lắng về nguồn nước sạch nhiễm bẩn. Đặc biệt, qua xét nghiệm, trong nước sinh hoạt có chỉ số Nitrit cao gấp nhiều lần mức cho phép.
Cả vạn hộ dân ở Hà Nam dùng nước sạch nhiễm bẩn? ảnh 1

Nhà máy nước sạch Đồng Du

Nước sạch nghi nhiễm Nitrit

Trước đây, người dân các xã Đồn Xá, Bình Nghĩa, Tràng An, An Mỹ, Đồng Du (huyện Bình Lục, Hà Nam) dùng nước giếng khoan, nước mưa để sinh hoạt. Kéo theo đó, là nỗi lo về nguồn nước nhiễm Asen và kim loại nặng.

Vài năm trở lại đây, người dân các xã trên sử dụng nước sạch từ nhà máy nước sạch Đồng Du (xã Đồng Du, huyện Bình Lục) nên rất yên tâm. Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu khi người dân phát hiện nước có những dấu hiệu nhiễm bẩn.

Ông Lưu Văn Hịch, thôn Quyết Thắng (xã Đồng Du, huyện Bình Lục) cho biết, từ khi có nước sạch, gia đình thường sử dụng để ăn uống. Tuy nhiên, gần đây gia đình phát hiện nước có mùi khó chịu, vẩn đục nên không dám sử dụng để ăn uống. Thay vào đó, gia đình ông sửa lại bể nước để tích nước mưa dùng để ăn uống, còn nước máy chỉ để tắm giặt.

Tương tự, nhiều người dân ở xã Bình Nghĩa cũng phát hiện nước sạch có dấu hiệu lạ nên không dám sử dụng. Thậm chí, người dân còn ký đơn đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra chất lượng nước sạch.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, sau khi nghỉ hưu, gia đình mới chuyển về quê tại xã Đồn Xá sinh sống.

Tuy nhiên, khi sử dụng nước sạch, ông thấy nước có “vấn đề”, thậm chí có hôm sau khi rửa tay chân thì phát hiện tay có mùi “phân lợn”. Vì vậy, ông tự lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm do Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) thực hiện cho thấy, hàm lượng Nitrit trong mẫu nước là 0,36mg/l, trong khi theo QCVN 01-1:2018/BYT là 0,05mg/l và được đánh giá không đạt.

Được biết, Nhà máy nước Đồng Du có công suất thiết kế 4.000m3/ngày đêm. Nhà máy hiện cung cấp nước sạch cho 10.400 hộ gia đình tại 5 xã. Nguồn nước đầu vào của nhà máy được lấy từ sông Châu Giang.

Theo Trung tâm Y tế huyện Bình Lục, hằng tháng đơn vị đều lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có thời điểm một số chỉ số không đạt như hàm lượng Clo dư tự do không đạt (kết quả xét nghiệm tháng 4/2023) hoặc độ đục không đạt (tháng 5/2023).

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi tới nhà máy nước sạch Đồng Du. Công nhân đưa chúng tôi đi tham quan dây chuyền xử lý nước sạch của nhà máy. Theo quy trình, nước được hút từ sông Châu vào hồ chứa, rồi bơm lên hệ thống lọc.

Quanh khu vực hồ chứa nước đầu vào của nhà máy có 2-3 trang trại lợn. Nước tắm lợn, nước thải được xả tràn ra quanh khu vực hồ chứa bốc mùi hôi thối. Bên trong, hệ thống xử lý nước sinh hoạt nhà máy khá cũ. Đặc biệt, nước được hút dưới hồ chứa có nhiều côn trùng, bọ lẫn vào nước.

Đem thắc mắc này hỏi ông Phan Ngọc Luân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Cty TNHH xây dựng Mỹ Đà, đơn vị quản lý nhà máy nước sạch Đồng Du. Ông Du cho biết: “Đó là trong nước đầu vào còn lẫn “phân” nên thu hút được những con vật này đến”.

Ông Phan Ngọc Luân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà, đơn vị quản lý nhà máy nước sạch Đồng Du cho biết: Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch. Trong đó, nguyên nhân chính là do nguồn nước đầu vào không đảm bảo.

“Không chỉ nhà máy nước sạch Đồng Du, có nhiều nhà máy nước sạch khác cũng lấy nước sông Châu Giang. Chắc chắn, chất lượng nước cũng sẽ không đảm bảo”, ông Luân nói.

Theo ông Luân, hằng tháng nhà máy vẫn lấy mẫu nước gửi đi xét nghiệm. Trong đó, có kết quả xét nghiệm 1 số chỉ số không đạt như độ đục, hàm lượng Clo dư tự do không đạt nhưng những chỉ số này có thể cải thiện được thông qua xử lý hóa chất. Còn Nitrit là chỉ số thuộc nhóm B, mỗi năm nhà máy đều lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.

Tuy nhiên, kết quả như thế nào thì ông Luân không trả lời.

Ông Luân cũng thừa nhận, với công nghệ hiện nay của đơn vị nếu nước nhiễm Nitrit thì chưa xử lý được. “Trường hợp nhà máy đã khắc phục nhưng kết quả nước sạch vẫn không cải thiện, chúng tôi sẽ đóng cửa nhà máy”, ông Luân nói.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Nitrit (công thức hóa học là N02) là hợp chất của Nitơ được hình thành trong quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ như xác động vật.

Cùng với đó, là các hoạt động sản xuất, xả thải chất thải xuống dòng sông dẫn đến ô nhiễm. Sự có mặt của Nitrit trong nguồn nước chứng tỏ nước đã bị ô nhiễm trong thời gian dài. Theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, Nitrit được khuyến cáo là có khả năng gây ung thư ở người.

Ngoài ra, hàm lượng Nitrit trong cơ thể cao sẽ gây ức chế oxy dẫn đến hiện tượng thiếu oxy trong máu. Trường hợp nhiễm độc trầm trọng nếu không được cứu chữa kịp thời dẫn đến tử vong cao.

Xem xét dẫn nước từ sông Hồng

Ông Trần Xuân Dũng, Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết, huyện đã nắm được thông tin về chất lượng nước sạch tại nhà máy Đồng Du. Theo ông Dũng, chất lượng nước sạch không đảm bảo do nguồn nước đầu vào còn bất cập.

Hiện UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với Nhà máy nước Đồng Du lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời yêu cầu nhà máy báo cáo sự việc.

Theo ông Dũng, trước mắt UBND huyện tiếp tục tuyên truyền người dân không đổ rác thải, chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi ra sông Châu Giang, nhằm hạn chế nguồn phát thải. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư xem xét đầu tư dây chuyền công nghệ mới, hiện đại để cải thiện chất lượng nước sạch.

“Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe lâu dài nên yêu cầu nhà máy phải xử lý”, ông Dũng nói.

Về giải pháp lâu dài, ông Dũng cho biết, hiện tỉnh Hà Nam đang làm việc với thành phố Hà Nội xây dựng đề án cải tạo tổng thể môi trường nước, trong đó có sông Đáy, sông Nhuệ.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang xem xét triển khai dự án lấy nước từ sông Hồng để cung cấp cho các khu vực của Hà Nam, trong đó có Bình Lục. Đặc biệt, tỉnh cũng đang có dự án thau rửa sông Châu Giang cũng như một số sông khác để chúng không phải là dòng sông tù. “Đây là những dự án dài hơi, không thể ngày một ngày hai là xong được”, ông Dũng nói.

MỚI - NÓNG