Một trẻ sơ sinh được cân sau khi chào đời tại bệnh viện thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, ngày 31/10/2011. (Ảnh: Reuters) |
Trong 2 tháng qua, các bệnh viện ở một số tỉnh, thành như Chiết Giang và Nam Xương thông báo đóng cửa khoa sản. Bệnh viện Nhân dân số 5 ở thành phố Cám châu, tỉnh Giang Tây, thông báo trên tài khoản WeChat của họ rằng dịch vụ sản khoa của họ dừng hoạt động từ ngày 11/3.
Điều này diễn ra trong bối cảnh các nhà làm chính sách Trung Quốc đang tìm nhiều cách để khuyến khích người dân đẻ thêm con, nhằm đối phó với tình trạng xã hội già hóa nhanh.
Dân số Trung Quốc năm 2023 tiếp tục giảm, với tỷ lệ sinh xuống thấp kỷ lục và tỷ lệ tử vong cao trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Các lãnh đạo nước này lo ngại tình trạng dân số già hóa nhanh sẽ gây ra nhiều tác động lâu dài lên tăng trưởng kinh tế.
Dữ liệu gần đây nhất do Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy, số lượng bệnh viện sản ở nước này năm 2021 giảm xuống còn 793, từ 807 năm 2020.
Theo báo chí trong nước, số lượng trẻ chào đời giảm mạnh khiến nhiều bệnh viện không thể duy trì khoa sản nữa.
“Mùa đông sản khoa có vẻ đang đến lặng lẽ”, Nhật báo Kinh tế viết trong bài đăng ngày 15/3.
Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn cách không sinh con vì chi phí nuôi con tốn kém, và không muốn kết hôn để phấn đấu sự nghiệp.
Chính quyền các cấp đã đưa ra nhiều biện pháp và sáng kiến để thúc đẩy tỷ lệ sinh, như tăng thời gian nghỉ sinh, hỗ trợ về thuế và tài chính cho việc sinh đẻ và trợ cấp nhà ở.
Tuy nhiên, một viện nghiên cứu uy tín của nước này gần đây cho biết, Trung Quốc vẫn là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới để nuôi con tính theo GDP/đầu người.
Số lượng trẻ em chào đời tại các bệnh viện trên khắp Trung Quốc tăng trong năm con rồng, báo Yicai đưa tin. Tuy nhiên, các chuyên gia dân số học cho rằng đây chỉ là hiện tượng ngắn hạn.