Làm gì để hết án oan?- Bài cuối:

Hết hạn điều tra, không đủ chứng cứ phải tuyên vô tội

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, vụ ông Huỳnh Văn Nén nếu xác định có oan sai thì không thể bắt người ta chờ lâu hơn nữa. Ảnh: Đình Quân
Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, vụ ông Huỳnh Văn Nén nếu xác định có oan sai thì không thể bắt người ta chờ lâu hơn nữa. Ảnh: Đình Quân
TP - “Quan niệm về điều tra là phải đi tìm chứng cứ, nếu hết thời hạn điều tra,truy tố mà không có đủ chứng cứ thì phải đình chỉ vụ án, hoặc ra tòa không đủ chứng cứ thì phải tuyên người ta vô tội”, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc  hội Trương Trọng Nghĩa trao đổi với PV Tiền Phong về những nguyên nhân và giải pháp ngăn ngừa oan, sai.

Ông Nghĩa nói: Về nguyên nhân dẫn đến oan sai,trước tiên phải nhắc tới phương pháp, kỹ năng và ngay cả quan niệm, thói quen trong công tác tố tụng hình sự từ khâu điều tra, đến truy tố xét xử đều bất cập. Đặc biệt sau khi có Hiến pháp 2013, thực tế trên đã không đáp ứng được yêu cầu trong việc bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

Phải tôn trọng quyền con người

Ông có thể nói cụ thể hơn về câu chuyện không đáp ứng được Hiến pháp và thực tiễn đề ra?

Hiến pháp công nhận quyền công dân, quyền bảo vệ tính mạng, danh dự, nhân phẩm, bảo vệ đời tư…các quyền trước đây chúng ta coi là quyền công dân thì bây giờ coi là quyền con người. Với quyền đó, nhà nước Việt Nam phải có nghĩa vụ trước luật pháp quốc tế là công nhận, bảo vệ, bảo đảm, tôn trọng quyền con người - quyền phổ quát trên các quốc gia. Ngoài ra còn có một số quyền khác của người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, như quyền suy đoán vô tội chẳng hạn đã được xác định rất rõ, trong đó có cả nguyên tắc tranh tụng phải được đảm bảo.

Khi xây dựng lại Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND, nếu so sánh giữa luật cũ và mới chúng ta sẽ thấy, việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân đã được đặt lên trên. Nếu chúng ta không có sự cải cách thích đáng, chúng ta vẫn sẽ làm theo tư duy, nhận thức, thói quen cũ thì tôi nhấn mạnh lại rằng sẽ tiếp tục còn oan, sai.

Ông có thể đưa ra một vài ví dụ để chứng minh cho điều này?

“Vụ việc ở Sóc Trăng, nhục hình đến mức đó thì không ai là không khai cả. Họ buộc phải nhận để có thể thoát khỏi nỗi thống khổ, đau đớn đó rồi tính sau. Vì thế khi ra tòa, nếu có điều kiện họ sẽ phản cung”.

 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Tôi nói ví dụ như nguyên tắc suy đoán vô tội, lâu nay chẳng những nhận thức không đầy đủ mà thực hiện cũng không đầy đủ. Lẽ thông thường, khi bản án chưa có hiệu lực thì người ta phải được coi là vô tội. Nhưng anh lại vẫn đặt sự nghi ngờ lên trên, và rất nhiều trường hợp cho thấy gần như anh suy đoán có tội, nghi ngờ người ta có tội và tìm mọi cách chứng minh. Đó là cách làm rất sai, như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, rồi vụ ở Sóc Trăng… anh bắt người ta vào và lại coi người ta có tội. Từ đó dẫn đến bức cung nhục hình, vì anh nghĩ người ta có tội, khi hỏi người ta không nhận thì dùng nhục hình bắt người ta phải nhận tội.

Không ít trường hợp khi tiếp xúc với người được thả, họ nói lại với giới luật sư là tình trạng bức cung nhục hình rất phổ biến. Bức cung nhục hình đương nhiên dẫn đến oan sai. Chẳng hạn như vụ việc ở Sóc Trăng, nhục hình đến mức đó thì không ai là không khai cả. Họ buộc phải nhận để có thể thoát khỏi nỗi thống khổ, đau đớn đó đi rồi tính sau. Vì thế khi ra tòa, có điều kiện họ sẽ phản cung. Nếu chúng ta không sửa đổi thì oan sai vẫn cứ tiếp diễn.

Rồi một số trường hợp chết trong trại giam. Ngay cả chuyện bức cung nhục hình có thể thông qua trực tiếp, bởi cán bộ quản giáo, cán bộ điều tra hoặc thông qua những người phạm nhân khác, người ta có thể bức cung bằng những mối đe dọa khác chứ không nhất thiết điều tra viên phải trực tiếp đánh đập.

Không đủ chứng cứ, vẫn cố điều tra bổ sung là suy đoán có tội

Thưa ông, nhiều ý kiến phản ứng gay gắt về chuyện khi không chứng minh được hành vi phạm tội lẽ ra phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can nhưng thay vào đó cơ quan tố tụng thường trả hồ sơ để “ép” điều tra bổ sung theo hướng có tội?

Quan niệm về điều tra là phải đi tìm chứng cứ, nếu đến một giai đoạn hết thời hạn điều tra, truy tố mà không có đủ chứng cứ, hoặc khi đưa ra tòa không đủ chứng cứ thì đáng ra phải tuyên bố người ta vô tội. Lần này Bộ Luật tố tụng hình sự phải đưa quy định này vào. Không chứng minh được người ta có tội, không đủ chứng cứ lại tiếp tục điều tra, điều tra bổ sung chính là suy đoán có tội. Chính cách làm việc như vậy dẫn đến oan, sai. Ở các nước, khi cơ quan tố tụng không có đủ chứng cứ thì phải trả tự do và coi đó là người vô tội. Sau đó anh có thể tiếp tục điều tra riêng, tiếp tục dùng những biện pháp trinh sát để nếu đủ chứng cứ thì có thể bắt người ta trở lại.

Chúng ta còn phải có các giải pháp nào khác để giảm oan, sai, thưa ông?

Cơ quan tố tụng trước hết phải là những người thấm nhuần được tinh thần của cải cách tư pháp, tinh thần đổi mới của Hiến pháp 2013. Trước hết phải bắt đầu từ những người lãnh đạo, nếu không anh sẽ cho ra lò những người mà họ vẫn sẽ theo một tư duy cũ. Trong bảo vệ an ninh, có đấu tranh chống địch - tức những người tìm cách lật đổ nhà nước, xâm phạm lợi ích quốc gia với các tội phạm hình sự nói chung. Hai đối tượng này khác nhau, bởi chẳng hạn như những loại tội phạm trộm cắp thì họ là những công dân phạm tội nên để đảm bảo quyền của người dân, chúng ta phải áp dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội.

Người bị can bị cáo, khi tạm giam, tạm giữ phải có luật sư ngay lập tức và phải được luật sư tư vấn trực tiếp. Việc này hiện nay chúng ta chưa làm được và tới đây cần phải thực hiện theo chiều hướng như vậy.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG