Hậu Bồi thường oan sai: Sẽ truy trách nhiệm cá nhân

Sau chuyện ông Chấn được nhận tiền bồi thường, cơ quan chức năng sẽ xem xét đến trách nhiệm cá nhân của các cán bộ gây oan sai. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Sau chuyện ông Chấn được nhận tiền bồi thường, cơ quan chức năng sẽ xem xét đến trách nhiệm cá nhân của các cán bộ gây oan sai. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
TP - Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp, khẳng định, về nguyên tắc Nhà nước sẽ sử dụng ngân sách để bồi thường cho những sai phạm của cán bộ công chức. Tuy nhiên, sau đó sẽ yêu cầu các cơ quan liên quan xem xét truy cứu trách nhiệm các cá nhân. “Sai đến đâu, xử lý đến đó” - ông Bốn nói.

Có thể xử lý cả về hình sự

Vì sao Nhà nước phải bồi thường cho những vụ án oan sai, hoặc đi xử lý hậu quả từ những việc làm sai trái của cán bộ công chức, thưa ông?

Trước hết, đây là nguyên tắc đã được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nhà nước sẽ phải đứng ra, dùng ngân sách để khắc phục những trường hợp án oan, kiểu như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang vừa qua.

“Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại, có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho bị hại”. 

Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Bồi thường Nhà nước

Cụ thể, việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải thỏa mãn các căn cứ, như việc có bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc  1 trong 7 trường hợp quy định tại Điều 26 của luật, như  người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà không có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội…


Cụ thể ở vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn sau khi Nhà nước đứng ra bồi hoàn, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng sẽ được xử lý thế nào?

Việc bồi thường liên quan đến những sai phạm của những người tiến hành tố tụng là một quy trình hết sức chặt chẽ, có hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh cụ thể. Liên quan đến trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, tôi có thể khẳng định, đó là câu chuyện của cơ quan tòa án. Họ sẽ có trách nhiệm đứng ra đàm phán và tiến hành các thủ tục bồi thường, bởi sai phạm ở cấp xét xử. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét đến yếu tố lỗi của các cán bộ tiến hành tố tụng. Sau khi Nhà nước đứng ra bồi thường, cơ quan quản lý các cán bộ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho công dân sẽ bị xem xét trách nhiệm cá nhân.

Cụ thể, tại Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ, nêu rõ: Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại, có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho bị hại. Cũng theo điều luật này, người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, còn bị xử lý kỷ luật hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn về chủ trương, nếu cơ quan tòa án cần phối hợp hay hướng dẫn về nghiệp vụ, phía Cục Bồi thường Nhà nước sẽ làm việc với bên tòa án để đưa ra những quyết định đúng đắn.

Người bị thiệt hại thường có tâm lý yêu cầu số tiền lớn, trong khi thực tế cho thấy, họ thường không được thỏa mãn với số tiền nhận được. Vậy đâu là tiêu chí cho câu chuyện bồi thường?

Cũng tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao sẽ là cơ quan quy định mức hoàn trả của người thi hành công vụ. Trường hợp nhiều người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, những người này phải liên đới hoàn trả. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ phối hợp cùng cơ quan quản lý những cá nhân sai phạm này để lên kế hoạch bồi thường cho các bên liên quan.

Nói về chuyện truy cứu trách nhiệm cá nhân. Những người tiến hành tố tụng có thể phải đối mặt với những tội danh nào, khi xác định họ có sai phạm. Luật sư Hằng Nga nói: Bộ luật Hình sự hiện hành dành hẳn một chương quy định về “Các tội  xâm phạm hoạt động tư pháp”. Theo đó, căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội, những người tiến hành tố tụng này có thể bị xem xét, truy cứu ở nhiều tội danh. Trường hợp của ông Chấn, có thể quan tâm đến tội Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 293), với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm, hoặc tội Ra bản án trái pháp luật (Điều 296), với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm...

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.