Hậu vụ án vườn điều - Bình Thuận

Hậu vụ án vườn điều - Bình Thuận
TP - Những người bị oan sai vừa gửi đơn tố cáo 15 người đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong quá trình tố tụng “vụ án vườn điều”.
Hậu vụ án vườn điều - Bình Thuận ảnh 1
Nguyên ĐTV Cao Văn Hùng tại phiên toà phúc thẩm lần 2 “vụ án vườn điều”, ngày 12/3/2005

Điều tra riêng của Tiền Phong cho thấy, một số người có sai phạm nặng không chỉ trong vụ án này.

Chưa bị tố cáo đã phải rời chức vụ!

Đơn tố cáo cho rằng 13 cán bộ đã phạm vào 3 tội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đó là “làm sai lệch hồ sơ vụ án” (Điều 300), “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” (Điều 293) và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 285).

Trong các điều tra viên (ĐTV) của cơ quan CSĐT - CA Bình Thuận (CSĐTBT), nguyên đại úy Cao Văn Hùng bị tố cáo nhiều nhất. Khi vụ án xảy ra (19/5/1993) Trần Thanh Vân chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhưng ông Hùng vẫn tiến hành bắt giam Vân.

Hậu quả, Vân đã bị tạm giam 287 ngày, từ 3/9/1999 đến 20/6/2000. Ông Hùng cũng bỏ ngoài hồ sơ lời khai của các nhân chứng Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Ngọc Mỹ… về sự ngoại phạm của các bị can Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Sáng.

Với những sai phạm này, ông Hùng không xứng đáng mang danh hiệu CAND. Nhưng chưa cần đợi đến bây giờ, năm 2002 ông Hùng đã bị loại ngũ vì sai phạm trong một vụ án sử dụng trái phép chất ma túy.

Năm 2001, được giao thụ lý vụ án này, Hùng quen Hoàng Hữu Hạnh, một phụ nữ “có nghề” trong việc môi giới, hối lộ các quan chức. Mỗi lần vào TP.HCM công tác, Hùng đều được Hạnh đón tiếp thân tình, lo tiền ăn ở, tặng điện thoại di động…

(Tiếp xúc với chúng tôi về vụ bà Bông bị giết năm 1998, con gái bà Bông cho biết, những khi ông Hùng và một số ĐTV khác đến gặp chị để điều tra, chị thường phải cho họ ăn uống “miễn phí”).

“Bánh ít đi, bánh quy lại”, từ những thông tin do Hùng “rỉ tai” cho Hạnh, một bị can trong vụ án là Võ Ngọc Phương đã bỏ trốn khi có lệnh bắt…

Ông Trần Thanh Hải và bà Nguyễn Thị Hồng Dung đã ký hai cáo trạng (CT) khác nhau về “vụ án vườn điều”, cùng mang số 67/KSĐT.TA nhưng một CT được ký ngày 19/6/2000, một CT được ký ngày 12/10/2000.

Về sự bất thường, vi phạm Luật Tố tụng hình sự của việc rút CT để làm lại khi nó đã được chuyển cùng hồ sơ vụ án sang TAND Bình Thuận (Tiền Phong đã từng có bài phản ánh)…

Ông Trần Thanh Hải đã bị khai trừ Đảng, đình chỉ công tác và cách chức Phó Viện trưởng VKSND Bình Thuận do có liên quan đến băng nhóm xã hội đen Hai Chi, không chỉ đạo điều tra xử lý đến nơi đến chốn nhiều vụ án liên quan đến băng nhóm này và nhận 4.000 USD của Phan Đình Hiển - Phó GĐ Xí nghiệp Sa khoáng Hàm Tân thuộc Cty Phát triển khoáng sản 6 (Lidisaco).

Trong vụ Phan Đình Hiển (Tiền Phong cũng đã thông tin), khi CSĐTBT đề nghị VKSND tỉnh ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Hiển và thủ kho của Lidisaco là Cao Văn Thành vì họ đã bỏ ngoài sổ sách hơn 2,8 tỉ đồng, ông Hải nhiều lần từ chối phê chuẩn lệnh khởi tố bị can đối với Hiển.

Diễn biến sau khi Hiển bị khởi tố bị can (tháng 11/2005) cho biết, trong dịp Tết Trung thu năm 2005, ông Hải đã nhận 4.000 USD do Hiển mang tới nhà.

Được biết, ông Đinh Kỳ Đáp cũng bị Ban chuyên án vụ Hai Chi (cùng ở huyện Hàm Tân) triệu tập để làm rõ trách nhiệm trong vụ án này.

Làm chứng sai, hại người hại mình

Năm 1999, bị tù vì chứa chấp mại dâm, Nguyễn Thị Kim Lan được bố trí giam chung với bà Nguyễn Thị Lâm, được cung cấp giấy bút để hướng dẫn bà Lâm viết thư và bản khai nhận tội.

Lan tố cáo bà Lâm và các con cháu giết bà Dương Thị Mỹ, làm nhân chứng tại phiên toà sơ thẩm lần 1 “vụ án vườn điều”. Do “thành tích” này, Lan chỉ bị xử phạt 3 năm tù (lẽ ra bị xét xử trong khung hình phạt 7 - 15 năm tù).

Sau khi được tha ít lâu, Lan lại bị bắt vì buôn bán hàng giả. Khi tới phiên toà phúc thẩm lần 2 “vụ án vườn điều” (tháng 3/2005) làm nhân chứng, Lan phải đi cùng cán bộ quản giáo. Tuy nhiên lần này, cô ta không được “quan toà” khen ngợi như trước nữa.

Tại phiên toà phúc thẩm lần 2, Trần Thị Kim Yến nhận mình là người viết hộ nạn nhân “lá thư định mệnh”. Yến khai, nhớ rất rõ ngày viết thư vì chị ta sinh đứa con thứ 3 ngày 26/3/1993, viết thư 20 ngày sau ngày này.

Tuy nhiên, thời điểm trong lời khai của Yến cách xa đêm xảy ra vụ án. Thực tế, ngày sinh của con Yến được ghi trong giấy khai sinh là ngày 12/3/1993.

Sau khi Yến có lời khai với ĐTV về việc viết “lá thư định mệnh”, ngày 12/1/2005 kiểm sát viên Võ Văn Thêm đã phúc cung. Ông Thêm phúc cung ra sao, trước khi dùng lời khai gian dối của Yến làm căn cứ buộc tội các bị cáo có xác minh không?

Thậm chí, khi Yến lúng túng trước câu hỏi của các thẩm phán và luật sư về ngày viết đơn, ông Thêm còn “mớm” cho Yến rằng chị ta tính ngày theo âm lịch!

Kim Lan, Kim Yến bị tố cáo phạm tội “khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật”, theo Điều 307, Bộ luật Hình sự. Chắc rằng, bây giờ 2 người đang ân hận đã không nghe lời nhắc nhở của các luật sư “việc làm chứng không trung thực có thể khiến các chị vướng vòng lao lý”!

Có lẽ, những người bị tố cáo và phải chịu trách nhiệm về bồi thường oan sai trong “vụ án vườn điều” cũng đang hối tiếc về những hành vi của họ. Nếu ai cũng thận trọng, công tâm khi đứng trước số phận, danh dự, nhân phẩm của con người, đâu có hậu quả xấu cho chính họ như hôm nay?!         

Những người bị tố cáo

1.Ông Cao Văn Hùng - nguyên ĐTV của CSĐTBT.

2.Ông Trần Minh Bản - ĐTV của CSĐTBT.

3.Ông Nguyễn Hữu Tỉnh - cán bộ CA Bình Thuận.

4.Ông Đinh Kỳ Đáp - nguyên Phó thủ trưởng CSĐTBT, hiện là Phó Chánh văn phòng CSĐTBT.

5.Ông Nguyễn Kiến Quốc - Thủ trưởng CSĐTBT, Phó GĐ CA Bình Thuận.

6 - 7. Ông Trần Thanh Hải và bà Nguyễn Thị Hồng Dung - Phó Viện trưởng VKSND Bình Thuận.

8 - 9 - 10. Ông Lê Hoài Phương, ông Lê Văn Khánh và ông Vũ Hồ Thành - Kiểm sát viên VKSND Bình Thuận.

11 - 12. Ông Nguyễn Ngọc Quang và bà Trần Thị ánh Tuyết - Thẩm phán TAND Bình Thuận.

13. Ông Võ Văn Thêm - Kiểm sát viên, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, VKSND Tối cao.

14 - 15. Nhân chứng Nguyễn Thị Kim Lan và nhân chứng Trần Thị Kim Yến.  

MỚI - NÓNG