Hậu chuyện nước xuýt giẻ lau và 'im lặng đáng sợ'

TP - 1/Năm lớp 4, con gái tôi chuyển lớp nhưng có bạn nam vẫn sang lớp mới trêu ghẹo khiến cháu mệt mỏi. Riết như vậy nên tôi định gặp cậu bé và cha mẹ nhưng nguyên tắc của trường là có sự cố thì phải trao đổi với giáo viên chứ không gặp riêng. Thế nên tôi gặp cô chủ nhiệm vừa tiếp quản lớp đó để phản ánh sự việc một cách hết sức nhẹ nhàng mong cô giúp con đồng thời cháu kia không mặc cảm.
Hậu chuyện nước xuýt giẻ lau và 'im lặng đáng sợ' ảnh 1

Nhà báo Vi Khanh, Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ báo Tiền Phong.

Không ngờ cô làm khá dữ. Đang giờ học, cô cử một bạn sang lớp con tôi triệu nó về lớp cũ, đứng trước lớp đối chất với cậu bé kia. Cô nạt nộ cậu trước cả lớp và cũng nẹt con tôi rằng đã mách tội thì nhớ mách trung thực. Cô bắt cậu bé xin lỗi con tôi trước lớp, hứa hẹn các thứ.

Nghe con đi học về kể, tôi biết ngay thể nào cũng có pha này: Cô sẽ dặn tốt nhất đừng dây với bạn K. (con tôi) cho yên chuyện. Y như rằng hôm sau một bạn kể: Con tôi vừa đi khỏi, cô dặn cậu bé kia mà cũng như dặn cả lớp, từ rày không dây thì hơn!

Hồi đó nghĩ mà phục con chứ tôi hồi 9,10 tuổi mà đứng giữa lớp như trời trồng để điều trần, đối chất chắc khóc chạy khỏi lớp luôn.

Thuở bé con hay bị trêu, và tôi thường giải thích cho nhẹ sự việc: “Là do bạn thích con nhưng chưa biết cách mà thôi”. Ở lớp 4 mới, cháu có lần cũng mách cô là bạn nọ trêu con quá đáng. Cô đã xử lý thế nào? Cô gọi kẻ “hay trêu gái” lại, hỏi hai bạn có nhất thiết xích mích vì những chuyện không đáng, hai bạn có đầy lý do để thân nhau đấy, nó là thế này thế này, và có thể bắt tay luôn từ bây giờ không...Về sau quả là các cháu thân nhau thật.

Cùng một sự việc nhưng xử lý khác nhau như vậy.

2/ Chuyện thằng cháu lớp 5 trường N.T.P: Một dạo, nó hay bị cô chủ nhiệm nhắn tin về tội quên sách vở và nói chuyện riêng. Bố mẹ cháu bận nên tôi đến trường để nắm thêm tình hình học tập và kỷ luật ở trường của cháu, gặp khó khăn gì.

Hẹn sau giờ học, nên tôi ngạc nhiên khi cô chỉ bố trí ít phút đầu giờ. Đến nơi, cô rủ tôi lên lớp luôn. Đứng ở cửa lớp, cô gọi bốn bạn trong đó có lớp trưởng và tổ trưởng gặp tôi, bảo các cháu cung cấp tình hình bạn T., hay đánh cãi nhau và mất tập trung ra sao.

Hơi ngạc nhiên về “thủ pháp” này nhưng tôi cũng bắt chuyện với các cháu. Cô giáo đứng cạnh luôn chen vào kiểu mớm, định hướng. Ví dụ lớp trưởng nói “Khi bị áp bức thì bạn ấy cũng vùng lên” (nguyên văn lời cháu). Cô giáo: “Ai áp bức nó, toàn nó đánh trước đấy chứ”. Một cháu trai nói bạn T. chơi cờ ca-rô hơi kém thành ra các bạn không cho chơi khiến bạn cáu, đồng thời chỉ vào bạn trước mặt và nói: bạn này thỉnh thoảng đánh, trêu bạn T. (nhà tôi) trước. Cô giáo có vẻ bất ngờ với diễn biến này, lại ra sức phủ định đến nỗi tôi phải nói nhẹ nhàng: Cô cứ để yên cháu nói...

Sau đó, cô gọi cháu tôi ra đối chất với các bạn. Y như cô trên kia. Tôi thấy ngại lắm rồi vì lạm vào giờ học của các cháu nên xin cáo lui sau khi dặn cháu mình vài điều rằng bạn bè phải quí hóa nhau còn nếu không hợp thì thôi không chơi chứ không đánh cãi nhau, các thứ. Cả lớp nhìn chúng tôi chằm chằm.

Hôm đó cháu tan học về tôi hỏi “Chắc hôm nay cả lớp một phen kinh động hả”. Cháu xác nhận, và kinh động nhất là chính mình! Cháu kể cô lẩm bẩm với lớp trưởng nhưng cả lớp nghe thấy: “Làm như không ai quan tâm đến
cháu mình”.

Hai cô giáo trên đây, có thể cũng là người tốt thôi chỉ có điều không có phương pháp sư phạm hợp lý. (Cô dạy trường con tôi còn thi giáo viên dạy giỏi của quận). Không có phương pháp và tưởng mình hành xử đúng. Nhiều thầy cô, rất tiếc, cũng vậy, chọn cái nghề không phải sở trường của mình, hoặc chỉ sở trường về chuyên môn. Làm thầy cô mà không tự nhận thức được lại không ai góp ý cho, thì trẻ đến trường dễ mà là chuyện hên xui. May nhờ rủi chịu! Tôi không muốn nhắc tên họ trong bài báo nhỏ này nhưng cô giáo thứ ba - người tâm huyết với nghề và với trẻ ở trên kia thì phải nhắc: cô là Thanh Hoa, giáo viên trường tiểu học Việt Nam- Cuba.

MỚI - NÓNG