Cô giáo im lặng, ai bị tổn thương?

TP - Sự việc cô giáo lên lớp nhưng nhiều tháng liền không nói một câu nào ở Trường THPT Long Thới (TPHCM) đã đặt một dấu hỏi lớn cho ngành giáo dục. Trong thời gian đó hiệu trưởng, tổ trưởng bộ môn đang ở đâu, làm gì? Họ không biết hay cố tình làm ngơ?

Chúng ta đều biết, giáo viên chủ nhiệm mỗi tuần có hẳn 1 giờ sinh hoạt với lớp. Vậy tại sao, ở Trường THPT Long Thới suốt 3 tháng liền học sinh phải âm thầm chịu đựng để giáo viên Toán tra tấn về mặt tinh thần và chịu hổng cả kiến thức mà không một ai biết đến? Chỉ sau khi học sinh Phạm Song Toàn dũng cảm “tố” cô Trần Thị Minh Châu lên lớp im lặng suốt 3 tháng liền khiến cả lớp vô cùng căng thẳng và lo sợ, khi đó mọi người mới biết. Giá như, sự việc được cô chủ nhiệm sớm biết, sớm có giải pháp…

Cô Phạm Hoài Thanh, giáo viên dạy Ngữ văn một trường THPT ở Hà Nội chia sẻ, học sinh thời nào cũng nghịch bởi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Trong cái nghịch có cả dại dột, hành động bốc đồng, phạm nội quy. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm phải tinh ý để giúp học sinh vượt qua những cú ngã đầu đời.

Cô kể, có khóa học sinh lớp 10, 11 âm thầm rủ nhau đi tắm sông, rất nguy hiểm. Ngay khi nhận được mật báo, cô đã yêu cầu cả nhóm ở lại trao đổi về chủ đề đuối nước. Khi nhận thức ra hậu quả, các em đã từ bỏ việc làm dại dột nói trên. Điều cô giáo này muốn nhấn mạnh, đã làm chủ nhiệm, giáo viên phải xây dựng được một đội ngũ học sinh thân cận bao gồm: lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, nhóm trưởng… để các em theo dõi, báo cáo các sự việc bất thường trong lớp.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, để xảy sự việc này, cô giáo Châu đã vô tình hay hữu ý uy hiếp tinh thần học sinh khiến các em sợ hãi, hoang mang. “Một cô giáo hành xử như thế có xứng đáng đứng trên bục giảng không? Nghề giáo, nếu không chọn thì thôi, đã chọn trước hết phải có lòng yêu thương con trẻ, bao dung trước những lỗi lầm của các em để vừa dạy vừa dỗ.

Từ đây, chúng ta cũng phải rút ra bài học trong chuyện đào tạo sinh viên sư phạm. Ra trường, họ phải là những giáo viên giỏi chuyên môn, có kỹ năng và được trắc nghiệm tâm lý ổn định”, vị chuyên gia nói.  Nếu sự việc không được em Phạm Song Toàn dũng cảm “tố” với ban lãnh đạo Sở GD& ĐT TPHCM thì không biết sẽ kéo dài đến bao giờ.

Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, ngoài sai phạm của cô Trần Thị Minh Châu thì Hiệu trưởng ngôi trường này cũng có thiếu sót trong quản lý, để sự việc xảy ra thời gian dài mà không phát hiện. Sở GD&ĐT TPHCM  nhận định, đây là vụ việc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự nhà giáo. Song để xảy ra sự việc này, ai là người chịu tổn thương nhất? Chắc chắn các em học sinh chính là những người chịu trận, chịu áp lực, căng thẳng, lo lắng.

Đặc biệt, học sinh Phạm Song Toàn đến hôm qua đã phải xin chuyển trường để được ổn định tâm lý học tập. Có lẽ em đã quá mệt mỏi sau nhiều ngày phải đối thoại với cô giáo, nhà trường, day dứt về những gì mình đã trải qua. Liệu sau này, Song Toàn và hàng chục học sinh trong lớp có nhớ về thời học sinh tươi đẹp được không? Còn cô giáo, đương nhiên, khi hành xử vượt ra khỏi phạm vi nội quy nhà giáo, đương nhiên cô phải chấp nhận phương án kỷ luật dành cho mình.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).