Rowling làm tiếp thị
Là tít của bài điểm sách trên The New Republic – tờ tạp chí chính trị nghệ thuật vừa tròn trăm tuổi của Mỹ. Bài viết đăng đầu tháng 7 ngay sau khi Rowling tung “chuyện bên lề” đầu tiên về Harry Potter và các bạn.
“Có những nhà văn nổi tiếng đến mức đính một mẩu nghìn rưởi chữ trên trang web cá nhân và lập tức trở thành vấn đề quốc tế” – The New Republic tỏ ra thất vọng bởi thay vì “hậu” Bảo bối tử thần (cuốn cuối cùng trong bộ Harry Potter ra năm 2007) như quảng cáo trước đó, độc giả chỉ nhận được câu chuyện ngắn dưới hình thức một bài báo tường thuật quang cảnh trước trận chung kết cúp Quidditch thế giới 2014. Dù Harry Potter vẫn là nhân vật trung tâm.
Dĩ nhiên với các potterhead – fan của Potter – một mẩu như vậy cũng khá ngon lành sau bảy năm nhịn đói. Nhất là hồi 2010, Daniel Radcliffe – thủ vai Harry trong phim – khẳng định Rowling đã nhắn cho anh: “Sẽ không có thêm cuốn (Harry Potter) nào nữa”.
Rowling sau đó chuyển sang mảng trinh thám với bút danh nam giới để tránh vòng hào quang cũ. Dư luận đồng tình rằng bà đã quá thành công và đến lúc họ dành sự chú ý cho những nhà văn khác. Thế giới của Harry Potter dù rất tuyệt vời thì cũng nên khép lại.
Song Pottermore lại được mở ra (năm 2011) giúp bạn đọc khám phá cuộc phiêu lưu của Harry Potter theo hình thức mới. Và từ tháng 7 đến giờ, Rowling lần lượt đưa lên đó những trang viết mới xung quanh một số nhân vật – mấy cái “mẩu” bị The New Republic phàn nàn:
“Khi nhà văn tự viết fanfiction (truyện mới dựa vào tác phẩm gốc nhưng không do tác giả viết) của chính họ đồng nghĩa làm giảm giá trị của tác phẩm. Còn nếu bạn thực sự thích thể loại này thì đừng quên harrypotterfanfiction.com có tới 82.406 mẩu chuyện tương tự”.
Chiều độc giả một cách thông minh
Tờ The New York Times mới đây đã đặt vấn đề: “Harry Potter có thể thay đổi thế giới hay không?”, phân tích dựa trên kết quả nghiên cứu hẳn hoi từ các trường đại học ở châu Âu. Thì ra đọc sách này khiến sinh viên khoan dung hơn, biết thông cảm và cải thiện thái độ kỳ thị chủng tộc.
Khá trùng hợp khi Chuyện đời của Dolores Jane Umbridge được Rowling chọn đăng vào Halloween. Umbridge là nữ nhân vật xấu, nổi tiếng kỳ thị dân máu bùn (phù thủy không thuần chủng – thuật ngữ trong truyện) dù cũng chỉ có nửa dòng máu phù thủy trong người. Bà ta phải sống cô đơn và kết thúc cuộc đời trong ngục bởi tham vọng độc ác của chính mình.
“Harry (Potter) có quan hệ khá gần với các nhân vật bị kỳ thị. Cậu ta cố gắng hiểu họ và chiến đấu cho một thế giới tự do bình đẳng”.
Tờ The New York Times dẫn lời tiến sĩ Loris Vezzali - Đại học Modena và Reggio Emilia (Ý)
Rowling thông minh và biết chiều độc giả hết cỡ. Tất tần tật những thứ liên quan tới Harry Potter đều có trong Pottermore. Các thành viên tương tác kiểu game nhập vai, có thử thách, có mua bán trao đổi, có cả “ăn” sinh nhật một nhân vật nào đó trong truyện.
“Pottermore đem lại cuộc phiêu lưu cho các phù thủy tuổi teen của thế hệ kỹ thuật số” – lời khen của tờ Mirror nước Anh. Nói Rowling giỏi tiếp thị như The New Republic cũng không ngoa.
Tạp chí này có lẽ đã liên tưởng các hoạt động trên Pottermore với việc hãng Warner Bros đang xúc tiến sản xuất bộ ba tập phim Sinh vật huyền bí và nơi tìm thấy chúng do Rowling chuyển thể kịch bản từ chính tác phẩm của mình với bối cảnh thế giới phù thủy và được mệnh danh là phim Harry Potter mới.
Mở ra một thế giới phù thủy sinh động như thật qua những trang sách và duy trì nó bằng một trang web rồi thỉnh thoảng tung ra vài mẩu phép thuật nho nhỏ đủ gây náo động, xem chừng độc giả còn lâu mới thoát khỏi tay bà.