Ngàn ngày đưa rùa về biển Cù Lao Chàm:

Hành trình chuyển trứng vô tiền khoáng hậu

Thùng đựng trứng rùa được giữ cố định tuyệt đối, dù ca nô chạy giữa biển sóng to ảnh: Thanh Trần
Thùng đựng trứng rùa được giữ cố định tuyệt đối, dù ca nô chạy giữa biển sóng to ảnh: Thanh Trần
TP - “Ở Côn Đảo, người ta cũng di chuyển trứng nhưng ở cự li gần, chỉ vài trăm mét. Còn mình đưa đi cả ngàn cây số, trứng nở kiểu gì đây?”. Câu hỏi đau đầu nhất trong hành trình đưa trứng về Cù Lao Chàm.

Trước nay, chưa từng ai, chưa có tổ chức nào đưa trứng rùa đi xa đến thế, vậy mà họ vẫn đi trên con đường “không có dấu chân người”.

Bị phản đối, nhưng không thử làm sao biết có thành công hay không? Nghĩ vậy, các thành viên trong BQL không bỏ cuộc.

Chuyến trứng đầu tiên chuyển vị đường dài vào năm 2017, với 450 quả. Từ Hòn Bảy Cạnh, các kỹ thuật viên trong BQL đi thuyền đưa trứng vào Côn Đảo, sau đó chia ra, một nửa đi đường không, một nửa đi đường bộ về Quảng Nam. Sở dĩ phải 50 dưới đất - 50 lên trời như thế để làm cơ sở sau này đánh giá việc di chuyển bằng đường nào cho kết quả nở tốt hơn.

Nhóm đi đường bộ mất hơn một ngày trời ôm trứng trên xe mới về tới Hội An. Nhóm còn lại đến sân bay Tân Sơn Nhất xách trứng lên máy bay cùng, không dám đem đi ký gửi hành lý vì sợ bị va đập. Tưởng mọi việc tới đây đã thuận buồm xuôi gió, ai dè qua cửa an ninh, ai nấy toát mồ hôi khi buộc phải soi chiếu hành lý. “Trứng rùa biển được vận chuyển ở độ tuổi trên dưới 40 ngày, phôi của trứng đang ở trong trạng thái hoạt động phát triển, nếu soi chiếu chắc chắn phôi sẽ bị ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ nở sau này. Hoặc sẽ bị chết phôi hoàn toàn”, ông Ái nơm nớp lo.

Không còn cách nào khác, mọi người xuất trình hết giấy tờ, trình bày “hoàn cảnh”, nhờ cả nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự hỗ trợ mới ôm thùng “báu vật” qua cửa an toàn. Suốt hành trình, cả nhóm đường bộ lẫn đường không thấp thỏm vì đây là chuyến đi đầu tiên cũng là chuyến đi có ý nghĩa quyết định trong việc đưa rùa về lại Cù Lao Chàm.

Ra đảo an toàn

Một ngày cuối tháng 7/2019, tôi may mắn được theo chân các thành viên trong Ban quản lý “hộ tống” 4 thùng trứng ra đảo Cù Lao Chàm. Vừa trải qua hành trình ngàn cây số, về tới Hội An vào buổi sáng, mọi người chẳng kịp nghỉ ngơi vội xuống cảng Cửa Đại đón ca nô. Anh Nguyễn Minh Toàn (27 tuổi) cho hay, thời gian di chuyển càng ngắn, càng ít nguy cơ hư hỏng với trứng.

Toàn bộ 250 quả trứng vùi trong cát, đóng thùng xốp cẩn thận, phía trên khoét lỗ thông hơi rồi đặt vào trong túi xách. Hôm ấy biển sóng to, gió mạnh, chiếc ca nô chạy vù vù bị sóng đập mấy phen lên đến tận nóc, ướt hết trơn. Bốn anh em ôm bốn chiếc thùng ngồi ở phía sau, hai chân chụm lại kê thùng trứng lên bàn chân, lên đùi không để đụng sàn. Những chặng ca nô bị biển nhồi dữ dội, họ bưng hổng thùng trứng lên để tránh va đập. Nhiều hành khách trên ca nô tò mò, quay lại hỏi: “Hải sản đông lạnh chi mà ôm chắc cú rứa?”, khiến bác tài phì cười: “Hàng “nóng”, lấy tận trong Côn Đảo ra đấy!”.

Ca nô cập cầu cảng, khách đi đường khách, bốn anh em xuống tàu bằng đường riêng. Mỗi bước đi đều nhẹ nhàng, cẩn trọng. Cù Lao Chàm ban trưa nắng nóng, chật chội chen chúc không thua kém gì chảo lửa giữa phố vẫn chẳng ngăn được những sải chân dài thoăn thoắt về phía khu ấp trứng. Anh Toàn trải lòng mình may mắn được đi chuyến lấy trứng cuối cùng trong năm nay. “Mấy đợt trước nghe anh em trong ban kể, em ao ức lắm chớ. Đợi mãi giờ mới tới lượt mình. Được tận tay ôm những quả trứng vượt quãng đường xa xôi về, càng thấy trân quý việc phục hồi đàn rùa”, anh tâm sự.

Không chỉ anh, những thành viên trong BQL như ông Nguyễn Văn Bảy, Ngô Văn Hai…trước đây đều là người dân địa phương trên đảo. Khi được vận động tham gia phục hồi, bảo tồn rùa biển, ai cũng hăng hái và quyết tâm. Anh Vũ hài lòng: “Họ không có nhiều chuyên môn, nhưng họ có tình yêu với quê hương Cù Lao Chàm không ai nhiều bằng. Chính vì vậy, hơn ai hết, họ sẵn sàng và ý thức rất cao trong việc đưa trứng, ấp trứng, bảo vệ trứng rùa để gầy lại đàn rùa cho đảo”.

Chúng tôi men theo lối mòn xuống biển, leo qua những bãi đá gồ ghề và những vạt rau muống thi nhau bò ra phía mép nước. Cuối cùng cũng đến. Trước mắt là một chòi canh, một ô cát được quây kín lưới B40 với dòng chữ: “Khu vực bảo vệ rùa biển, không phận sự cấm vào!”. Ở đấy có vài người đã đợi sẵn. Anh Toàn quệt mồ hôi, thả người xuống cát, thở phào: “Trứng tới đây là đã an toàn. Chỉ còn việc ấp nở nữa thôi”.

Trong 3 năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã chuyển 1.900 quả trứng rùa từ Côn Đảo ra Cù Lao Chàm. Năm 2017 chuyển 900 trứng, năm 2018 chuyển 500 trứng và năm 2019 chuyển 500 trứng. Tất cả các lần chuyển trứng đều chia đôi, một nửa đi đường bộ, một nửa đi máy bay. Các cán bộ BQL tâm tình, khi mới thực hiện, ai cũng chỉ hy vọng nở được vài con để trả lời cho câu hỏi đi cả ngàn cây số, trứng có thể nở được hay không thôi. Không ngờ kết quả lại “kinh khủng” đến vậy.

Hành trình chuyển trứng vô tiền khoáng hậu ảnh 2 Trứng rùa đến đảo Cù Lao Chàm an toàn ảnh: Thanh Trần

Trong khi phải vượt quãng đường gian nan ngàn cây số mới đưa được trứng về thì tại Cù Lao Chàm, có một thực tế khiến những người làm công tác phục hồi, bảo tồn rùa biển đau lòng: Đầu tháng 9/2017, ngư dân địa phương phát hiện một tổ trứng rùa biển 32 quả trên rạn san hô tại khu vực đảo Hòn Dài ở độ sâu hơn 5 mét. Trường hợp này rất hiếm gặp ở nước ta lẫn trên thế giới, bởi tập tính của rùa biển lâu nay chỉ đào hố đẻ trên cát. “Rùa không thể lên bãi đẻ trứng được vì bị các tàu du lịch, con người, ánh sáng… đe dọa. Đó là thực tế đáng báo động và cũng là thách thức cho công tác bảo tồn”, ông Lê Xuân Ái nhìn nhận. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.