Giáo sư Carlyle Thayer:

Hành động của Trung Quốc cực kỳ khiêu khích

Giàn khoan của Trung Quốc đặt trái phép trên lãnh hải Việt Nam
Giàn khoan của Trung Quốc đặt trái phép trên lãnh hải Việt Nam
TP - Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu cùng với hàng chục tàu các loại, kể cả tàu chiến, tới vùng biển của Việt Nam là “phi pháp, chưa từng có và cực kỳ khiêu khích”, GS Carlyle Thayer, chuyên gia về các vấn đề chính trị, an ninh châu Á-Thái Bình Dương đang công tác tại Học viện Quốc phòng Úc, trao đổi với Tiền Phong.

Quan điểm của ông về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam?

Hành động của Trung Quốc là bất ngờ, phi pháp, chưa từng có và cực kỳ khiêu khích. Hành động này gây căng thẳng không chỉ với Việt Nam mà còn với các nước khác ở Đông Nam Á. Trước đó, Việt Nam không làm gì khiến cho Trung Quốc hành động như vậy. Vấn đề không chỉ là giàn khoan dầu mà còn khoảng 70-80 tàu Trung Quốc các loại ở xung quanh giàn khoan đó. 

Động thái của Trung Quốc là bất hợp pháp vì giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Việt Nam có quyền chủ quyền đối với mọi tài nguyên trong lòng biển và đáy biển thuộc khu vực này. Trung Quốc không thể thăm dò dầu nếu không được Việt Nam cho phép. Các hành động của Trung Quốc là không có tiền lệ, bởi vì các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc cũng tham gia. Đây là sự leo thang cực kỳ khiêu khích.

Hành động của Trung Quốc cực kỳ khiêu khích ảnh 1 GS Carlyle Thayer

Nhiều học giả Việt Nam cho rằng, thời điểm và vị trí đặt giàn khoan của Trung Quốc cho thấy mục tiêu rõ ràng của nước này: Biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp và từ đó có thể dần hiện thực hóa ý đồ độc chiếm biển Đông thông qua một hoạt động mang tính chất kinh tế - dân sự. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Các học giả Việt Nam đúng một phần. Việc đặt giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước đây chưa từng xảy ra. Đây là động thái tiếp theo việc Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc thông báo các khu vực mời thầu, để phản ứng việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển.

Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc được tính toán để thách thức tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, Mỹ phản đối sự ép buộc và đe dọa để củng cố yêu sách chủ quyền lãnh thổ. 

Trung Quốc đã chuẩn bị cho hành động này từ trước để phản ứng chuyến thăm của ông Obama tới Đông Á mà không thăm Trung Quốc. Trung Quốc cũng đáp trả sự ủng hộ của ông Obama đối với Nhật Bản và Philippines.

Trung Quốc đang thách thức các tuyên bố của ông Obama bằng cách “xử” Việt Nam. Mỹ không có quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Nếu Mỹ không hành động, uy tín của Tổng thống Obama sẽ bị xói mòn.

Có ý kiến cho rằng, đang phải đối mặt nhiều vấn đề nội bộ, như Tân Cương, Tây Tạng, tấn công khủng bố?, nên Trung Quốc đưa giàn khoan ra biển Đông nhằm đáp ứng cả yêu cầu đối nội là chuyển vấn đề nóng ra ngoài biên giới, và cả đối ngoại nhằm độc chiếm biển Đông. Ý kiến của ông về nhận định này?

Các vấn đề nội bộ của Trung Quốc càng khiến Trung Quốc có cảm giác dễ bị tổn thương bởi chiến lược tái cân bằng (xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương) của Mỹ. 

Trung Quốc sợ bên ngoài can thiệp các công việc nội bộ của mình. Trung Quốc sợ bị Mỹ bao vây. Vì vậy, Trung Quốc làm căng lên ở cả hai hướng, với chính sách cứng rắn và sự đối đầu. Các hành động của Trung Quốc nhằm huy động sự ủng hộ của người dân nước này. 

MỚI - NÓNG