Hàng trăm hộ dân mong manh mùa nước nổi

Hàng trăm hộ dân mong manh mùa nước nổi
TP - Năm nay, ĐBSCL mới vào đầu mùa lũ lụt (mùa nước nổi) mà bờ sông, bờ rạch đã sạt lở khắp nơi khiến người dân nháo nhác.
Sạt lở ở phường Bình Khánh (TP Long Xuyên). Ảnh: Hồng Lĩnh
Sạt lở ở phường Bình Khánh (TP Long Xuyên). Ảnh: Hồng Lĩnh.

Đầu nguồn thành vực

Bà Nguyễn Thị Hồng ở ấp Phú Yên, xã Phú Lộc (TX Tân Châu, An Giang) kể: “Khoảng 10 giờ đêm, tôi đang xem tivi thì nghe rầm một cái, chạy ra thấy sát nhà một vực sâu hoắm, ba cây bạch đàn cao lớn chỉ còn đọt chơ vơ trong dòng nước dữ”.

Tuyến kinh Bảy Xã mà bà Hồng đang kể, năm nay xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Chỉ riêng ấp Phú Yên và ấp Phú Quý của xã Phú Lộc đã có 3 điểm sạt lở, dài khoảng 1.300m, sâu hơn 3m, đe dọa cuộc sống của 130 hộ dân.

Con kinh lớn nối sông Tiền và sông Hậu, chạy qua ấp Tân Hậu A1, xã Tân An (TX Tân Châu) cũng vừa bị sạt lở bờ dài gần 80m, rộng 8m, làm hai ngôi nhà rơi xuống sông.

Ông Trương Văn Lợi kể, chiều hôm trước mưa lớn, xuất hiện mấy vết nứt, tờ mờ sáng hôm sau cả khu vực “ụp một cái” thành vực sâu hoắm.

Phía dưới xã Tân An là xã Châu Phong (TX Tân Châu), tình hình sạt lở nghiêm trọng hơn.

Nằm bên sông Hậu, dòng nước tải phù sa bồi cho hai xã của huyện An Phú ở mạn đối diện bên trên, nên xoáy thẳng xuống xã Châu Phong một luồng sâu đến 15m, rộng 80m, khoét vào bờ ấp Vĩnh Lợi 2, Vĩnh Tường 1.

Mới đây, bờ kinh ở ấp Vĩnh Lợi 2 bị lở dài 200m, sau 5m, đe dọa cuộc sống của 70 hộ dân. Sau mùa lũ lụt năm 2011, xã Châu Phong đã bị sạt lở bờ sông sâu vào 10m, đe dọa hơn 100 hộ dân và mới di dời được mấy chục hộ.

Một chủ đò ngang kể, đất đai cứ rung rinh rồi trong nháy mắt thành vực, cây cối bên bờ thấy chỏng chơ giữa sông “ớn quá!”.

Hạ nguồn sạt lở từng ngày

Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Long (Châu Thành, Bến Tre) Nguyễn Văn Vàng, cho biết “đang sạt lở từng ngày”. Tình trạng nghiêm trọng xuất hiện từ khoảng 3 năm, nhưng năm nay nghiêm trọng nhất, hiện một đoạn đê dài hơn 700m đã bị sạt lở tới chân.

Ông Vàng cho biết, đang vận động dân hiến đất để gia cố chân đê, bên cạnh kiến nghị cấp trên cho dời đê vào khoảng 50m để có thể đứng vững.

Xã Tiên Long đắp đê đã hai lần, để bảo vệ 240 hộ dân và vườn cây ăn trái. Chục năm trước, con đê do ngân sách Nhà nước đầu tư, dài 6 km nhưng đã bị sạt lở gần hết.

Sau đó, người dân hiến đất để dời vào trong và nay, nhiều đoạn lại bị sông Hàm Luông làm sạt lở sát chân, trở nên mong manh trước mùa nước nổi.

Dọc bờ sông Hậu, xã Thành Lợi (Bình Tân, Vĩnh Long) đang có nhiều điểm sạt lở. Ở ấp Thành Phú mới bị sạt lở một đoạn dài khoảng 50m, đe dọa nghiêm trọng nhiều hộ dân.

Chủ tịch UBND huyện Bình Tân - Lê Văn Thuận cho biết, nhiều xã bị sạt lở từng ngày, các số liệu thống kê luôn luôn lạc hậu, nên đang tập trung vận động bà con chủ động ứng phó, di dời.

Xuống tỉnh Trà Vinh ở hạ nguồn sông Hậu, cù lao Tân Quy của xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè), cũng bị sạt lở nghiêm trọng vì tình trạng khai thác cát làm biến đổi dòng chảy.

Mới đây, 218 hộ dân trên cù lao Tân Quy làm kiến nghị đến UBND tỉnh, yêu cầu khai thác cát phải có quy hoạch, không vì lợi ích kinh tế của doanh nghiệp mà đe dọa cuộc sống của dân.

11 nghìn hộ dân cần di dời

Thống kê chưa đầy đủ của ngành TN-MT, vùng ĐBSCL có khoảng 11.000 hộ dân đang sống trong vùng sạt lở, rất nguy hiểm, cần di dời.

Nhưng hầu hết các địa phương lại thiếu vốn, thiếu quỹ đất, nên việc di dời rất chậm, mùa nước nổi này còn hàng nghìn hộ nơm nớp sống trong bất ổn.

Sở TN-MT tỉnh An Giang cho biết, hiện cả tỉnh có 53 điểm sạt lở, tập trung ở bờ sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao.

So với năm 2011, tăng 10 điểm (tăng 23%). Hầu hết các điểm sạt lở được đánh giá là rất nguy hiểm hoặc nguy hiểm.

Từ đầu năm 2012 đến nay, xảy ra 10 vụ sạt lở nghiêm trọng, làm rơi xuống sông nhiều nhà cửa và tài sản của dân, phải di dời khẩn cấp hàng trăm căn nhà.

Giám đốc Sở TN - MT tỉnh Vĩnh Long - Roãn Ngọc Chiến cho biết, tỉnh có 18 khu vực sạt lở nghiêm trọng, tập trung ở huyện Long Hồ, Vũng Liêm.

Khảo sát của một số địa phương cho biết, lòng các con sông đang xuất hiện nhiều luồng nước xoáy sâu 13-15m, rộng 50-100m, áp sát bờ tạo thành những hàm ếch gây sạt lở.

Những vụ sạt lở như thế thường lan rộng và rất khó ngăn chặn. Nguyên nhân chính, theo đánh giá của các chuyên gia, do việc khai thác cát lan tràn và xây dựng các công trình thiếu tính toán, làm biến đổi dòng chảy không còn theo quy luật tự nhiên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG