Xin làm công nhân, bị trả lại hồ sơ
Ngày 19/8, UBND huyện Yên Định đã ra Quyết định số 1250, 1251/QĐ-UBND về việc chấm dứt hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện. Theo đó, 647 giáo viên, nhân viên bị mất việc làm. Mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm công việc để bảo đảm cuộc sống, nhưng nhiều người đã bị từ chối dù chỉ xin làm công nhân…
Sau khi bị chấm dứt công việc giảng dạy từ 1/9, vợ chồng anh Đặng Ngọc Tới (nguyên giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Yên Thọ) và chị Trịnh Thị Hoa (nguyên giáo viên Ngữ Văn, Trường Tiểu học Yên Thọ) nộp hồ sơ xin đi làm công nhân giầy da. Thế nhưng, anh Tới bị phía công ty từ chối vì không có tay nghề, còn chị Hoa thì đang chờ xem xét.
“Hai vợ chồng chúng tôi đã đứng trên bục giảng gần 10 năm nay, rồi mất việc. Chúng tôi đã nộp hồ sơ ở một số nơi, nhưng đều bị từ chối. Đến cả đi xin làm công nhân giầy da, họ cũng không nhận vì không có tay nghề”, anh Tới nói.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Trần Thị Biên (nguyên giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Định Thành) có thâm niên gần 14 năm giảng dạy cho biết: Đầu năm 2003, chị được phòng giáo dục huyện Yên Định ký hợp đồng với thời hạn 1 năm với mức lương là 330.000đồng/tháng.
Đến tháng 11/2007, chị được UBND huyện ký hợp đồng không thời hạn với mức lương là 450.000 đồng/tháng và nhân theo hệ số. Nhưng không tăng lương cũng như không được hưởng phần trăm số giờ đứng lớp.
Nhưng đến 1/9/2011, hợp đồng lao động của chị được UBND huyện Yên Định ký bỗng trở thành có thời hạn 12 tháng và đến tháng 1/9/2015 lại thành 10 tháng.
“Và kể từ ngày 1/9, từ một giáo viên có thâm niên tôi trở thành người thất nghiệp. Hiện nay, tôi đã 40 tuổi, tôi chưa biết phải đi xin công việc gì cho phù hợp để lo cho cuộc sống gia đình”, chị Biên tâm sự.
Cần lắm sự hỗ trợ
Bức xúc xen lẫn lo lắng trước việc bị nghỉ việc, ngày 1/9, hàng trăm giáo viên đã có các kiến nghị gửi UBND huyện Yên Định nhưng vẫn chưa nhận được trả lời. Ngày 10/10, đại diện các giáo viên, nhân viên hành chính bị mất việc đã trực tiếp gửi đơn kêu cứu đến UBND tỉnh Thanh Hóa.
Trong đơn thư, những lao động bị mất việc phản ánh sai phạm trong việc tuyển dụng, cụ thể, trong số 647 giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng thì có 124 người có hợp đồng không thời hạn và 523 người có hợp đồng ngắn hạn (1 năm).
Nhưng nhiều người trong số đó đã không nhận được thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động trước thời điểm nhận được quyết định chính thức bị nghỉ việc. Nhiều người bị chấm dứt hợp đồng lao động khi đang nuôi con nhỏ, hoặc đang mang thai, hoặc đang nghỉ chế độ thai sản…
“Ngày 22/7, tôi có được nghe hiệu trưởng thông báo về chủ trương của huyện đối với lao động tại các đơn vị trường học trên địa bàn huyện. Nhưng trên thông báo này không thông báo cụ thể chấm dứt hợp đồng lao động với cá nhân chúng tôi. Mà chỉ thông báo sắp xếp để người lao động nắm bắt chủ trương chung của tỉnh và huyện về việc sắp xếp điều động nguồn nhân sự. Nhưng đến ngày 19/8, UBND huyện lại ký 2 Quyết định số 1250, 1251/QĐ-UBND về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đang công tác tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, TTGDTX trên địa bàn” - chị Nguyễn Thị Loan, nguyên giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Định Liên có 12 năm đứng lớp cho biết.
Các lao động bị mất việc hiện đang khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng Thanh Hóa thu hồi quyết định chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, tiến hành thanh toán, giải quyết quyền lợi liên quan theo đúng quy định Luật Lao động. Cần quan tâm, bố trí việc làm phù hợp cho các lao động đã cống hiến cho ngành giáo dục nhiều năm…