Hàng nghìn ngôi nhà ở miền Trung ngập sâu, nhiều đê kè sạt lở nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
Hàng nghìn ngôi nhà ở miền Trung ngập sâu, nhiều đê kè sạt lở nghiêm trọng
TPO - Tính đến sáng nay (19/10), còn 42 xã với hàng nghìn hộ dân trong khu vực trũng, thấp ven sông ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế bị ngập sâu trong nước. Thống kê cho thấy, có 5 sự cố sạt lở đê kè mới xảy ra ở các địa phương.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, sáng 19/10, ở khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Theo ông Thành, hiện lũ trên các con sông ở Trung Bộ bắt đầu giảm dần. Lũ sông Kiến Giang (Quảng Bình) tại Lệ Thủy đạt đỉnh +3,17m lúc 7h ngày 18/10 (trên báo động (BĐ) 3 là 0,47m); hiện rút còn +2,75m (trên BĐ 3: 0,05m).

Lũ các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên xuống ở mức BĐ1-BĐ2. Trong đó, sông Bến Hải (Quảng Trị) tại Hiền Lương là +1,0m, ở mức BĐ1. Sông Bồ (T.T.Huế) tại Phú Ốc là +2,45m, dưới BĐ2: 0,52m; sông Thu Bồn (Quảng Nam) tại Ái Nghĩa là +6,50m, ở mức BĐ1.

Hàng nghìn ngôi nhà ở miền Trung ngập sâu, nhiều đê kè sạt lở nghiêm trọng ảnh 1

Mưa lũ kéo dài gây ngập tuyến đường tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Ảnh: Minh Phong

Ông Thành cho biết, đáng chú ý, đến nay còn có 42 xã khu vực trũng, thấp ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế bị ngập sâu. Cụ thể, tỉnh Quảng Bình có 30 xã/2.232 hộ bị ngập từ 0,2-1,2m. Trong đó, huyện Lệ Thủy có 20 xã /1.683 hộ; huyện Quảng Ninh có 6 xã/275 hộ; huyện Bố Trạch có 4 xã/274 hộ.

Tỉnh Quảng Trị có 6 xã ven sông Ô Lâu, huyện Hải Lăng bị ngập từ 0,2-0,7m. Tỉnh Thừa Thiên Huế có 6 xã bị ngập từ 0,2-0,3m, trong đó huyện Quảng Điền có 3 xã; huyện Phong Điền có 3 xã.

Tính đến đêm qua, còn 35 hộ khu vực ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tỉnh Quảng Bình, giảm 937 hộ so với ngày 17/10.

Đặc biệt, do mưa lớn kéo dài liên tục trong những ngày qua đã gây ra 5 sự cố đê kè. Trong đó, đê hữu Bùi (đê cấp IV) đoạn qua thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đã bị nứt, sạt lở mái với chiều dài khoảng 25m, cung sạt rộng khoảng 1,5m, sâu 4m.

Hàng nghìn ngôi nhà ở miền Trung ngập sâu, nhiều đê kè sạt lở nghiêm trọng ảnh 2

Nhiều tuyến đường quốc lộ đang bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Ảnh: BCĐQTPCTT

Tại tỉnh Quảng Bình, tuyến kè biển Nhân Trạch bị sập 50m, địa phương phải gia cố tạm thời bằng đá hộc và bao tải cát. Ngoài ra, tuyến kè biển Nhật Lệ đang thi công bị sóng đánh vỡ 300m. Còn tại tỉnh Quảng Trị, sạt 2 đoạn kè sông tổng chiều dài 90m.

Đại diện Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, đến sáng 19/10, số lượng hồ thủy điện ở Trung Bộ và Tây Nguyên điều tiết qua tràn giảm dần. Hiện, còn 72 hồ trong đó Bắc Trung Bộ 12 hồ, Nam Trung Bộ 16 hồ, Tây Nguyên 44 hồ.

Ngoài ra, có 1.940/2.590 hồ tại các tỉnh từ Thanh Hóa – Quảng Nam và Kon Tum, Gia Lai đã đầy nước. Một số hồ chứa thủy lợi đang xả lớn: Thạch Nham (Quảng Ngãi) 559 m3/s; Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) 489 m3/s.

Thanh Hóa: Sạt lở Quốc lộ 15C, tạm chia cắt Mường Lát

Trao đổi nhanh với Tiền Phong, ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, rạng sáng nay (19/10) đã xảy ra tình trạng sạt lở ta luy dương Quốc lộ 15C, đoạn qua bản Kéo Té, xã Nhi Sơn.

Vị trí khu vực dân cư ở cách đoạn sạt lở chừng 300-400 m. Khối lượng đất đá sạt chừng 20.000-30.000 m3.

Quốc lộ 15C là tuyến đường huyết mạch nối huyện miền núi Mường Lát với các huyện khác của Thanh Hóa.

Hàng nghìn ngôi nhà ở miền Trung ngập sâu, nhiều đê kè sạt lở nghiêm trọng ảnh 3

Vị trí sạt lở. Ảnh: Pó Ly

Hiện nay, lực lượng chức năng đang bố trí người, phương tiện, xử lý khối lượng đất đá chặn ngang đường để có thể thông tuyến trong ngày.

Ông Hà Văn Ca cho biết thêm: Vị trí vừa sạt lở sáng nay từng bị sạt lở trước đó nhiều lần. Phía trên vị trí này có diện tích lúa bậc thang của đồng bào địa phương canh tác.

Trước mắt, lực lượng chức năng đang nỗ lực để thông tuyến cho người dân, phương tiện giao thông qua lại. Sau đó, huyện sẽ báo cáo ngành chức năng xem xét phương án xử lý điểm sạt lở này.

Hàng nghìn ha lúa, hoa màu hư hại

Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, đến nay mưa lũ đã khiến 3 người chết (Nghệ An 2; Hòa Bình 1); 3 người mất tích (Quảng Bình 2; Quảng Trị 1); 86 căn nhà bị tốc mái (Quảng Bình 5; Quảng Trị 24; Đà Nẵng 1; Quảng Nam 28; Kon Tum 28).

Ngoài ra, hiện còn 44 vị trí Quốc lộ và tỉnh lộ còn ách tắc. Mưa lũ khiến 2.004 ha lúa và 516 ha diện tích hoa màu, 33ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại.

Sớm khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai vừa yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo đó, Ban chỉ đạo yêu cầu các tỉnh tiếp tục theo dõi chặt các bản tin cảnh báo, dự báo mưa lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương cần khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất; Kiểm tra, rà soát các phương án để sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp có thể xảy ra trong những ngày tới. Đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, các hồ đã đầy nước, các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công dở dang...

MỚI - NÓNG