Ông Hà Thành Hải Hậu, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (Gia Lai) cho biết, từ năm 2021 đến nay, đơn vị có 3 người xin nghỉ việc. Hiện các vị trí này chưa được bổ sung. Một trong các nguyên nhân chính theo ông Hậu là mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng lượng công việc làm nhiều, trực tuần tra bảo vệ rừng cả các ngày nghỉ cuối tuần, lễ, tết.
“Địa bàn rộng trên 12.000 ha, công việc giữ rừng quá cực khổ, chịu áp lực từ nhiều phía nên những thanh niên trẻ mới vào làm thường không bám trụ nổi. Chưa kể tiền xăng xe đi lại ngốn mất hơn triệu đồng/tháng, trừ thêm chi phí ăn uống, sinh hoạt anh em chẳng còn gì”, ông Hậu chia sẻ.
Kiểm lâm viên lội rừng tuần tra bảo vệ rừng |
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai thông tin, Gia Lai có 21 ban quản lý rừng phòng hộ và 1 ban quản lý rừng đặc dụng với gần 500 cán bộ, viên chức.
Năm 2021, dù đơn vị đã tuyển dụng gần 80 viên chức để củng cố bộ máy nhưng đến nay vẫn còn thiếu 40 chỉ tiêu. Bởi vậy, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngoài việc tham mưu tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đơn vị chủ động phối hợp với các lực lượng khác liên quan nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Ông Hoan nhấn mạnh, hiện chưa có quy định về chế độ chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, bởi vậy lâm tặc cũng lợi dụng điểm này tác động đối với lực lượng bảo vệ rừng, đe dọa tạo áp lực.
Tương tự Gia Lai, chỉ trong 3 năm qua đã có đến 20 người, trong đó có 10 viên chức nghỉ việc hoặc chuyển công tác ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham (Kon Tum). Ban này hiện chỉ còn tổng cộng 30 cán bộ, nhân viên. Thiếu nhân lực trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ nên nhiều diện tích rừng luôn trong tình trạng báo động bị xâm hại.
Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 3 (Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham) là một căn nhà tạm, chênh vênh giữa lưng chừng núi ở tỉnh Kon Tum. Đời sống cán bộ bảo vệ rừng nơi đây vô cùng vất vả bởi không điện, không nước, không sóng điện thoại.
Các cán bộ, nhân viên ở đây cho biết, để cải thiện bữa ăn cũng như tiết kiệm, cán bộ bảo vệ rừng thời gian rảnh mang lưới đi dọc bờ suối bắt cá. Thế nhưng, tìm được cá suối đâu phải dễ bởi con to nhất chỉ bằng ngón tay.
“Đối với các ngành khác làm việc 8 tiếng nhưng lực lượng bảo vệ rừng chịu trách nhiệm 24 giờ mỗi ngày, kể cả ngày lễ nên không có thời gian chăm sóc gia đình. Thu nhập không đáp ứng nổi nhu cầu cuộc sống”, ông Phan Quốc Vũ, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham chia sẻ về nguyên nhân nghỉ việc của cán bộ.
Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, từ năm 2016-2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh này đã tiếp nhận và giải quyết 48 đơn xin nghỉ việc, chuyển công tác của những người làm công tác bảo vệ rừng. Tại Đắk Lắk, trong năm 2021 có 13 kiểm lâm viên nghỉ việc, trong đó có 12 người là công chức và 1 trường hợp là hợp đồng lao động. Lý do khiến nhiều người giữ rừng xin nghỉ việc vì áp lực, điều kiện làm việc rất khó khăn, vất vả, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Trong khi đó, diện tích giao rừng quản lý lớn, địa hình phức tạp, hiểm trở.
HUỲNH THỦY