Lo ngại đó được phản ánh trong bài phát biểu của Thủ tướng, quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn. Trong cuộc họp nội các khẩn cuối tuần qua, ông Hwang nói đã chỉ đạo quân đội nâng cao cảnh giác đối với bất kỳ động thái nào của Triều Tiên nhằm lợi dụng tình hình hiện tại. “Chính phủ đang triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn bất kỳ khoảng trống quyền lực nào trong chính phủ và giảm bớt nỗi lo lắng của người dân”, ông Hwang nói. Ông cho biết, đến nay chưa thấy diễn biến đặc biệt nào từ Triều Tiên, nhưng “tất cả các công chức cần nâng cao cảnh giác trong thời điểm hiện nay”.
Truyền thông Triều Tiên bày tỏ vui mừng khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị luận tội, bị đình chỉ chức vụ. Theo báo chí Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn nhằm vào Nhà Xanh, tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc. Đợt tập trận của lực lượng đặc biệt Triều Tiên diễn ra dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim từ đài quan sát là nhằm “phá hủy các mục tiêu cụ thể của kẻ thù”, trong đó có Nhà Xanh của Hàn Quốc, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin.
Báo Rodong Sinmun thuộc Đảng Lao động Triều Tiên đăng bài dài 2 trang để nói về cuộc tập trận, kèm theo nhiều bức ảnh trong đó có tòa nhà giống Nhà Xanh đang bị quân Triều Tiên tấn công và bốc cháy, còn nhà lãnh đạo Kim cười tươi khi đang quan sát vụ tấn công mô phỏng. “Tốt lắm, quân địch sẽ không có nơi ẩn náu, nói gì đến hành động đáp trả”, KCNA dẫn lời ông Kim. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cảnh báo: “Nếu kẻ thù thực hiện hành động khiêu khích dựa trên sự tính toán vội vàng, chúng ta sẽ kiên quyết trả thù mạnh mẽ với cú đáp trả chết người nhằm vào ban lãnh đạo Triều Tiên”.
Chờ động thái từ chính quyền Donald Trump
“Việc Liên Hợp Quốc tăng cường trừng phạt, Mỹ có tổng thống mới và thay đổi chính trị ở Hàn Quốc gần như là hoàn cảnh lý tưởng để Triều Tiên làm gì đó khiêu khích”.
GS Marcus Noland - chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (trụ sở ở Washington, Mỹ)
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng, Triều Tiên sẽ không chủ động tấn công vào lúc này mà sẽ chờ xem, không chỉ với Seoul mà còn cả Washington. Triều Tiên được cho là có xu hướng thăm dò và thử các tổng thống mới nhậm chức ở Mỹ, nhưng ông Donald Trump là người khó đoán, đặc biệt trong chính sách đối ngoại, nên Bình Nhưỡng có thể kiềm chế một thời gian. “Họ sẽ muốn có một thời gian xác định hướng chính sách của chính quyền Trump”, GS Yang Moo-ji ở ĐH Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul nhận định. “Trong khi đó, rất khó có khả năng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện một vụ thử hạt nhân mới để đẩy ông Trump đến chỗ sử dụng chính sách cứng rắn”, GS Yang nói.
Triều Tiên đã thực hiện hai vụ thử hạt nhân và nhiều vụ phóng tên lửa trong năm nay nhằm đạt mục tiêu phát triển loại vũ khí có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân đến tận Mỹ. “Thời gian thử vũ khí của Triều Tiên chủ yếu xuất phát từ tham vọng nâng cao năng lực quân sự, và những vụ thử gần đây cung cấp cho các nhà khoa học và kỹ sư Triều Tiên dữ liệu để nghiên cứu”, nhà nghiên cứu Leif-Eric Easley ở Viện Nghiên cứu chính sách Asan nhận định. “Vì thế, Bình Nhưỡng có thể sẽ chờ xem liệu có một chính trị gia thân thiện hơn nổi lên từ cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Hàn Quốc hay không”, ông Easley nói.
Thực hiện chính sách cứng rắn với Triều Tiên trong thời kỳ lãnh đạo Hàn Quốc, bà Park Geun-hye đã khước từ bất kỳ nhượng bộ nào trừ khi Triều Tiên chấp nhận cam kết chắc chắn về phi hạt nhân hóa. Bà Park thậm chí còn ra lệnh đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong - một dự án hợp tác hiếm hoi đã tồn tại qua nhiều cuộc khủng hoảng hai miền.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “biết chính xác mình đang làm gì”, ông Koh Yu-hwan, giáo sư ngành chính trị tại ĐH Dongguk, Hàn Quốc, nhận định. “Ông ấy không có lý do gì để hành động khiêu khích và thay đổi không khí ở Hàn Quốc để có lợi cho phe bảo thủ”, ông Koh nói.
Triều Tiên đang chuẩn bị cho hàng loạt ngày lễ quan trọng, trong đó có kỷ niệm ngày sinh lần thứ 75 và 105 của hai cố lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Il-sung vào tháng 2 và tháng 4 năm sau, cũng như kỷ niệm lần thứ 85 ngày thành lập quân đội.
Trước đây, những ngày như vậy thường được đánh dấu bằng các vụ thử hạt nhân chiến lược. GS Yang cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ tránh làm tương tự trong những dịp sắp tới. Nhưng theo ông Yang, vấn đề nằm ở chỗ bất ổn chính trị ở Hàn Quốc có thể diễn ra dài hơn so với thời gian Triều Tiên có thể chờ.