Nguyễn Huy Thiệp thực sự đã được hâm nóng lại trong buổi giới thiệu cuốn sách tái bản có bổ sung “Giăng lưới bắt chim” của ông với sự góp mặt bàn luận của các nhà văn, bạn bè, độc giả...
Hấp dẫn, quyến rũ?
Nói về Nguyễn Huy Thiệp thường dễ hay. Sáng 8/9 tại Cà phê Laca 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội, nói một cách quá lời thì các văn hữu, nhà phê bình, bạn bè đã “tranh nhau nói hay” về Nguyễn Huy Thiệp, nhân cuốn tiểu luận phê bình Giăng lưới bắt chim của ông được NXB Trẻ tái bản lần thứ tư, có bổ sung so với ba lần ấn hành trước đó của các NXB khác. “Nhà văn có nên viết phê bình văn học”- chủ đề buổi ra mắt sách, chỉ là cái cớ để mọi người hâm nóng lại văn chương Nguyễn Huy Thiệp, không bó hẹp trong lĩnh vực phê bình, tiểu luận.
Trần Đăng Khoa, người cũng có chân dung được Nguyễn Huy Thiệp phác họa trong cuốn sách, cho rằng: “Muốn đánh giá một nhà văn phải đặt họ trong tổng thể nền văn học, sau đó rút ông ấy ra xem vắng ông ấy thì nền văn học có xộc xệch đi không, nếu không thì nhà văn đó chẳng có giá trị gì”.
“Mỗi người chỉ có một số kiếp, một cõi sống và điều đó làm lòng ta run lên vì căm giận. Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần. Văn học ở ta rất ít muối”.
Nguyễn Huy Thiệp, trích tiểu luận “Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm nhà văn”, 1989
Nguyễn Quang Thiều khẳng định: “Tất cả các con đường đi vào văn chương Nguyễn Huy Thiệp đều quyến rũ kể cả sự quyến rũ khó chịu hay thù hận”. Anh Thiều cũng cho rằng “Lâu nay trong văn chương và cả đời sống, chúng ta không có khả năng nói thật” và Nguyễn Huy Thiệp là một tiếng nói thật hiếm hoi, người đánh bom cảm tử, đã tạo ra một cú nổ, phá toang bức tường dày đặc xưa cũ trì trệ kể từ khi xuất hiện vào thời kỳ đầu đổi mới.
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học đánh giá “Văn Nguyễn Huy Thiệp có sự hấp dẫn mãnh liệt. Và nếu sáng tác thể hiện bản ngã Nguyễn Huy Thiệp theo kiểu thập diện mai phục, thì văn phê bình lại trình diện một bản ngã Nguyễn Huy Thiệp trực diện hơn. Tại đó, những mảnh vỡ bản ngã Nguyễn Huy Thiệp thể hiện đa dạng hơn”.
Theo TS Điệp: “Vượt qua những bếp núc văn chương, vượt qua những kỷ niệm, Nguyễn Huy Thiệp có cách nhìn, kiến giải riêng. Ông gây hấn trong chính cái sự ném ra tư tưởng của mình. Ví dụ ông có bài lâu rồi, từng khiến nhiều người rất uất, Trò chuyện với hoa thủy tiên, nói về “đám giặc già lăng nhăng thơ phú”. Có thể viết rằng những nhà thơ nhiều tuổi cần nâng cao vốn văn hóa, vốn sống, nghề nghiệp- nói thế chuội đi chẳng ai nhớ. Nhưng nói giặc già lăng nhăng thơ phú thì buộc những người sáng tạo phải nhìn lại mình, sự xơ hóa của mình. Trong nghệ thuật không có đoạn ăn gian tuổi tác. Cách nói của Thiệp như lưỡi lam, khứa rất nhẹ nhưng sâu, khác chúng ta múa dao loạn xị nhưng chẳng chém được ai. Đều bắn chỉ thiên nhưng Nguyễn Huy Thiệp bắn ra bắn”.
Đạo sống, đạo viết?
Nhà phê bình Chu Văn Sơn dẫn dắt cuộc trò chuyện cùng nhà phê bình Mai Anh Tuấn, nhận định: “Trong lực lượng nhà văn viết phê bình, Nguyễn Huy Thiệp riêng một lối. Trần Đăng Khoa nổi tiếng với Chân dung và đối thoại, Hầu chuyện thượng đế, nhìn chung vẫn quanh việc bếp núc văn chương, ít nhiều tham vọng xếp chiếu cho người này người kia. Nhà phê bình thì khác tập trung vào chuyện nghề, vẫn là bếp núc. Còn người băn khoăn về đạo viết ở Việt Nam, chỉ có Nguyễn Huy Thiệp!”.
Theo Chu Văn Sơn, sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp giữa những năm 1980, cuối thời bao cấp, khi xã hội xuống cấp trầm trọng, là để nói về tình trạng vô đạo của đời sống. “Đời viết của Nguyễn Huy Thiệp là băn khoăn tìm đạo. Chữ đạo này không có nghĩa là tôn giáo, đạo đức. Chữ đạo này là đạo sống”. Ông Sơn khái quát văn nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp xoay quanh chữ đạo này - đạo sống và đạo viết.
Nói về đạo, vô đạo, ông Sơn dẫn bài báo theo ông là rất hay: “Tất cả những điều chúng ta biết về sự sụp đổ của Liên xô đều sai” của một nhà xã hội học người Mỹ gốc Nga. Tác giả này cho rằng lập luận quen nghe về sự sụp đổ của Liên xô do những nguyên nhân như suy yếu về tổ chức, kinh tế, quốc phòng đều sai. Liên xô lúc đó vẫn là siêu cường. Sụp đổ là vì tình trạng vô đạo đã bắt rễ trong đời sống, đến lúc lòng dân phản ứng mạnh mẽ, tạo sức mạnh gây sụp đổ. “Tình trạng vô đạo ấy là tình trạng phản tự nhiên, nó sinh ra rất nhiều quái gở”. Ông Sơn khẳng định: “Suy nghĩ về đạo là suy nghĩ vấn đề làm sao con người sống không phản tự nhiên. Tôi nghĩ cái đạo mà Nguyễn Huy Thiệp tìm đến, là phản ứng lại sự phản tự nhiên (vô đạo) của đời sống này.
Chu Văn Sơn giải thích, tìm về tự nhiên có nghĩa là phải tìm về “pháp”. Mà chữ “pháp”- giải pháp, chân pháp (chân thực) xét đến cùng trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, chính là đức hiếu sinh. “Nếu chúng ta sống bằng đức hiếu sinh thì sẽ hợp tự nhiên và lập trật tự cho đời sống, đó là trật tự của giá trị chứ không phải trật tự của quyền lực. Đức hiếu sinh xét đến cùng chỉ là yêu và thương”.
Con đường văn học
Con đường văn học, Nhà văn và bốn trùm ma-phi-a, Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn... là tên một số tiểu luận nổi tiếng của Nguyễn Huy Thiệp, đều được in trong Giăng lưới bắt chim. Cùng với một số chân dung văn nghệ.
Đầu những năm 2000, tôi đặt Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Việt Hà viết mục tạp văn cho báo Tiền Phong. Anh Hà (tên thật Trần Quốc Cường) gọi là “chéo tay”, nghĩa là hai anh em thay nhau viết. Bút danh Dương Thị Nhã, giới nhà văn bảo đọc nửa câu đã nhận ra Nguyễn Huy Thiệp. Sau này viết ở một số báo khác ông cũng dùng bút danh ấy.
Những bài báo đó thực sự khiến trang văn nghệ của bản báo sinh sắc, sang trọng hẳn lên, ở thời ấy. Ngoài tạp văn, Nguyễn Huy Thiệp còn in nhiều truyện ngắn trên báo Tiền Phong: Chuyện tình kể trong đêm mưa, Đưa sáo sang sông...Cũng như Bảo Ninh đã in những truyện vào loại hay nhất của anh ở đây: Lá thư từ Quý Sửu, Chuyện kín...
Nhớ lần đặt Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn Tết. Ông gửi Chuyện ông Móng. Tổng biên tập Dương Xuân Nam đọc cười rũ, xong bảo “Hay lắm nhưng đưa số Tết dương lịch thôi chứ Tết Nguyên đán ai lại nói chuyện phân gio thế này”.
Khi con trai - Nguyễn Phan Bách làm triển lãm tranh, Nguyễn Huy Thiệp viết bài trên báo Tiền Phong tít là Con vẽ bố khen hay. Cái tít chỉ có thể của Nguyễn Huy Thiệp.
Những tạp văn in Tiền Phong được Nguyễn Huy Thiệp tập hợp thành sách lần đầu cách nay đã hơn chục năm, cùng với một số bài từng rải in các báo khác. Giờ tái bản lần thứ tư chắc chắn vẫn ăn khách, đọc lại vẫn thấy tươi tắn như ngày nào. Ở lần mới nhất này, ông đưa thêm bài về bạn văn Hoàng Ngọc Hiến và một số chân dung, tiểu luận khác.
Nếu như Chu Văn Sơn nhận xét Nguyễn Huy Thiệp nhiều khi ác khẩu, phũ (trong văn chương, dù “tâm Phật” và “lòng không đang”), thì Nguyễn Huy Thiệp cũng thú nhận, ở nhà có lúc vợ kêu ông ác khẩu, và rồi ông giải thích: “Người viết văn có xu hướng hay nói quá lên”. Khép lại buổi giao lưu, có giá trị hâm nóng chính mình, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng: Nhà văn là cái nghề duy nhất trong xã hội trăn trở, lôi thôi về những điều bé mọn của đời sống, chứ các nghề khác thực tế hơn nhiều. Và trong số họ, có những người lầm lẫn, nói ngọng, nói nhịu... tuy vậy nghề văn vẫn là một nghề đáng quí.