Sinh động, cuốn hút
Chưa đầy 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông, anh thanh niên Hà Nội Vũ Công Chiến vào bộ đội. Huấn luyện ở miền Bắc rồi vào Trường Sơn, chiến đấu ở chiến trường Nam Lào, ở mặt trận B3 Tây Nguyên, Daklak, đánh đến tận cuối tháng 4/1975 giải phóng Tuy Hòa. Anh đã không bỏ phí một ngày nào trong 6 năm quân ngũ, bằng cách kể lại tất cả những gì mình và đồng đội đã trải một cách chân thực nhất có thể, sinh động lạ lùng. Hạnh phúc cho anh, và may mắn cho người đọc.
Là hồi ức nhưng có rất ít trữ tình ngoại đề, ít khoảng lặng trong sách. Các nhân vật cứ ào ào cuốn đi trong những cuộc tác chiến, lập chốt giữ chốt, trinh sát, tiềm nhập, diệt thám báo, đoạt chiến lợi phẩm, ca cóng... Luôn chân luôn tay làm cái gì đó, nói điều gì đó, bộc lộ tính cách, số phận, phơi trần những mảng hiện thực sáng tối của chiến tranh. Cả phía mình lẫn đối phương. “Biết có sống đến mai mà để củ khoai đến sáng”, nên không thể phí hoài.
Trong tiểu thuyết của E.Remarque, có nhân vật lính đi đến đâu cũng tìm được cái ăn, cho mình và đồng đội. Chuyện cơm nước, tăng gia cải thiện, săn bắt hái lượm trong Hồi ức lính thú vị hơn hẳn những câu chuyện cùng đề tài từng nghe và đọc. Hàng trăm nhân vật không ai lẫn vào ai, mà chẳng cần quá dụng công đặc tả.
Có một chương tên là “Vụ đảo ngũ tập thể ở đại đội”. Những câu chuyện về người lính đào ngũ bất đắc dĩ như Trọng, hay cái chết oan của tay tù binh trẻ (phía đối phương), của con chó, hay quân ta bắn nhầm quân mình, hoặc lệnh rút lui không đến được tất cả khiến vài người sa vào tay địch, hay đồng đội làm giả giấy tờ để cứu cuộc đời Hùng “cối” (người yếu lòng đào ngũ phút chốc nhưng sau chiến đấu rất dũng cảm)... khiến người đọc sững sờ về cái giá của
chiến tranh.
Trích chương “Vụ đảo ngũ tập thể ở đại đội”: “Tôi không bao giờ dám nghĩ các anh hèn nhát. Nhưng chúng tôi cũng trách các anh, bởi trận đấu sắp bắt đầu rồi. Các anh nỡ bỏ đi, để lại chúng tôi mỏng manh yếu ớt trên cả trận địa chốt này. Nếu vì thế mà chúng tôi phải hy sinh tất cả, các anh có ân hận, đau lòng không?”.
Nhìn cuốn sách dày cộp in chữ nhỏ, tác giả không tên tuổi, dễ mà ngại. Nhưng bập vào thì không thể dứt ra. Tác giả có lối kể thản nhiên, cả khi mô tả những tình huống khốc liệt nhất, những chi tiết đắt nhất lột tả một tính cách. Tưởng như một thủ pháp nghệ thuật cao cường. Nhưng tác giả giải thích rằng chỉ đơn giản là nhớ thế nào kể thế ấy, không rào đón không chủ đích. Tuy vậy, cách mà anh chọn, anh nhớ, anh kể chi tiết đó, tình huống đó, ngôn ngữ đó, nó là tầm của nhà văn mất rồi.
Tác giả Vũ Công Chiến (áo trắng, giữa) ký tặng sách cho độc giả. Phía sau là đồng đội đến chia vui cùng anh trong buổi ra mắt sách. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Mong có nhiều “Hồi ức lính”
Nhập ngũ năm 1971, mãi 38 năm sau Vũ Công Chiến mới bắt đầu viết “loăng quăng” trên mạng về những kỷ niệm lính của mình. Bà chị và cô em họ đọc được, bảo “Chiến mà cũng đánh nhau cơ à, tưởng ai ấy chứ”. Thế là anh bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc: Nếu người trong cuộc không viết ra thì làm sao mọi người biết họ đã sống chiến đấu như
thế nào.
Hỏi: “Sao anh nhớ chính xác mọi việc đến vậy, tất nhiên có ghi chép nhưng chắc không tỉ mỉ thế”. Anh Chiến đáp: “Tôi có ghi chép nhưng chỉ ý chính. Còn thì không hiểu sao nhớ thế. Nhắm mắt lại tôi vẫn thấy mọi việc như vừa hôm qua. Giờ đã vào hè, trời nóng nhưng tôi vẫn nhớ chẳng hạn cảm giác ngồi ở chốt chờ địch trong mưa lạnh, đầu đội mỗi cái khăn mặt. Trời bắt đầu tối đen lại, những hạt mưa rơi từ nóc xuống rồi chảy vào vai qua sống lưng, ướt dần hai bên áo, chảy đến đâu người nổi gai đến đấy. Tôi không quên điều gì...”.
Một cuốn sách đậm bản sắc lính nhưng nếu chỉ có thế, chưa chắc đã hấp dẫn đến vậy.
Đơn giản mô tả các cuộc chiến đấu nhưng Hồi ức lính cho thấy cả một cuộc chiến tranh. Rộng, sâu hơn nhiều so với cuộc chiến đấu. Và không xuôi chiều như đa số tác phẩm chiến tranh của ta trước giờ.
Giờ viết về chiến tranh mà chỉ toàn những chuyện “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” thì ai đọc. Nhưng Hồi ức lính không phủ định ai cả, không cố làm ra vẻ cấp tiến. Như tác giả tuyên ngôn: Anh không có ý định tổng kết cuộc chiến, ca ngợi hay nói xấu ai, tuyên truyền cho điều gì mà chỉ hồn nhiên có sao viết vậy. Có đồng đội làm chứng cho anh.
Có lẽ sẽ có ý kiến cho rằng Hồi ức lính ra đời lúc này là muộn nhưng không thể sớm hơn. Nếu sớm, phải cắt gọt nhiều. Bởi không thiếu bi kịch, tổn thất, sự thật nghiệt ngã được phơi bày trong sách. Những nhân vật lính không phải đều sáng ngời theo quan niệm “chính diện” một thời, mà phức tạp hơn, người hơn.
Cuốn sách mới ra lò và những kỷ vật chiến trường: sổ ghi chép, tăng võng, bi đông, ảnh chân dung mà gia đình dự định sẽ dùng làm ảnh thờ nếu chàng lính Vũ Công Chiến không về.
“Bộ đội quen chết rồi” như đồng bào dân tộc nói trong Hồi ức lính, và bộ đội cũng quen sống tận khổ. Vẫn biết thế mà đọc thấy thương đời bộ đội, thương ngày tháng cũ, từng có lúc chúng ta đã sống vượt ngưỡng chịu đựng của con người.
Đã có một Nhật ký Đặng Thùy Trâm chấn động, chu du nhiều nơi trên thế giới. Một phần bởi giai thoại “đừng đốt”. Hồi ức lính càng xứng đáng có cuộc chu du dài đến bất cứ đâu, để kể câu chuyện chiến tranh không chút tô hồng hay bôi đen, không chút làm duyên làm dáng, chân thực đến đáy này.
Nó xứng đáng được trưng bày cất giữ trong các quân đoàn sư đoàn, các bảo tàng của quân đội, bảo tàng văn chương. Bởi tính chính xác lịch sử, tính khoa học, và giá trị nhân văn cao cả. Người ta sẽ hiểu hơn về người lính Việt Nam bên “thắng cuộc” với những mạnh yếu hay dở rất người ở thời loạn, gian khó hiểm nguy nhưng “nơi hầm tối là nơi sáng nhất”.
Mong có thật nhiều Hồi ức lính, nhưng đâu dễ. Chiến tranh qua đã mấy chục năm, bao nhiêu nước chảy qua cầu rồi mà sao đốt đuốc giữa ban ngày vẫn khó bói tác phẩm đích thực. Các nhà văn nếu từng cẩn thận kiểm duyệt chính mình thì nay là thời cơ rồi đấy không thể chậm hơn. Hay vốn sống, tài năng có hạn nên đành bó tay? Các nhà điện ảnh cũng vậy, cứ mải hái hoa bắt bướm ở đâu?
Có thể có người chưa thỏa mãn với văn phong không có gì cách tân của Hồi ức lính, nhất là so với hành văn đẹp của Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh). Nhưng đọc Hồi ức lính, tôi nhớ người ta đã nói về văn chương của Alice Munro, Nobel văn học 2013 thế này: “Sự mô tả các tình huống, tâm trạng, diễn biến đi vào chi tiết và chính xác, vì chi tiết nên chính xác, và vì chính xác nên chi tiết. Chính vì vậy bà để mất một số độc giả không quen đọc truyện kiểu ấy, tuy đồng cảm nhưng không thương cảm bi ai, và ngược lại, trở thành nỗi quyến rũ không ngớt đối với nhiều người đọc khác, những người cũng đặt cược vào sự chính xác như bà”.
Hồi ức lính không phải tiểu thuyết mà hoàn toàn phi hư cấu. 700 trang nếu chẻ nhỏ ra, sẽ được vô số truyện ngắn không đụng hàng bất cứ ai. Cả cuốn sách là chất liệu cho bất cứ bộ phim dài tập hấp dẫn nào.