Theo PM, Mỹ sẽ có 66 tàu ngầm các loại vào năm 2030, so với con số dự kiến của Trung Quốc là 76. Nhưng mặc dù hạm đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ sẽ lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Triều Tiên, những con số thuần không nói lên toàn bộ câu chuyện.
Hải quân Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã tích lũy một lượng lớn các tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu đổ bộ, đồng thời chế tạo hai tàu sân bay đầu tiên, tàu sân bay thứ ba đang được đóng.
Năm 1993, Trung Quốc có 47 tàu ngầm, bao gồm một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Hạ (Type-092), chỉ có 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Hán ồn ào, 34 tàu ngầm diesel lớp Romeo từ những năm 1950 và sáu tàu ngầm lớp Minh cũ kỹ. Nói một cách đơn giản, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc khi đó không thực sự hữu ích và chỉ là lực lượng phòng thủ bờ biển.
Giờ đây, sau 27 năm chi tiêu quốc phòng tăng với tốc độ hai con số, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc hoàn toàn là “một con quái vật”.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, đến năm 2019, PLAN có 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng điện- diesel. Tất cả bốn tàu ngầm tên lửa đạn đạo và sáu tàu ngầm tấn công hạt nhân đều là loại mới, trong khi 42 trong số 50 tàu ngầm điện diesel cũng là loại mới — bao gồm các lớp Type 39A, lớp Kilo của Nga và tàu ngầm lớp Nguyên.
PLAN, theo tin của Naval News, vẫn chưa ngừng mở rộng. Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ dự kiến hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc sẽ tăng lên 76 chiếc vào năm 2030. Con số này bao gồm việc tăng thực tế 16 tàu, cộng với việc thay thế khoảng tám tàu ngầm lớp Minh còn lại. Họ cũng có thể thay thế một trong hai tàu ngầm tấn công diesel lớp Kilo mua từ Nga vào cuối những năm 1990.
Hai trong số các tàu ngầm sẽ được trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa: Báo cáo Quân sự Trung Quốc năm 2020 của Lầu Năm Góc cho biết một cặp tàu ngầm lớp Tấn (Type 094) đang trong quá trình lắp ráp, đưa lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc lên sáu tàu ngầm.
Hạm đội tàu ngầm của Mỹ sẽ hoạt động khá ổn định trong giai đoạn 2020-2030, giảm nhẹ từ 68 chiếc các loại xuống còn 66 chiếc.
Hải quân Mỹ có ít lớp tàu ngầm hơn, bao gồm các tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles cải tiến được đóng từ những năm 1980 và 1990, bộ ba tàu ngầm tấn công lớp Seawolf, 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio và lớp Virginia mới hơn. Tất cả tàu ngầm của Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề. Mặt khác, phần lớn hạm đội khá hiện đại và mới. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn sử dụng các tàu ngầm điện diesel có tầm hoạt động hạn chế và tàu ngầm của Trung Quốc không êm như tàu ngầm của Mỹ. Chỉ có 6 trong số 56 tàu ngầm tấn công của Trung Quốc có thể đi qua Thái Bình Dương để đe dọa các căn cứ hải quân ở Hawaii hoặc lục địa Mỹ. Tất cả các tàu ngầm của Mỹ đều có thể vượt Thái Bình Dương để hoạt động ngoài khơi lục địa Châu Á.
Một vấn đề khác? Trung Quốc có ít đồng minh thực sự có các hạm đội tàu ngầm, ngoại trừ Pakistan với 5 tàu ngầm già cỗi.
Hải quân Mỹ đang giảm nhẹ về số lượng tổng thể, nhưng mọi thứ trở nên tốt hơn sau khung thời gian năm 2030. Kế hoạch đóng tàu mới kéo dài 30 năm của Hải quân Mỹ cho thấy lực lượng này sẽ tăng số lượng tàu ngầm được đóng từ 2 chiếc/năm lên 3 chiếc/năm vào năm 2025.
Số lượng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân đạt mức đáy 50 chiếc vào năm 2025, nhưng dần dần phục hồi, đạt 61 chiếc vào năm 2035 và 80 chiếc vào năm 2051. Tổng số tàu ngầm của Mỹ sẽ lên tới 93 chiếc vào năm 2051 ... nếu Hải quân Mỹ được cấp đủ kinh phí mua chúng.
Trong khi đó, 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio được thay thế bằng 12 tàu ngầm lớp Columbia mới và 4 tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa hành trình hoàn toàn biến mất khỏi lực lượng. Nhưng có những gợi ý rằng chúng có thể được thay thế bằng những tàu mới dựa trên thiết kế của tàu ngầm Columbia.
Hải quân Mỹ có một lợi thế vô hình khác so với Trung Quốc: hạm đội tàu ngầm của các đồng minh. Nhật Bản có 22 tàu ngầm tấn công điện diesel, với 12 chiếc thuộc lớp Soryu xuất sắc, trong khi Hàn Quốc vận hành 18 tàu ngầm tấn công điện diesel nhỏ hơn. Đài Loan chỉ vận hành hai tàu ngầm cũ, nhưng đang bắt tay vào nỗ lực đóng mới tám tàu ngầm mới.