Hải quan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) giảm bớt rủi ro trong quá trình thực hiện các thủ tục hải quan, ngành hải quan đã triển khai chương trình hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Sau một năm thí điểm, số lượng DN tự nguyện tuân thủ đã tăng vọt, vượt ngoài mong đợi.
Hải quan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật ảnh 1
Hải quan TP.HCM triển khai chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan do Tổng cục khởi xướng ra đời vào tháng 7/2022. Mục đích của chương trình là tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí cho DN thông qua việc nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật của DN, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời hỗ trợ DN hạn chế, khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hải quan, chủ động có biện pháp phòng, tránh vi phạm pháp luật hải quan.

Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm, chương trình đã nhận được nhiều kết quả vượt ngoài mong đợi. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 31/8, toàn ngành đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ, đồng thời xây dựng Kế hoạch hành động tự nguyện tuân thủ đối với 213 DN. Kết quả có 72 DN được nâng mức độ tuân thủ từ mức 3 (trung bình) và mức 4 (thấp) sang mức 2 (cao), mức 3 (trung bình) và 20 DN duy trì mức độ tuân thủ cao.

Ngành hải quan cũng thực hiện hỗ trợ 153 vướng mắc của DN thành viên và giải quyết 100% các đề nghị hỗ trợ. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng DN khi các DN tham gia đều ghi nhận các lợi ích thiết thực từ chương trình như giảm tỷ lệ kiểm tra, thủ tục hải quan thuận lợi hơn, DN chủ động phòng tránh các vi phạm trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, việc tham gia chương trình còn đưa quan hệ giữa cơ quan hải quan và DN trở thành đối tác tin cậy, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng DN xuất nhập khẩu. Không ít DN cũng được cơ quan hải quan cử công chức có trình độ ưu tiên giải quyết hồ sơ, thủ tục tại cửa khẩu trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, các DN còn được ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm tra bằng máy soi khi đề nghị hỗ trợ, và giảm chi phí đối với việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

Hải quan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật ảnh 2
Sau 1 năm triển khai, mức độ tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan của DN chuyển biến tích cực

Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay chương trình trong giai đoạn 2 và đã có 85 DN đăng ký tham gia (tăng 40 % so với kế hoạch). Trong đó, thành phần thành viên thuộc đa đạng của các loại hình kinh doanh như chế xuất, gia công sản xuất xuất khẩu, đại lý làm thủ tục hải quan, thương mại,…

Là đơn vị đầu mối thực hiện chương trình, lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro – Tổng cục Hải quan cho biết, để thúc đẩy chương trình lan tỏa hơn nữa, đơn vị đã chủ động đề xuất Tổng cục Hải quan tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia chương phân công, đồng thời đề nghị bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vướng mắc của DN thành viên.

Các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của DN về tuân thủ và tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan để DN nắm rõ hơn về lợi ích khi tham gia chương trình qua đó chủ động hơn trong việc hợp tác với cơ quan Hải quan.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.