Thủy thủ Lữ đoàn tàu ngầm 189 đưa chai nước biển được lấy từ độ sâu 285m lên bàn thờ Tổ quốc trong dịp đón xuân Tân Sửu 2021
Một ngày cuối năm, những hồi còi tàu ngân vang trên quân cảng chào đón những thủy thủ tàu ngầm trở về đất liền. Quân cảng Cam Ranh rộn rã cờ hoa, cảnh vật dường như cũng khoe sắc lung linh. Thường trực trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió là những nụ cười rạng rỡ cùng giọt mồ hôi mang vị mặn mòi của biển lăn dài trên má…
Kết thúc một năm với nhiều chuyến đi biển thực hiện nhiệm vụ, những thủy thủ tàu ngầm đã góp phần giữ bình yên vùng biển, đảo rộng lớn của Tổ quốc và tạo sự vững tin cho ngư dân Việt trong mỗi chuyến ra khơi. Nhiều khu vực trong lòng biển Đông với nhiều độ sâu khác nhau, từ 100, 200, 250 rồi 285m đã được tàu ngầm của ta chinh phục. Mỗi con tàu là một ngôi nhà lớn kết nối vòng tay yêu thương của cán bộ, thủy thủ đến từ các vùng miền khác nhau.
Chai nước biển trên bàn thờ Tổ quốc
Tạm gác lại những bận rộn, vất vả trong năm nhưng cũng rất tự hào về thành tích đã đạt được trong huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ, những người lính tàu ngầm bắt tay vào làm công tác chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc. Tuy không ồn ào và náo nhiệt như những thành phố lớn, nhưng không khí Tết của lính tàu ngầm trên bán đảo Cam Ranh đầy nắng và gió đủ để làm cho mỗi người con xa quê đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió thêm ấm lòng. Doanh trại được trang hoàng hơn, khuôn viên Lữ đoàn cũng lộng lẫy sắc xuân hơn…
Thiếu tá Đào Văn Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 189 chia sẻ, Tết của lính tàu ngầm có sự hội tụ văn hóa trên mọi miền đất nước, với những chiếc bánh Tét và cánh mai vàng rực rỡ của phương Nam hay những chiếc bánh chưng và sắc đào đỏ thắm của miền Bắc cùng những câu chuyên được kể cho nhau nghe bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng, bánh tét.
“Trên bàn thờ Tổ quốc, bên cạnh ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lính tàu ngầm còn đặt thêm chai nước biển lấy từ độ sâu lớn nhất mà tàu ngầm đã chinh phục được trong năm như muốn báo công với Bác và Đại tướng về thành quả mà thủy thủ chúng tôi đạt được trong một năm qua”, thiếu tá Đào Văn Thắng nói.
Thượng tá Nguyễn Văn Quán, Chính ủy Lữ đoàn 189 cho biết, vì nhiệm vụ, phần lớn anh em đều đón Tết xa gia đình, nên Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã làm tốt công tác chuẩn bị vui xuân cho bộ đội. Ngoài bảo đảm tốt đời sống, các cấp ủy, chỉ huy còn làm tốt công tác giáo dục chính trị, xây dựng bản lĩnh và tinh thần cho bộ đội, khơi dậy ý thức tự giác, tinh thần vì nhiệm vụ, niềm tự hào được phục vụ trong lực lượng tàu ngầm. Nhờ vậy, trong những ngày Tết, bộ đội đều có tư tưởng tốt, nhiệt tình, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, nhất là tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn mọi mặt cho đơn vị.
Dù đêm giao thừa của thủy thủ tàu ngầm thiếu vắng không khí gia đình, song bù lại, họ có tình đồng đội, đồng chí luôn kề vai sát cánh bên nhau. Và cái cách mà họ đón năm mới cũng hết sức đặc biệt. Trong thời khắc giao thừa tiễn năm cũ và chào đón năm mới, họ quây quần bên nhau để cùng nhìn lại những thành quả của năm cũ và đề ra kế hoạch cho năm mới, cùng đọc thơ, bình báo tường, hái hoa dân chủ, nghe Chủ tịch nước chúc Tết qua tivi, trao phong bao lì xì và ca hát cho nhau nghe…
Hai ly “lặn, nổi bằng nhau”
Xuân này, thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Anh Tuấn, Điện trưởng của Tàu ngầm 186 - Đà Nẵng đón cái Tết thứ 6 liên tiếp ở đơn vị. Anh nói: “Gia đình tôi ở tỉnh Hà Nam. Đón Tết xa nhà, rất nhớ vợ và các con nhưng ở đây tôi có tình cảm, có hơi ấm đồng đội cùng sự quan tâm, động viên của chỉ huy nên phần nào vơi đi nỗi nhớ hậu phương”.
Cùng chung cảm xúc với thiếu tá Tuấn, thượng úy Võ Chí Luận, sỹ quan Thông tin, cho biết anh mới lập gia đình ở Vĩnh Long và đây là năm đầu tiên đón Tết xa vợ mới cưới nên cũng có đôi chút xao xuyến. Chàng sỹ quan trẻ bộc bạch: "Tết đến xuân về, ai cũng muốn đoàn tụ bên gia đình, người thân. Nhưng người lính chúng tôi, ngoài gia đình, còn có đồng chí, đồng đội và đặc biệt hơn, chúng tôi có vinh dự là sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bình yên cho nhân dân vui xuân, đón Tết. Qua Báo Tiền Phong, cho tôi nhắn gửi đến gia đình, nhất là người vợ thân yêu, hãy là hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi thêm vững ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc".
Nhớ lại những lần đón xuân trước, thiếu tá Hà Văn Tý, Chính trị viên Tàu ngầm 183 - TPHCM chia sẻ, thời khắc giao thừa, các tàu ngầm sẽ đồng loạt kéo còi đón chào năm mới, từng hồi còi ngân vang hòa với đất trời đang chuyển mình vào xuân, tạo nên một bản nhạc rất riêng của thủy thủ tàu ngầm. Lúc này, kíp trực dưới tàu sẽ đón thủ trưởng Lữ đoàn xuống tàu chúc tết.
“Do đặc thù của tàu ngầm là kíp trực làm nhiệm vụ trong từng khoang riêng biệt, không thể tập trung hết về khoang trung tâm nên chúng tôi được thủ trưởng chúc tết qua hệ thống thông thoại toàn tàu. Sau đó, cánh thủy thủ sẽ chúc nhau bằng đặc sản của lính tàu ngầm theo cách rất riêng là nâng những ly nước biển lấy từ độ sâu lớn nhất mà tàu ngầm đã chinh phục trong năm. Theo thông lệ của thủy thủ tàu ngầm, mỗi người sẽ uống hai ly với quan niệm "lính tàu ngầm lặn, nổi bằng nhau" để chúc cho nhau mọi điều tốt lành trong năm mới", thiếu tá Hà Văn Tý kể.
Đã thành thông lệ, vào sáng mùng 1 Tết, các tàu ngầm sẽ tiến hành chào cờ đầu xuân. Trong thanh âm Quốc ca hào hùng “Đoàn quân Việt Nam đi…” và 10 lời thề danh dự đanh thép, lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh, hiên ngang tung bay trên tháp chỉ huy tàu khiến cho những thủy thủ tàu ngầm thêm tự hào, rạo rực. Sau lễ chào cờ, các tàu trong Lữ đoàn sẽ đồng loạt nổ máy đầu xuân rộn rã, như một thông điệp cho một năm mới với nhiều chiến công mới…
Vui xuân, không quên rèn thể lực
Do thực hiện nhiệm vụ trong môi trường đặc biệt nên ngoài ý chí, tinh thần thép thì sức khỏe của thủy thủ tàu ngầm được xem là tài sản quốc gia. Bởi cường độ, khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu đòi hỏi trong thao tác vận hành vũ khí, trang bị phải tuyệt đối chính xác cũng như luôn sẵn sàng xuất kích ngay khi có lệnh. Vì vậy, rèn luyện thể lực là tiêu chuẩn bắt buộc và theo cách rất riêng của thủy thủ tàu ngầm. Trong năm, việc rèn thể lực chỉ được ngừng từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 3 Tết. Vào 5 giờ sáng hàng ngày, sau hồi kèn báo thức, thủy thủ tàu ngầm lại nhanh chóng cơ động ra tập thể dục sáng, những tiếng hô "mốt hai, mốt hai" đầy hào sảng như muốn xé toang không gian tĩnh mịch. Sau màn khởi động, các thủy thủ chia ra để tập xà, chạy 3.000m, bơi 1.000m…