“Không được lùi bước”
Thiếu tá Phương cho biết, anh sinh ra ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong một gia đình có bố là sĩ quan tốt nghiệp Học viện Hải quân Baku, mẹ là giáo viên dạy văn. Ước mơ được nối nghiệp bố đã thôi thúc và trở thành động lực giúp Trần Văn Phương thi đỗ Học viện Hải quân vào năm 2004. Niềm vui vào đại học chưa được bao lâu thì Phương nhận tin bố qua đời do mắc trọng bệnh, trong khi mẹ anh vì đau buồn nên sức khỏe ngày càng giảm sút.
“Để vượt lên với chính mình, tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng hết sức để học tập, rèn luyện. Tháng 12/2009, tôi tốt nghiệp với quân hàm trung úy và được điều về công tác tại Vùng 3 Hải quân. Tại đây, trên cương vị là Phó Thuyền trưởng tàu tên lửa, Lữ đoàn 172, tôi luôn tự ý thức phải nêu cao trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao”, anh nói.
Tháng 10/2010, trước yêu cầu chuẩn bị cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển lực lượng tàu ngầm cấp chiến dịch của Hải quân nhân dân Việt Nam, anh được lựa chọn đi đào tạo chuyên ngành Hàng hải tàu ngầm tại Liên bang Nga. Quyết tâm thực hiện bằng được mong muốn của bố khi còn sống, Phương tự hứa với mình: “Không được lùi bước”. Tháng 6/2012, anh hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo bên Nga với kết quả loại giỏi.
Về nước được ít ngày, Trần Văn Phương tiếp tục nhận lãnh vinh dự lớn và cũng là thủ thách mới khi được tuyển chọn vào Kíp tàu ngầm số 3 thuộc Lữ đoàn 189. Thêm hai năm trở lại xứ sở bạch dương với nhiệm vụ mới không kém phần nặng nề, vất vả, anh tiếp tục kết thúc khóa huấn luyện chuyển giao với kết quả tốt, đủ khả năng độc lập khai thác trang bị, được các chuyên gia Nga đánh giá cao.
Chính phục biển cả
Nói về những ngày học tập miệt mài ở nước Nga lạnh giá, thượng úy Phương chia sẻ ngoài việc tự rèn luyện sức khỏe thì còn phải tiếp thu lượng lớn kiến thức về chuyên ngành tàu ngầm: “Trong giờ học chính khóa, tôi tập trung những nội dung cốt lõi và đánh dấu lại những vấn đề chưa hiểu. Giờ tự học, tôi tích cực nghiên cứu tài liệu tiếng Nga, trao đổi với các đồng chí trong kíp tàu cũng như các giảng viên Nga để tìm hiểu. Vì vậy, các vấn đề nảy sinh trong học tập chuyên ngành đã được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả”.
Khi huấn luyện trực tiếp trên tàu ngầm cùng chuyên gia Nga, với tinh thần cầu thị, anh luôn chủ động học hỏi để nắm chắc các trang thiết bị trên tàu cũng như quy trình khai thác sử dụng, tổ chức thực hiện các bảng bố trí chiến đấu và các nội dung đấu tranh bảo vệ sức sống tàu. Qua từng chuyến đi biển, những hạn chế được chuyên gia chỉ ra, anh đều nghiêm túc rút kinh nghiệm và tìm ra biện pháp khắc phục.
Anh chia sẻ: Tàu ngầm là hoạt động có tính chất đặc thù và chuyên sâu, môi trường và điều kiện hoạt động khắc nghiệt, đòi hỏi mỗi thủy thủ phải có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Không gian hoạt động dưới tàu ngầm chật hẹp, chỉ đảm bảo cho thủy thủ tàu thao tác vận hành vũ khí, trang bị kỹ thuật tại vị trí chiến đấu. Vì vậy thủy thủ tàu ngầm còn phải có sức chịu đựng, tâm lý vững vàng và chấp hành nghiêm kỷ luật.
“Để bảo đảm tài liệu phục vụ huấn luyện, bản thân tôi đã trực tiếp biên soạn 2 tài liệu và tham gia hiệu chỉnh 10 đầu tài liệu tiếng Nga (trên 900 trang) về chuyên ngành tàu ngầm. Tôi cũng triển khai thực hiện nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Các tài liệu và sáng kiến đều được thẩm định, đánh giá cao và ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn khai thác và hoạt động của tàu ngầm, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tiết kiệm nguồn kinh phí lớn cho nhà nước và quân đội”, thiếu tá Trần Văn Phương nói.
Với những nỗ lực của bản thân, thiếu tá Trần Văn Phương và đồng đội đã xây dựng Tàu ngầm 184 - Hải Phòng trở thành đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua Quyết thắng của Lữ đoàn 189. Cá nhân anh 4 năm liên tục (2015-2018) được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” và “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Năm 2018, anh là “Chiến sĩ thi đua toàn quân”, là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu của Quân chủng Hải quân và được thăng quân hàm thiếu tá trước niên hạn.