Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, về bản chất việc công bố thông tin dự án thế chấp ngân hàng không đúng vì liên quan đến thông tin của doanh nghiệp.
Tại TPHCM vừa qua công bố các dự án thế chấp ngân hàng gây hoang mang, hiểu nhầm cho nhiều dự án. Hiện, con số dự án ở Hà Nội thế chấp có đăng ký thông tin giao dịch đảm bảo tại Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội) không nhiều.
“Nếu bên trên có ý kiến chỉ đạo chúng tôi sẽ công khai danh sách vào ngày 1/8. Việc công bố hay không công bố dự án thế chấp ngân hàng cũng không ảnh hưởng đến việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, đó chỉ là thông tin để người mua nhà tham khảo để quyết định mua hay không mua”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa trấn an: “Đối với người mua nhà, chúng tôi vẫn khuyến cáo nên tìm hiểu đối với các dự án, các nhà đầu tư thông qua các cơ quan chuyên môn trước khi quyết định mua. Như khách hàng muốn mua dự án nào có thể liên hệ với Sở Tài nguyên & Môi trường để hỏi. Đây là quyền của người dân và Sở Tài nguyên & Môi trường sẵn sàng trao đổi và cung cấp thông tin về các dự án này”.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, theo quy định, một dự án muốn được phép bán hàng phải nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng. Một trong những điều kiện được Sở thông qua là chủ đầu tư phải cam kết không thế chấp ngân hàng và phải chịu trách nhiệm trước bản cam kết đó. Trường hợp chủ đầu tư thế chấp phải có ngân hàng đứng ra cam kết thay cho chủ đầu tư. Thậm chí khi chủ đầu tư bán hàng phải có cam kết của 3 bên (người mua nhà, ngân hàng, chủ đầu tư).
“Sở Xây dựng không kiểm soát hết được việc chủ đầu tư cam kết như vậy có làm khác đi không. Theo tôi, cần phải công bố nhiều thông tin hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài thông tin dự án có thế chấp, người dân cũng cần biết chủ đầu tư vay tiền để làm gì, dòng tiền đổ vào dự án hay đem đi làm việc khác, dự án đủ điều kiện để bán ra thị trường hay chưa”, ông Dũng cho hay.
Thời gian vừa qua, có nhiều thông tin liên quan đến dự án thế chấp ngân hàng nhưng phải phân định rõ, chủ đầu tư thế chấp phần nào. “Nếu chủ đầu tư thế chấp phần văn phòng trong toà nhà hoặc phần sở hữu riêng của chủ đầu tư sẽ không ảnh hưởng đến việc làm sổ đỏ cho căn hộ.
Khách hàng không nên hoang mang khi biết thông tin dự án mình mua bị thế chấp mà phải tìm hiểu rõ từ cơ quan chức năng”, ông Trần Anh Dũng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, nhiều dự án không được cấp sổ đỏ vì chủ đầu tư chưa giải chấp xong. Hiện, Sở Tài nguyên & Môi trường đang phối hợp đoàn thanh tra liên ngành thanh tra dự án nhà ở trên địa bàn Hà Nội.
TPHCM: Họp báo sau khi công khai các dự án BĐS thế chấp ngân hàng
Chiều 29/7, ông Phạm Ngọc Liên – Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì buổi họp báo liên quan đến việc công bố danh sách 77 dự án BĐS đang thế chấp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM.
Trả lời Tiền Phong về việc sau khi thông tin được công bố, một số chủ đầu tư trong danh sách yêu cầu phải cung cấp đầy đủ thông tin về mục đích vay trong hợp đồng thế chấp để khách hàng hiểu đúng bản chất, ông Liên cho rằng, những chi tiết này không thể hiện trong nhiều hợp đồng thế chấp mà Sở TNMT có được. Do đó, Sở TNMT sẽ kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TPHCM để cơ quan này yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện.
Cũng theo ông Liên, việc công bố danh sách 77 dự án đang thế chấp cũng nhận được sự đồng thuận từ người dân. Nhiều người vào sinh sống một thời gian dài trong căn hộ của mình nhưng vẫn không được cấp giấy chủ quyền. Qua danh sách này, họ biết được dự án mình ở đang trong tình trạng pháp lý như thế nào.
Đình Du