Hà Nội: Nếu kéo dài giãn cách xã hội gây nhiều hệ lụy, tác động tới kinh tế xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội: Nếu kéo dài giãn cách xã hội gây nhiều hệ lụy, tác động tới kinh tế xã hội
TPO - UBND thành phố nhận định tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến rất phức tạp, khó lường; còn phát sinh nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới; trong khi đó nếu kéo dài giãn cách xã hội gây nhiều hệ luỵ, tác động tới nền kinh tế, xã hội.

Dập tắt các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2021.

UBND thành phố nhận định tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến rất phức tạp, khó lường; còn phát sinh nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới; trong khi đó nếu kéo dài giãn cách xã hội gây nhiều hệ luỵ, tác động tới nền kinh tế, xã hội.

"Thành phố đã rất cố gắng, nỗ lực ngày/đêm không nghỉ phòng, chống dịch bệnh, song thực tế vẫn còn xảy ra hiện tượng buông lỏng quản lý, bỏ trông chốt kiểm dịch tại một số địa bàn hoặc có lực lượng chức năng nhưng không kiểm soát; sở chỉ huy tiền phương vắng lực lượng chức năng chốt trực; số lượng người dân ra đường vẫn rất lớn; vẫn còn xảy ra tình trạng người dân tập thể dục nơi công cộng" - văn bản của thành phố Hà Nội nêu.

UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, trực tiếp là các thủ trưởng, tư lệnh ngành coi công tác chủ động tấn công, đập dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu hiện nay; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm “khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh”; đồng thời, tập trung phát triển KT-XH, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình dịch bệnh và trong thời giãn cách thành phố.

Thành phố yêu cầu khẩn trương tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường tại thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch COVID-19, các chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, nhằm dập tắt nhanh nhất các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn thành phố.

Các quận, huyện, thị ủy, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải thường xuyên chủ trì họp giao ban đánh giá những việc đã làm được/chưa làm được của đơn vị; nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố và tại các đơn vị.

Thành phố cũng nêu rõ các vụ việc đã được báo chí phản ánh như tập trung đông người dự đám tang tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng; công chức văn phòng-thống kê, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình nhận tiền làm dịch vụ tiêm vắc xin - đã bị buộc thôi việc; thiếu sót, hạn chế trong việc tổ chức, kiện toàn, hoạt động của các Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch và trong công tác phòng, chống dịch tại từng xã, phường, thị trấn (như việc chưa có Bí thư Đảng ủy; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch chưa có Quy chế làm việc, tổ chức ứng trực chưa thật sự đúng quy định... tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.

Thành phố yêu cầu kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, tăng cường kiểm soát các chốt ra vào thành phố, kể cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường mòn, lối mở, kiểm tra kỹ tất cả các loại phương tiện, không có ngoại lệ; tăng cường kiểm soát các chốt nội bộ trong thành phố tại các quận huyện; kiểm soát việc đi lại của người dân trong các khu vực, nhất là khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung, nơi có nguy cơ cao, không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”; quán triệt quan điểm lấy nhân dân làm trung tâm, làm chủ thể trong phòng, chống dịch và đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch.

Hà Nội: Nếu kéo dài giãn cách xã hội gây nhiều hệ lụy, tác động tới kinh tế xã hội ảnh 2

Siết chặt hơn, áp biện pháp cao hơn với khu vực nguy cơ cao

Sở Y tế Hà Nội được giao chủ trì cùng các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tham mưu Ban Chỉ đạo thành phố phương án, kịch bản phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn thành phố theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”.

Đối với khu vực “vùng xanh”, giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Thành phố yêu cầu tiếp tục xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch trên toàn thành phố, nâng cao năng lực xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “nhóm đỏ” (tần suất 2-3 ngày/lần); tại các khu vực có nguy cơ cao “nhóm da cam” (tần suất 5-7 ngày/lần); song song với việc ưu tiên xét nghiệm theo hộ gia đình tại các “nhóm xanh” cũng cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ và dần mở rộng “nhóm xanh”.

Trên cơ sở phương án được phê duyệt, tham mưu, thành phố yêu cầu các cấp, các ngành từ thành phố đến UBND quận, huyện, thị xã xây dựng ngay kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể tại địa phương, nhất là tại các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh,... để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động, không để lúng túng, bị động; đồng thời có phương án tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa, an sinh xã hội, sinh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng vùng; tập trung tổ chức cách ly, phong tỏa triệt để “vùng đỏ” bảo đảm chặt chẽ từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo.

Kiểm soát chặt Giấy đi đường

Công an thành phố được giao nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 và thời gian giãn cách xã hội, đồng thời phân luồng, tổ chức tốt giao thông, không để tập trung đông người tại các chất kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp giả mạo giấy đi đường; phối hợp với Sở Giao thông vận tải siết chặt kiểm soát tại 23 chốt ra vào thành phố, bao gồm xe công vụ, xe cứu thương, xe “luồng xanh”; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng xe ưu tiên để đưa người vào thành phố không đúng quy định.

Hà Nội: Nếu kéo dài giãn cách xã hội gây nhiều hệ lụy, tác động tới kinh tế xã hội ảnh 3

Ngoài ra, thực hiện việc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn thành phố (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, dịch vụ công ích thiết yếu, công vụ, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân...). Tổ chức quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 23 chốt kiểm soát ra vào thành phố và các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu thì ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các quận, huyện, thị xã phải tổ chức giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”; tổ chức xét nghiệm thần tốc, rút ngắn chu kỳ xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm phát hiện sớm, cách ly nhanh nhất F0 và kịp thời thu dung, phân loại, tổ chức quản lý, điều trị tích cực, phù hợp; bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, hạn chế diễn biến nặng và tử vong; tăng cường các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, nhất là ở địa bàn thực hiện phong tỏa cách ly. Bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, nhất là ở nơi phong tỏa, cách ly; phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở là lực lượng gần dân nhất, hiểu dân nhất, nhất là lực lượng công an phường, xã, cảnh sát khu vực, Tổ COVID-19 cộng đồng.

Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải là người đi sâu đi sát cơ sở, các tổ dân phố, khu dân cư; siết chặt công tác quản lý, giám sát di biến động của người dân (nhất là người dân của xã, thị trấn đi về từ các khu vực có nguy cơ cao, giao thương buôn bán tại các chợ, các khu vực đang có dịch; công nhân, lao động,người làm việc tại các khu công nghiệp, làng nghề, khu giết mổ gia cầm...; người của các địa phương khác đến lao động, làm việc, cư trú trên địa bàn xã, thị trấn) để kịp thời ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài vào “vùng xanh” trên địa bàn.

Thành phố yêu cầu quyết liệt triển khai các giải pháp hạn chế người dân ra đường, nhất là khu vực phong tỏa, nơi có nguy cơ cao, chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”; học tập, nhân rộng các mô hình đang được tổ chức thực hiện hiệu quả tại các địa phương; trọng tâm là siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; kiểm soát người dân đi lại bằng cách kiểm tra tính hợp lý của giấy đi đường (kèm theo lịch trực của cơ quan, tổ chức); xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phòng, chống dịch COVID-19, việc cấp và sử dụng giấy đi đường...

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn, xem xét phê duyệt phương án hoạt động cho các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp trực thuộc sản xuất an toàn theo nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, trong đó phải cam kết toàn bộ công nhân phải được tiêm vắc xin và xét nghiệm nhanh COVID-19 âm tính. Đẩy mạnh triển khai các “Gian hàng 0 đồng” hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người lao động tạm hoãn, mất việc làm khi giãn cách xã hội.

MỚI - NÓNG