Hà Nội nắng nóng: Người già, trẻ em nhập viện tăng đột biến

Người nhà bệnh nhân tránh nắng tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Diệu Linh
Người nhà bệnh nhân tránh nắng tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Diệu Linh
Chỉ sau 2 ngày miền Bắc, trong đó có Hà Nội nắng nóng như thiêu đốt, trẻ em, người già nhập viện đã tăng đột biến tại các bệnh viện tuyến trung ương.

Bệnh viện quá tải

Ngày 14/6, bác sĩ Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư thông tin, mấy ngày nay, số lượng trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư gia tăng, mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 2.500-3.000 bệnh nhi đến khám.

Nhiều gia đình không đưa người bệnh đi khám ở tuyến tỉnh mà cho lên thẳng Hà Nội để yên tâm hơn. Do vậy, bệnh viện luôn rơi vào tình trạng quá tải, căng thẳng.

Đa số trẻ đều mắc các triệu chứng ho kéo dài, sốt cao, nôn trớ tiêu chảy. Nhiều trẻ đã ốm bệnh kéo dài nhiều ngày mới được các bố mẹ đưa đến khám.

Bác sĩ Điển khuyến cáo, các ngày nắng nóng trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, tiêu chảy, ngoài ra còn gia tăng các bệnh do virus như viêm não, tay chân miệng…

Bác sĩ Điển cũng cho biết, khi con có triệu chứng sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy, ho thì cha mẹ nên đưa con đi khám ngay. Còn nếu chưa kịp đưa trẻ đi viện thì cần dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo khuyến cáo ghi trên vỏ thuốc. Nếu trẻ tiêu chảy cũng cần bù nước bằng nước Oresol, tránh để trẻ mất nước, kiệt sức hoặc sốt cao kéo dài rất nguy hiểm.

“Không nên đưa trẻ con ra vào phòng điều hoà nhiều lần. Vì cứ mỗi lần ra vào, sự chênh lệch nhiệt độ khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt (nóng quá) hoặc viêm phổi (lạnh quá), rất nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ” – bác sĩ Điển lưu ý.

Tại Bệnh viện Lão khoa, bác sĩ Trần Viết Lực - Phó Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, lượng bệnh nhân của bệnh viện tăng khoảng 10-20% so với thời gian trước (400-500 bệnh nhân/ngày).

Gia tăng ngộ độc thức ăn

Bác sĩ Ngô Minh Nguyệt – Trưởng khoa Da liễu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, trời nóng khiến người dân đến khám với các triệu chứng ngứa ngáy, mẩn đỏ, sẩn mề đay gia tăng, chiếm 10-20% số ca bệnh đến khám hàng ngày.

Nguyên nhân do trời nắng nóng làm giãn mạch, các tế bào cũng hô hấp nhiều hơn, da tiết mồ hôi nhiều, cùng với bụi bặm, nắng gắt càng da tăng các phản ứng dị ứng. Thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng các độc tố trong thức ăn, do đó người bị dị ứng bởi thức ăn cũng tăng.

TS-BS Vũ Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Đợt nắng nóng gay gắt này khiến người cao tuổi chưa thể thích nghi được. Người già và trẻ em là hai đối tượng chính của nhiều loại bệnh trong thời điểm giao mùa. Vì thế những người ở lứa tuổi này cần giữ gìn và nâng cao đề kháng cho cơ thể bằng các biện pháp tăng hàm lượng dinh dưỡng trong các bữa ăn lên”.

“Người dân nên tăng cường vệ sinh thân thể, mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi; vệ sinh môi trường sống, tăng cường ăn uống các đồ mát, nước chanh, nước cam, đồ ăn mềm có chất dinh dưỡng cao, nghỉ ngơi đầy đủ, đồng thời tập thể dục để cơ thể bài tiết mồ hôi, giải độc tố” – bác sĩ Nguyệt cho biết.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị các cơ sở y tế cung cấp kiến thức cho người lao động và chủ lao động trên địa bàn hiểu và biết phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người như say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức, gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ, gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, sốt cao co giật…

Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, những người lao động làm việc ngoài trời như công nhân, nông dân, lao động tự do cần phải đề phòng sốc nhiệt trong trời nắng nóng.

Theo Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG