Hà Nội lại ngừng đăng ký xe máy?

Hà Nội lại ngừng đăng ký xe máy?
TP - Cuộc họp “nóng” cuối tuần qua của lãnh đạo TP Hà Nội tập trung chủ yếu vào việc tìm những giải pháp để kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Đại diện của CA Hà Nội đề xuất: Hà Nội sẽ phải tạm ngừng đăng ký xe máy trong ít nhất 2-3 năm tới.

>> Giao thông chen lấn kiểu 'hạt vừng cài hạt lạc'

Hà Nội lại ngừng đăng ký xe máy? ảnh 1
Lệnh cấm đăng ký xe máy của Hà Nội sau 2 năm thực hiện (2004-2006) đã phá sản vì trái luật, nay lại đề nghị cấm thì quả là lạ lùng

Chống ùn tắc bằng việc… tạm dừng đăng ký xe máy!?

Gần 2 triệu xe máy, xấp xỉ 200.000 ô tô “đè” 530 km đường nội thành, đó là chưa kể hàng vạn xe máy, ô tô ngoại tỉnh. Có giỏi mấy cũng khó có thể xoay chuyển tình hình ùn tắc giao thông.

Trong 8 tháng qua, Hà Nội có thêm 15.000 ô tô, 130.000 xe máy. 71 điểm ùn tắc năm 2007 dường như chỉ là điểm khởi đầu cho một bức tranh giao thông Thủ đô không mấy sáng sủa trong thời gian tới.

Vì lẽ đó, tại cuộc họp đại diện của CA Hà Nội đã đề xuất: Hà Nội sẽ phải tạm ngừng đăng ký xe máy trong ít nhất 2 - 3 năm tới. Sau đó, tùy theo tình hình có thể cho đăng ký trở lại. Nhóm ý kiến này cho rằng, lượng xe máy tại Hà Nội hiện nay đã bão hòa.

Sau 2 năm tạm dừng, nếu người dân có nhu cầu thay xe cũ, sẽ lại được xem xét. Quan điểm này còn cho rằng, việc tạm ngừng đăng ký xe máy trong 2 - 3 năm sẽ là khoảng thời gian để thành phố tập trung nỗ lực cải thiện hạ tầng giao thông.

Thật lạ lùng, năm 2004, chính UBND TP Hà Nội quyết định tạm dừng đăng ký xe máy tại một số quận nội thành và năm 2006 đã phải bãi bỏ vì quyết định này trái luật. Nay không có giải pháp gì mới lại quay về việc cấm đoán?

Tương tự, với việc xe ô tô tăng chóng mặt tại Hà Nội, nhiều ý kiến cũng cho rằng thành phố nên có hạn ngạch trong tăng trưởng ô tô. Cụ thể, mỗi năm căn cứ vào khả năng đáp ứng của điều kiện hạ tầng, Hà Nội lên kế hoạch số ô tô sẽ được đăng ký mới trong năm sau.

Tiếp đó, số xe này được phân bổ cho khối cơ quan nhà nước, khối doanh nghiệp, các quận, huyện... Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ xây dựng mức thu phí lưu hành đối với ô tô đủ cao nhằm điều tiết nhu cầu mua ô tô cá nhân của người dân.

Điều tiết làm lệch giờ

Trong lúc bài toán ùn tắc giao thông trở nên rối rắm, phức tạp, Hà Nội tiếp tục đưa ra đề xuất điều chỉnh lệch giờ làm việc giữa các cơ quan T.Ư và Hà Nội.

Cụ thể, các cơ quan T.Ư, các trường ĐH, CĐ sẽ làm việc từ 7:30 - 16:30; còn các cơ quan của Hà Nội, trường THPT, THCS, tiểu học sẽ  làm việc từ 8:30 - 17:30.

Hà Nội lại ngừng đăng ký xe máy? ảnh 2
Người dân đến làm thủ tục đăng ký xe máy tại 86 Lý Thường Kiệt (Hà Nội).
Ảnh: Phạm Yên

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng đề xuất thành phố nên sửa đổi Quyết định 227 “về phân cấp quản lý vỉa hè phố về các quận”. Việc phân cấp này đang ngày càng làm cho tình hình giao thông thêm phức tạp, dẫn đến ùn tắc. Theo đó, việc quản lý vỉa hè chỉ  nên để ngành giao thông đảm nhiệm.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục chưa thực sự vào cuộc trong việc tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông, quản lý học sinh đi xe máy. Đặc biệt, hiện tượng phổ biến tại các trường là không cho phụ huynh học sinh vào trường để đón học sinh, nên họ phải đỗ xe ngoài đường gây ùn tắc giao thông tại cổng các trường học...

Trong kiến nghị với thành phố, các cơ quan chức năng cũng đề nghị UBND thành phố tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án như cầu vượt cho người đi bộ, dự án lắp đồng hồ đếm ngược, lắp đặt hệ thống camera quan sát giao thông...

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Hoàng Sinh; Email: namsing_573@yahoo.com.vn  CHO RỒI LẠI CẤM , CẤM RỒI LẠI CHO

Đợt trước cấm, các cửa đăng ký xe máy tưởng như rất khó khăn để mua cho cháu tôi một chiếc xe đi học đại học bởi hộ khẩu Hà Nội (nội thành, bố cháu đi công tác nước ngoài).

Sau thử thách thứ nhất là phải đăng ký "hơi" lâu, đi học thực thụ để lấy được bằng xe máy, mất khoảng mấy trăm ngàn lệ phí đến đoạn mua xe thì thật bế tắc (bởi ở nội thành không được đăng ký). Tôi lang thang, lần mò đến các cửa hàng bán xe máy dò hỏi, được người chủ cửa hàng cho biết: "Bác vô tư đi, chỉ cần bác chi thêm ít tiền là xong, nhưng đăng ký xe đứng tên người khác, coi như bác mua lại".

Tôi đang phân vân thi thấy khách mua xe từ mấy hôm trước đến lấy giấy tờ đăng ký nghiêm chỉnh, tôi đã đươc vững tin phần nào quyết định liều mua một chiếc MIO giá 17 triệu đồng; với loại xe này tôi phải đưa thêm cho chủ CH 5 triệu nữa, trong đó trên dưới 2 triệu cho thuế trước bạ + lệ phí đăng ký, còn 3 triệu kia chi phí cho người đứng tên dăng ký + lệ phí đăng ký vắng chủ + ... 

Đúng một tuần sau quay lại tôi nhận đủ mọi thứ như thỏa thuận. Xong được một việc tưởng như vô phương giải quyết. 5 triệu là cho loại xe tôi mua , còn như xe càng giá trị bao nhiêu thì "lệ phí " càng nhiều bấy nhiêu. Qua đó tôi tự trách mình sao "ngu lâu" thế , chỉ chăm chăm thực hiện đúng pháp luật mà không biêt thiên hạ người ta múa đủ mọi thứ bài qua mặt.

Dần dà tôi mới "thông minh" nghĩ tiếp: mỗi xe đăng ký vào thời điểm đó , tốt bù xấu, cao bù thấp cứ cho là phải chi thêm từ 5 - 7 triệu thử đem nhân với số xe ước đoán đã đăng ký. Trời đất quỷ thần ơi, một núi tiền! Và tôi lại tò mò nghĩ tiếp: xã hội, người dân phải bỏ thêm một lượng tiền không nhỏ như vậy nó vào những đâu nhỉ, ngoài người đứng tên đăng ký chính chủ (chắc chỉ một tỷ lệ nhất định), người chủ cửa hàng bán xe (tất nhiên rồi!), còn "lệ phí" đăng ký vắng chủ là sao nhỉ, ai thu và còn ai nữa đươc hưỏng lợi ngon lành trong chủ trương thực hiện cái gọi là "giải pháp tình thế" đó?

Cũng thời điểm đó còn chưa kể số lượng xe mà những người làm việc ở Hà Nội "về quê" mua xe đăng ký đưa lên dùng nữa. Thử hỏi hạn chế được bao nhiêu trong dòng xe ngày đêm rùng rùng trên khắp phố phường Hà Nội. Cũng từ đó mỗi lần nghe đến cụm từ GIẢI PHÁP TÌNH THẾ đưa ra tôi lại thấy lo lo và ái ngại nghĩ rằng: có thể mình lại phải mất thêm một khoản tiền nào đó khi bắt buộc phải mua một thứ gì đó tối cần thiết cho cuộc sống átinh hoạt gia đình. Ôi! Cứ nghĩ như vậy mà hãi!

Ngọc Khanh; Email: NgocKhanh_ML@.yahoo.com

"Lại sắp cấm đang ký xe máy". Đó là lời than thở của không ít người khi đọc thấy lãnh đạo công an HN đưa ra ý kiến cấm đăng ký xe máy trong khoảng thời gian 2 - 3 năm. Cách đây mấy năm lệnh cấm này đã được thực hiện, nhưng kết quả thì chúng ta đã thấy rất rõ. Khi chủ trương, chính sách của các cấp quản lý đưa ra không hợp với lòng dân, không hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, các cấp quản lý lại phải dỡ bỏ những lệnh cấm đó. 

Về vấn nạn tắc đường ở HN cũng như TPHCM, theo tôi để giải quyết được là việc làm rất khó, nhưng không phải vì khó mà các cơ quan quản lý hạn chế quyền của công dân.

Muốn giải được bài toán này, cả Nhà nước, xã hội và mỗi công dân đều phải có ý thức, có trách nhiệm với mỗi việc mình làm. Theo tôi có mấy vấn đề sau:

1.Không nên tập trung các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất, những cơ quan đơn vị có số lượng người đông ở trong khu vưc nội thành, làm giảm lượng dân số tập trung trong nội thành.

2. Đưa toàn bộ các trường ĐH, CĐ, các xưởng sản xuất chế biến, may mặc, dệt.. ở nội thành ra ngoại thành. Nội thành la nơi dành cho các cơ quan hành chính, các trung tâm kinh tế trọng điểm, trường học bậc phổ thông trở xuống, các trung tâm thương mại, dịch vụ.

3. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị một cách khoa học, đồng bộ và kịp thời có tính đến sự phát triển của TP ít nhất la 50 năm.

4. Các cơ quan tham gia điều hành, hướng dẫn giao thông phải đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp, có đạo đức, có trách nhiệm.

5. Tuyên truyền giáo dục, hoặc cưỡng chế khi cần thiết đối với mọi tầng lớp tham gia giao thông một cách nghiêm túc.

Trần Trung; Email: Trantrung@yahoo.com

Vấn đề ách tắc giao thông hiện nay, theo tôi, có nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân này, rất nhiều người đã biết, tôi xin không nhắc lại. Nhưng có 1 nguyên nhân trong số đó, tôi thấy cần phải nêu lên: đó chính là sự thờ ơ, bàng quan của một số cơ quan có thẩm quyền. Nếu các cơ quan có thẩm quyền thực sự quan tâm giải quyết thì nó rất đơn giản.

Tôi chỉ xin nêu 1 ví dụ cụ thể: Ngã ba (hoặc có thể gọi là ngã tư) Tôn Thất Tùng - đường Trường Chinh của Hà Nội thường xuyên tắc đường. Loại nút giao thông này có lẽ không giống bất cứ nơi nào trên thế giới, bởi chỉ khoảng 10 mét nhưng có tới 2 ngã ba.

Do lịch sử để lại, nên đường Tôn Thất Tùng hiện nay bị uốn khúc 2 lần khi cắt ngang đường Trường Chinh. Giao thông tại đây cực kỳ lộn xộn. Điều đặc biệt cần nói là giữa trung tâm của "sự lộn xộn" đó lại có một cây xăng, bán cho khách bất cứ lúc nào, kể cả khi xung quanh cây xăng là một rừng người và xe cộ đang bị tắc, những người bán xăng vẫn thản nhiên xả xăng bán bình thường.

Nếu cơ quan có thẩm quyền có sự quan tâm thích đáng, nút giao thông này (đường Tôn Thất Tùng) được uốn thẳng lại thành ngã tư theo đúng nghĩa, có nút tín hiệu giao thông thì chắc chắn là hết cảnh ùn tắc hiện tại, và loại trừ nguy cơ tiềm ẩn là cháy nổ cây xăng.

Chúng ta thử hình dung và mường tượng (không khó khăn lắm) hình ảnh hàng trăm con người cùng với vô số phương tiện đang tắc đường quanh cây xăng mà cây xăng bị cháy nổ (do nhiều nguyên nhân) thì thảm hoạ gì sẽ xảy ra? và sau đó: ai, cơ quan nào là người chịu trách nhiệm?

Tôi tin chắc là cơ quan có thẩm quyền biết rõ việc này. Họ đủ biết nếu tháo gỡ được vướng mắc, tồn tại của cây xăng này sẽ tháo gỡ giải quyết được rất nhiều vấn đề: Hết tắc đường (ở nút này); Loại trừ thảm hoạ cháy nổ; Không phải đầu tư, bố trí lực lượng lớn công an, sinh viên tình nguyện ra đứng hướng dẫn giao thông một cách thụ động tại đây; Hạn chế thiệt hại về kinh tế cho người dân (bị tắc đường xe máy, xe ôtô đứng nổ máy tại chỗ; Những thiệt hại rất lớn về kinh tế, xã hội khác do bị trễ giờ...

Tôi được biết rất nhiều người và báo chí đã nói về bất cập của nút giao thông này. Tuy nhiên đến nay, nó không được một cơ quan nào quan tâm giải quyết. 

Hoàng Long; Email: hoanglong0001@yahoo.com  Ăn sáng ở nhà - Giảm ùn tắc

Chúng ta đều biết giờ cao điểm HN tắc đường rất nhiều tuyến đường phố. Nguyên nhân chúng ta đều biết là quá tải phương tiện giao thông cá nhân mà xe máy là phương tiện hữu dụng nhất dân sống tại HN đang dùng, đưòng phố thì trong một khoảng thời gian nhất định không thể giãn rộng ra được.

Như vậy câu hỏi đặt ra trong chung ta là làm sao để giảm được ùn tắc giao thông cho hiệu quả, tôi đã có chú ý đến vấn đề này mỗi khi đi làm. Tôi nhận ra là trên con đường đang tắc nghẽn có tôi đang tham gia có đến 90% là có nhu cầu đi nhanh và đến nhanh nơi cần đến nhưng 10% còn lại thì là những việc gì?

Ở Hà Nội không có việc gì thì sáng ra cũng phải tham gia giao thông đó là đi ăn sáng. Số người đi ăn sáng là rất đông. Chỉ riêng xe máy ô tô xếp hàng tại những quán phở ngon thôi đã là một nguyên nhân chính gây tắc đường rồi.

Còn nhiều người vội vàng đến bênh viện sớm để xếp hàng khám bệnh. Các bạn cứ xem thử các cổng bệnh viện lúc đầu giờ sáng việc sắp hàng gửi xe cũng đã tắc ra ngoài đường. Rồi buổi chiều tại các cổng trường không kể cấp học nào cũng đông nghẹt, nhất là cổng trường Mầm non. 

Theo tôi thói quen thì khó chữa và chữa ngay thì càng khó, vậy nên giải pháp tôi cho là hợp lý và khả thi trong phạm vi quyết sách của TP là giờ làm việc của Hà Nội. Chúng ta hãy thử tham khảo các nưóc phát triển và quết định áp dụng thử xem có hiệu quả không.

Nếu giờ làm việc một số cơ quan chuyển sang bắt đầu lúc 9 giờ và về muộn hơn thì trên đường sẽ bớt đông. Tôi từng xem một phóng sự của Nhật về giờ làm việc thì họ làm việc lúc 9 giờ và như vậy buổi sáng có nhiều thời gian hơn bữa sáng gia đình sẽ tươm tất hơn sức khoẻ tốt hơn.

Hà Việt Cường; Email: hvcuong@monre.gov.vn  Tái diễn một đề xuất không phù hợp

Đại diện Công an Hà Nội đề xuất dừng đăng ký xe máy để hy vọng giải quyết nạn ùn tắc giao thông là phi thực tế. Bởi vì khi có nhu cầu thì bằng mọi cách, người ta vẫn mua xe, không cần phải đăng ký ở Hà Nội.

Sao đại diện Công an Hà Nội không đi thực tế ở đường La Thành, Giảng Võ mà nghiên cứu nhỉ? Đường nhỏ, giao thông hai chiều, cửa hàng buôn bán đồ gỗ, xe chở đồ gỗ đỗ lấn lòng đường; ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng, xe của dân cư nhà cao tầng đỗ lấn đường; và còn nhiều nơi khác nữa, sao không đề xuất biện pháp giải quyết mà lại đề xuất dừng đăng ký xe máy?

Cơ quan quản lý nhà nước mà không tìm giải pháp quản lý cho tốt lại cứ nhăm nhe hạn chế quyền lợi hợp pháp của người dân thì phi lý vô cùng. Có thể tái diễn một đề xuất không phù hợp đã bị bãi bỏ chăng?

Vũ Anh Tuấn; Email: vuanhtuan14@yahoo.com

Hiện nay, vấn đề ùn tắc giao thông là vấn đề hết sức nhức nhối không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các thành phố lớn trên cả nước. Việc ngừng đăng ký xe máy trong vòng 2 - 3 năm tới không phải là giải pháp hay và không thực sự thuyết phục. Tôi xin đưa ra ý kiến của minh như sau:

- Nên có quy định các cán bộ, công chức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, các giáo viên ở các trường đại học đi làm bằng xe buýt; Nhà nước hỗ trợ cho việc mua vé xe buýt theo tháng cho các cán bộ, công chức, giáo viên...

- Cần có chế tài thực sự đủ mạnh để răn đe những người tham gia giao thông vi phạm luật; kể cả lúc tắc đường cũng không được vi phạm.

Bùi Văn Vũ; Email: buivanvu@gmail.com

Thực trạng giao thông đô thị của Hà Nội hiện nay hỗn loạn và ùn tắc kéo dài không phải không được dự báo trước. Theo cá nhân tôi có rất nhiều nguyên nhân khách quan có, chủ quan cũng có:

1. Hạ tầng đường xá của Hà Nội không theo kịp tốc độ phát triển đô thị.

2. Cư dân đến sinh sống, học tập, làm việc tại Hà Nội ngày càng tăng và thậm chỉ tăng theo cấp số nhân, đặc biệt là sinh viên (Lượng xe bus hiện nay mới chỉ phục vụ cho một phần nhu cầu của đối tượng sinh viên này).

3. Ý thức của người dân tham gia giao thông chưa cao (Lưu ý rằng các kiến thức về an toàn giao thông thì gần như ai tham gia giao thông cũng hiểu, cũng biết tuy nhiên không ai chấp hành tốt vì nếu chấp hành tốt thì muộn giờ, chậm chân hơn người vi phạm...).

4. Đội ngũ cảnh sát giao thông thì thực thi công việc chưa có trách nhiệm. Theo đánh giá của cá nhân tôi thì đa số cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ ngoài quốc lộ, tỉnh lộ... nhận mãi lộ, dung túng cho lái xe vi phạm thậm chí còn ăn lương của các doanh nghiệp vận tải. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý quy hoạch thì còn yếu, không có thực tế.

5. Mạng lưới giao thông công cộng như xe bus thì còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu hiện nay đặc biệt là vào giờ cao điểm. đôi khi lại là nguyên nhân gây ùn tắc tai nạn.

Tôi đã sử dụng xe bus để đi làm song không thể chấp nhận được loại phương tiện này do: Vào giờ tan tầm xe nào cũng chặt cứng dẫn đến xe bỏ bến không đón khách, đứng đợi để được lên xe bus cũng phải mất 1 - 2 tiếng là chuyện thường nhật).

Để giải quyết các tồn động của giao thông Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thì còn cả một quãng đường dài và đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan chức năng vào cuộc "thực sự và có trách nhiệm".

Ai cũng biết nhu cầu đi lại của người dân là có thực và không thể phủ nhận. Với đặc điểm hạ tầng của Hà Nội hiện nay là đa số người dân sống trong các ngõ, ngách chặt hẹp cách rất xa tuyến xe bus nên giải pháp đi xe công cộng là không khả thi.

Người dân "buộc" phải đi làm bằng xe máy. Vậy nếu TP Hà Nội có tạm dừng đăng ký xe gắn máy thì chỉ phản ánh nỗi bất lực của thành phố và năng lực yếu kém của các ngành chức năng mà chắc chắn không cải thiện được tình hình giao thông hiện nay, người dân vẫn phải đi làm bằng xe gắn máy chỉ có điều xe máy nội tỉnh, ngoại tỉnh hay các phương tiện giao thông cá nhân khác mà thôi.

Rất mong TP Hà Nội cân nhắc đừng để nay ra quyết định, mai lại sửa.

Nguyễn Minh Đức; Email: mducvsb@gmail.com Lại "phương án mới, nội dung cũ"

Tôi thấy bức xúc khi thấy Tiền phong đưa tin Hà Nội lại chuẩn bị ngừng đăng ký môtô - xe máy. Với tư cách là một công dân tôi cảm thấy bị mất quyền lợi một cách vô lý bởi xét về mặt đời sống - xã hội, đó là một nhu cầu đặc biệt bình thường về phương tiện của mọi người . Qua bản tin trên tienphong.vn tôi xin có mấy ý kiến như sau:

Tôi rất đồng ý với bạn ngphuonghn@gmail.com là việc hạn chế ùn tắc giao thông bằng biện pháp ngừng đăng ký môtô - xe máy không hẳn là cách quản lý ở tầm vĩ mô . Vấn đề mấu chốt ở đây chúng ta cần xem xét kỹ việc ùn tắc giao thông là do đâu? Liệu biện pháp hạn chế phương tiện có làm ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế của xã hội (đặc biệt là Hà Nội)?...

Hiện nay, theo tôi việc ún tắc giao thông ở Hà Nội có rất nhiều vấn đề, nhưng quan trọng hơn ở vấn đề ý thức của người dân, và chất lượng đường phục vụ giao thông.

Tôi là viên chức nên ngày nào cũng đi và về vào giờ tan tầm. Ngay cả phố Thái Hà, rồi phố Chùa Bộc có luồng đường riêng biệt, nhưng hầu như chiều nào cũng bị ùn tắc. Mất hàng tiếng đồng hồ mới thoát được. Vấn đề này do đâu? Phải chăng điểm gây ùn tắc chính là các ngã ba, ngã tư?

Với tình hình kinh tế nước ta hiện nay, thay vì việc "tô son, kẻ phấn " trang trí cho sắc đẹp của các con đường đô thị, chúng ta nên tập trung kinh phí cải tạo các ngã ba, ngã tư, điểm giao nhau cho thật thông thoáng.

Một số tuyến đường mặc dù mới được cải tạo, mặt đường đẹp, bỗng nhiên trở nên lồi lõm, sống trâu, nhiều rãnh gồ ghề đi lại rất khó khăn (nếu tôi không muốn nói là khó chịu) giảm tính cơ động của đường.

Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng mà nhà nước ta hàng năm phải mất nhiều tỷ đồng để luôn phải cải tạo đường "trước thời gian khấu hao" . Tôi tin rằng các bạn khi tham gia giao thông sẽ dễ dàng nhận ra bức xúc này.

Hiện nay, vỉa hè của một số tuyến đang ngày bị ùn tắc có diện tích rất rộng, rộng ngang bằng một chiều lòng đường . vậy tại sao chúng ta không thu hẹp vỉa hè lại trong khi vỉa hè vẫn đáp ứng tốt cho người đi bộ?

Ý cuối tôi cũng muốn nói là các cơ quan chức năng, các nhà quản lý nên có nhưng thông điệp bằng hình ảnh, bằng đoạn clip ngắn sâu sắc trên vô tuyến để dần nâng cao ý thức tham gia giao thông của chúng ta.

Việc xô đẩy, tranh thủ chỉ sớm muộn hơn nhau có 10 - 15 giây thôi nhưng cũng "không ai nhường ai" để dẫn đến việc ùn tắc, tiếng ồn, khói bụi, tiếng còi hú hàng giờ. Hình ảnh các đồng chí công an giao thông chạy ngược chạy xuôi ra hiệu, điều khiển mà vẫn lực bất tòng tâm.

Qua vấn đề này tôi cũng mong muốn gửi tới tất cả các bạn thông điệp vì lợi ích chung của chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau là người có văn hóa tham gia giao thông.

Linh Nhi; Email: chuaha@yahoo.com  Không nên mở đường tràn lan

Việc Hà Nội lộn xộn, thiếu thẩm mỹ, không xứng tầm một Thủ đô trong xây dựng và quản lý đô thị đã có nhiều người góp ý. Tôi chỉ đề nghị các vị có trách nhiệm, trước hết là ông Chủ tịch Thành phố và ông Bí thư Thành uỷ nghiên cứu kỹ các kiến nghị của các chuyên gia về quản lý đô thị, tham khảo kinh nghiệm của các Thủ đô trong khu vực để có thể từng bước ổn định việc quy hoạch và xây dựng ở Thủ đô. Sau đây chỉ nhắc lại hai ý kiến mà tôi cho là rất xác đáng:

1. Về mở đường: Quy hoạch mở đường phải gắn với quy hoạch và xây dựng các công trình trên tuyến đó. Thí dụ, thay vì giải phóng mặt bằng để mở 50m đường, nên giải phóng 80 - 100 m để xây dựng luôn các khu nhà hai bên đường theo thiết kế kiến trúc thống nhất, với đầy đủ hè đường, các công trình dân dụng và dịch vụ. Có đường rộng là có phố đẹp và hiện đại ngay.

Tôi chưa thật rõ phương án này có khó khăn và tốn kém nhiều hơn không so với việc chỉ mở đường còn dân hai bên xây thế nào "mặc kệ" như hiện nay, nhưng tôi nghĩ về tổng thể sẽ tiết kiệm hơn nhiều tình trạng hiện nay, cả về hiệu quả sử dụng ngay, cả việc sẽ không phải chỉnh trang hoặc phá bỏ do qua xấu và bất hợp lý trong tương lai, cả trong giảm thiểu các căng thẳng từ những bất công trong việc giải phóng mặt bằng...

Các giải pháp như cấm xây dựng các tòa nhà "siêu mỏng"... không giải quyết được vấn đề. Nếu Hà Nội không đủ sức làm như vậy với tất cả các tuyến đường thì hãy chọn làm từng tuyến một, tuyến nào dứt điểm tuyến đó (tránh hết sức việc như tuyến bờ sông Tô Lịch hiện nay, chỉ vì một gia đình trên đường Bưởi không di chuyển được, mà để một tuyến đường đẹp không sử dụng, và có nguy cơ sẽ bị hư hại do dùng vào các mục đích khác, và theo thời gian - mà chưa kịp khai thác được gì).

2. Về giao thông Hà Nội: Tôi đề nghị tăng thật mạnh các phương tiện công cộng: bus, tàu điện... và trợ giá cho phương tiện này để chúng trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của cán bộ nhân viên và học sinh, sinh viên.

Vấn đề là việc bố trí các tuyến và giờ chạy phải đáp ứng nhu cầu làm việc và học tập của mọi người. Chi phí lớn có thể được bù trừ một phần từ giảm lãng phí do tắc đường và tai nạn giao thông, nhưng xét về hiệu quả đô thị chung sẽ cao hơn nhiều.

Đồng thời phải dứt khoát kiềm chế tăng trưởng các phương tiện cá nhân, bằng cách hạn chế lưu thông trên các tuyến ưu tiên, vào giờ ưu tiên cho xe công cộng, phân luồng nhiều hơn nữa...

Cũng như việc xây dựng nêu trên, vấn đề là mục tiêu cần tối ưu là gì, Thủ đô phải chọn lựa, không thể đáp ứng quá nhiều mục tiêu đồng thời trong khi năng lực có hạn. Thủ đô phải giảm số mục tiêu về giao thông cần đáp ứng trước mắt để giải quyết bằng được một sô mục tiêu ưu tiên, tạo nên một bước chuyển thực sự trong thói quen đô thị của dân cư và của lãnh đạo Thủ đô.

Lê Văn Thưa; Email: vanthua127@gmail.com

Ngành giao thông vận tải đường bộ là một phần đóng góp chủ chốt trong phát triển kinh tế của đất nước ta lại đi theo hướng chia lẻ, manh mún, cá nhân hóa phương tiện.

Sự lựa chọn phương tiện giao thông là cách duy nhất để giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông hiện nay của nước ta. Vậy sự lựa chọn là phương tiện giao thông nào: Cá nhân hay công cộng? Không còn nghi ngờ gì nửa phương tiện giao thông công cộng là phương thức vận tải phù hợp cho một đất nước có mật độ dân số cao như ở nước ta, đặc biệt là ở khu vực thành phố đồng thời mạng lưới giao thông đường bộ của nước ta còn thiếu và lạc hậu.

Sử dụng phương tiện giao thông công cộng tự nó sẽ triệt tiêu toàn bộ cơ hội người vi phạm luật giao thông chủ yếu từ phương tiện xe máy (75% tai nạn từ xe máy). Mà trên hết là giảm bỏ môtô xe gắn máy là tác nhân chính làm gia tăng mật độ mới dẩn đến tai nạn và ùn tắc giao thông ngoài ra nó còn gây tốn kém nhiên liệu, ô nhiểm môi trường, lãng phí tiền của cho dân chúng và xã hội.

Vương Đình Nam; Email: vdn_act@yahoo.com.vn  Tạm dừng đăng ký xe máy có phải là điều vô lý?

Tôi là một người dân Hà Nội thấy việc đưa ra ý kiến tạm dừng đăng ký xe máy trong 2 - 3 năm tới là điều không thể giảm được sự ùn tắc giao thông. Bởi vì:

- Trong những năm vừa qua TP Hà Nội đâu đã làm tốt việc phát triển cơ sở hạ tầng (Như một số công trình, dự án mở đường quá chậm,...).

- Việc phát triển các tiến xe buýt chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng và tiện lợi cho người dân.

- Lượng ô tô và xe máy của các tỉnh lân cận hoạt động trên địa bàn Hà nội ngày một tăng mà TP đâu có kiểm soát được.

- Việc phân tuyến, luồng cho các loại phương tiện giao thông còn chưa hợp lý. Vậy việc tạm dừng đăng ký xe máy trong 2 - 3 năm tới không thể giảm hay cải thiện được việc ùn tắc tại TP Hà Nội.

Tôi mong các nhà quản lý của TP nên tiến hàng cáp bách việc mở rộng cơ sở hạ tầng và khẩn cấp hoàn thiện các công trình đang bị chận tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.

Ngô Văn Dũng; Email: dung.nmc@fpt.vn

Tôi có đọc bài báo về biện pháp ngừng đăng ký xe tại TP Hà Nội để giảm lượng xe máy lưu hành. Tôi thấy vấn đề này là không thực thi. Tôi xin đưa ra một vài giải pháp để các cấp lãnh đạo tham khảo:

1. Ý thức của người dân tham gia giao thông rất yếu kém nên cần có biện pháp tuyên truyền pháp luật giáo dục giao thông trong gia đình, trường học, công sở ...( lấy vấn đề này để đánh giá hạnh kiểm, ý thức pháp luật...).

2. Xử phạt thật nặng đối với những người vi phạm luật giao thông.

3. Tôi rất ủng hộ việc đưa các phương tiện giao thông công cộng để phục vụ người dân như xe buýt, nhưng cần phải phân bố các loại xe cho hợp lý với từng tuyến đường (đường nhỏ thì dùng xe nhỏ - tăng chuyến và lượt xe, đường rộng thì dùng xe lớn). Tôi thấy đường Đê La Thành rất hẹp nhưng lại bố trí xe rất lớn. Điểm giao cắt đường La Thành và Hoàng Cầu là do xe buýt gây tắc là chủ yếu.

4. Bố trí lại các tuyến một chiều như hiện nay là hợp lý, hạn chế mở các đường ngang.

5. Nói đến con đường đắt nhất hành tinh (Kim Liên - Ô Chợ Dừa). Tại sao chúng ta không xây một vòng xuyến tại khu đài Xã tắc và dựng bia tưởng niệm tại đó là rất phù hợp vừa giữ được bản sắc vừa giảm thiểu ùn tắc giao thông.

6. Khi chúng ta xây dưng j và quy hoach giao thông cần nhìn xa hơn.

Phạm Quang Tùng

1. Nhiều đường xá trong nội thành quá nhỏ bé. Tại các đường nhỏ, các phương tiện hay lấn trái đường, nên hay tắc hoặc các phương tiện không đi nhanh được vì các phương tiện đi ngược chiều nhau, cản trở nhau.

Ta nên tổ chức cho các phương tiện đi đường một chiều để chống ùn tắc, giảm mức độ thiệt hại khi va chạm, các dòng  phương tiện cứ chảy theo một dòng, nên nhanh và ít tắc hơn. Ví dụ như đường Hoàng Hoa Thám và đường Thụy Khuê là hai đường nhỏ song song nhau, ta nên tổ chức thành đường một chiều.

2. Không xây dựng các công trình mới, như siêu thị, các tòa nhà văn phòng lớn... trong nội thành mà xây dựng ở vùng ngoại ô; chuyển tất cả các Bộ, ngành, các cơ quan nhà nước từ nội thành về vùng ngoại ô để giãn dân ra khỏi nội thành.

Xây dựng đường mới ở vùng ngoại ô rẻ hơn trong nội thành. Như vậy sẽ khuyến khích người dân chuyển về vùng ngoại ô để làm việc. Ví dụ như Tòa nhà Vincom nếu được xây dựng ở vùng ngoại ô thì sẽ tốt hơn cho thành phố Hà Nội.

Nhan Nguyen; Email: tayninh77@yahoo.com

Tôi ủng hộ CA Hà Nội, bởi vì tình hình hiện nay nhu cầu đường xá giao chưa phát triển thì nên hạn chế phương tiện cá nhân. Chúng ta không thể nào cứ để tình trạng xe gắn máy phát triển như thế. Ý thức ở đây do bản thân mỗi con người chúng ta, chứ chúng ta đừng đỗ lỗi cho ai.

Theo tôi hiện nay tình trạng kẹt xe nhiều là do sự phát triển giao thông chưa đồng bộ chưa thống nhất, quy hoạch phát triển chưa có mang tính tầm xa mà chỉ là chấp vá, mà là giải pháp tạm thời. Đồng thời bên cạnh đó ý thức của mỗi người đều khiển phương tiện cũng rất quan trọng, vì mục đích riêng mà mỗi cố tình đánh mất đi suy nghĩ.

Nguyen Van Hieu; Email: Vanhieu_t4g_hn@yahoo.com  Lối cũ ta về

Năm 2004 - 2006 khi tại Hà Nội, quy định việc cấm đăng ký xe máy tại một số quận được ban hành và tại các tỉnh thì mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe, đã làm quyền lợi của người dân bị chao đảo, nên đã xảy ra hiện tượng mua tên người để đăng ký xe máy.

Đến nay tại các tỉnh thì không giới hạn số xe cho một người đăng ký thì tại Hà Nội lại có hướng giải quyết ách tắc giao thông bằng việc cấm đăng ký xe máy. Thật đúng là chuyện lạ đời.

Thiết nghĩ không biết sau khi cấm việc đăng ký xe thì có cấm luôn các xe của tỉnh khác vào Hà Nội hay không? Nếu không cấm thì lượng xe ngoại tỉnh nhưng lại có "hộ khẩu thường trú" tại Hà Nội sẽ lớn mạnh đến mức nào?

Cả một bộ máy công quyền với những người có thể coi là "chuyên gia" về giao thông lại có những quan điểm chống ùn tắc giao thông hay đến vậy?! Thiết nghĩ, để chống ùn tắc giao thông thì phải tìm được nguyên nhân chính của vấn đề để giải quyết chứ sao lại "Lối cũ ta về" như vậy được?

Lê Ngọc Minh; Email: minh2409@yahoo.com  Lời giải tình thế cho vấn đề giải quyết ách tắc giao thông đô thị

Đọc bài báo về việc cấm đăng ký xe máy tại Hà Nội, tôi xin đóng góp ý kiến như sau để quý độc giả và các nhà hoạch định chính sách có thêm được một gợi ý:

- Giải pháp cấm đăng ký thêm xe gắn máy tính theo mỗi cá nhân đang sinh sống tại Hà nội là không khả thi bởi vì việc này chúng ta đã từng thực hiện và hiệu quả chẳng mang lại là bao bởi vì nếu không đăng ký được ở thành phố thì họ có thể nhờ người khác hoặc về các tỉnh để đăng ký.

- Thu tiền thuế lưu thông: không khả thi vì người nhiều tiền thì 1 - 2 triệu một năm là chuyện nhỏ, người ít tiền thì cũng phải gồng mình mà đóng để có phương tiện đi lại. Như vậy xe máy vẫn cứ lưu thông như vây.

Theo tôi giải pháp tốt nhất có thể hạn chế được tình trạng ùn tắc hiện nay là:

- Phân định xe máy chạy theo được chạy theo ngày trong tuần bằng cách chọn xe có 2 số cuối của biển số đăng ký là số chẵn thì được lưu thông vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu; xe có biển số của hai số cuối là số lẻ được lưu thông vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy. Thời gian cấm lưu thông từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Riêng ngày chủ nhật các xe đều được lưu thông.

Nếu quy định như vậy tính theo xác suất thì có thể giảm được một nửa số lượng xe máy lưu thông trong ngày. Để thực hiện được điều này cần tiến hành đồng bộ một số bước sau:

- Tăng cường chất lượng dịch vụ của các phương tiện công cộng như xe bus, taxi, xe đưa đón công nhân, học sinh sinh viên...

- Xử phạt nghiêm những đối tượng lưu xe bị cấm lưu thông vào ngày cấm lưu thông ( tạm giữ xe, phạt tiền nặng).

- Cấp phép cho các đối tượng dùng xe máy để vận chuyển bắt buộc như xe ôm, xe giao thư báo, xe hoạt động công vụ như xe CSGT, xe công an, quân đội đi làm nhiệm vụ...

- Tạo tem theo biển số dán trước xe để cảnh sát giao thông dễ nhận biết các đối tượng cố tình vi phạm.

- Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tăng cường xây dựng các tuyến giao thông công cộng để người tham gia giao thông có thói quen và thích được sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Tiến tới sẽ áp dụng tương tự với các phương tiện ô tô cá nhân khác. Trên đây là một vài ý kiến nhỏ cho vấn đề giao thông nước nhà, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của những người có trách nhiệm và quý độc giả để cùng góp tiếng nói xây dựng đất nước phát triển hơn.

Ngô Thị Hồng Phương; Email: ngphuonghn@gmail.com

Hiện tượng ùn tắc giao thông không phải bây giờ mới xảy ra, song nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này thì không phải các cơ quan chức năng không biết. Nhưng việc đưa ra giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông đô thị bằng việc tạm ngừng đăng ký xe máy, có lẽ là biện pháp không phải của những nhà quản lý ở tầm vĩ mô.

Cách đây không lâu, cũng về vấn đề này, trên một chương trình truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam đã có một ông cán bộ có cỡ của ngành giao thông công chính Hà Nội, không hiểu có khả năng và trình độ thế nào mà đưa ra công luận giải pháp "hạn chế ùn tắc giao thông đô thị" bằng việc điều tiết xe máy vào thành phố theo biển số xe máy "chẵn vào ngày chẵn" và "lẻ vào ngày lẻ".

Tôi cho đây là một biện pháp không tưởng, biện pháp đưa ra không phải từ những nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược. Việc cấm đăng ký xe máy trước đây của TP Hà Nội là trái luật, đến nay ai cũng đã rõ. Song, khắc phục sai sót đó của TP Hà Nội chưa được bao lâu nay lại định đưa trở lại để thực hiện, nếu vấn đề này thực tế lại xảy ra thì tôi thấy: Chúng ta xây dựng Hiến pháp, xây dựng luật để quản lý và điều hành đất nước mà chúng ta xây dựng chỉ để làm khổ người dân mà thôi.

Trương Thị Hoa Mai

Hiện tại tình trạng ách tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên địa bàn Hà Nội. Nguyên nhân là những người tham gia giao thông còn dừng xe sai làn đường ở một số ngã tư. Để trách sự ùn tắc trên, biện pháp cấm đăng ký xe may không phải là giải pháp tối ưu, mong lãnh đạo thành phố Hà Nội cần thận trọng vấn đề này.

Ý thức của người tham gia giao thông còn quá kém, kể cả những người đi xe đạp và đi bộ, cần phải có chế tài xử phạt cho người đi bộ cao hơn nữa chứ 15 - 20 nghìn đồng thì người đi bộ vẫn chấp nhận khi phải đi một quãng dài mới đến vạch sơn để qua đường.

Tuyên truyền giao thông trên truyền hình mỗi ngày 15 - 20 phút trước khi ra hình thức xử phạt một tháng. Nêu nói là chúng ta phải làm cho tới cùng, nâng mức phạt lên thật cao đến 500 nghìn đồng, không dùng hình thức giữ xe bởi như thế Nhà nước lại phải tổ chức trông giữ xe.

Nguyễn Hoàn Kiếm; Email: hhoankiem@yahoo.com

Nhiều người cảm thấy vô cùng bức xúc khi việc chống ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn dường như bế tắc. Phải chăng chúng ta chưa tìm đúng nguyên nhân gây ra sự ùn tắc gần như triền miên.

Chúng ta thường chỉ ra nguyên nhân nào là phương tiện giao thông các nhân (xe máy) quá nhiều; ý thức của người dân tham gia giao thông kém và hạ tầng cơ sở yếu kém v.v. và v.v.

Tất cả đều đúng nhưng nhiều người cho rằng còn chưa trúng. Thế nên, giải quyết vấn đề theo cách đối phó: dừng đăng ký xe máy rồi cho đăng ký, sắp tới lại tạm dừng.

Thử hỏi rằng nếu không dùng phương tiện cá nhân thì người dân hàng ngày đi làm bằng gì khi phương tiện công cộng còn quá thiếu đến mức hầu như không đáng kể. Chưa kể đối với không ít ngưòi xe máy là phương tiện sinh nhai.

Tôi đã từng có dịp đến một đất nước có khoảng 8 triệu dân. Thành phố của họ có tới 5 loại phương tiện công cộng đó là xe buýt, tầu điện nổi, tầu điện ngầm, tầu chậm, tầu nhanh. Người dân không muốn đi phương tiện cá nhân mà chỉ thích đi phương tiện công cộng vì giá vé rất rẻ và đi lại vô cùng thuận tiện.

Ở thủ đô nhiều nước mỗi ngày có tới hơn 2,5 triệu lượt người đi lại bằng phương tiện công cộng. Thử hỏi rằng nếu không có phương tiện công cộng thì hạ tầng cơ sở giao thông nào chứa nổi lượng người khổng lồ như vậy nếu mỗi người một xe máy hoặc một ô tô.

Phương tiện giao thông công cộng thuận tiện thì không cần hạn chế phương tiện các nhân tham gia giao thông thì tự nó cũng giảm. Vì vậy vấn đề bức xúc nhất hiện nay là phải khẩn cấp ưu tiên đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông công cộng. Mọi đầu tư cho nhũng hạng mục chưa cần thiết phải tạm dừng, tiết kiệm mọi khoản chi, ưu tiên mọi nguồn vốn đầu tư cho giao thông công cộng.

Vấn đề này xem ra quá hiển nhiên nhưng chúng ta còn quan tâm đến vấn đề này quá ít. Nếu chúng ta không coi vấn dề này là cấp bách, là quốc sách hàng đầu để giải quyết bài toán chống ùn tắc giao thông đô thị thì trong thời gian dài nữa chúng ta vẫn phải đối phó với ùn tắc, mất an toàn giao thông, bịt chỗ nọ, dò chỗ chỗ kia...

Nguyen Hien; Email: thainguyen_hn@yahoo.com

Tôi nghĩ quy định về ATGT cần nghiêm mình hơn, nhất là đối với những quy định sử dụng vỉa hè, lòng đường là nơi đỗ xe công cộng và bán hàng rong. Trên một số tuyến phố có lưu lượng xe qua lại lớn nhưng vẫn tồn tại những gánh hàng rong chiếm vỉa hè, lòng đường, nhiều lái xe sử dụng lòng đường làm nơi đỗ xe...

Nhiều tuyến phố rất đẹp bị lấn chiếm làm bãi trông giữ xe khiến cho người đi bộ không có chỗ để đi phải đi xuống lòng đường. Một số hiện thực cho thấy người ta cố gắng chen đi qua đoạn ùn tắc, một số khác vẫn thản nhiên bán hàng,đỗ xe... và nhìn mọi người chen lấn nhau vượt qua đoạn đó. Lực lượng cảnh sát giao thông thì bất lực...

Đâu là giải pháp cho tình trạng ùn tắc hiện nay? Thiết nghĩ vấn đề đầu tiên là cần phải trả lại vỉa hè, lòng đường về đúng chức năng của nó. Nghiêm khác xử phạt và tịch thu những cá nhân, tập thể sử dụng lòng đường để kinh doanh. Có thông tin kịp thời tới các lái xe những đầu nút bị ùn tắc, lưu lượng lưu thông sẽ dấn đến ùn tắc để các lái xe công công kịp thời điều chỉnh hướng chạy xe...

Nguyen Ba Thuc

Theo tôi chúng ta tìm biện pháp khác chứ đừng cấm đăng ký xe máy, biện pháp đó không thể được vì cấm ở Hà Nội thì xe tỉnh khác họ lại đi về. Đề nghị các cấp chính quyền tìm các giải pháp khác. Việc tắc đường ở Hà Nội là rất cấp bách, do vậy đề nghị các cấp phải khẩn trương có biện pháp ứng phó.

Trần Phong; Email: tranphong@yahoo.com Giải pháp cho tình trạng giao thông Hà Nội hiện nay

Chúng ta thừa biết không thể cấm người dân không được đăng ký xe máy mới. Vì nhu cầu họ tìm cách lách luật để có xe máy. Vì nó vẫn là phương tiện phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như hạ tầng tại Việt Nam.

Nguyên nhân của tình trạng tắc đường hiện nay là do nhiều nguyên nhân chứ không phải đơn thuần do nhiều xe máy, và ô tô. Một số nguyên nhân khác là:

- Hệ thống đuờng xá đã quá lạc hậu không còn phù hợp, đầu tư manh mún chắp vá, đào phá đuờng xá lung tung, nhiều con đuờng vừa hoàn thành rất nhẵn chỉ được ba bữa lại đào lên nham nhở và lồi lõm. Các công trình thi công với tiến độ rùa bò, thi công dở dang rồi bỏ đó điển hình là con đường đăt nhất hành tinh Kim Liên - Ô Chợ Dừa hoàn thành dở dang càng làm cho tình trạng nút giao thông Ô Chợ Dừa càng trở lên tệ hại hơn.

- Quy hoạch không hợp lý trong xây dựng như không có biện pháp về mặt lâu dài như tiếp tục cho xây dựng các trụ sở cơ quan Nhà nưóc, các trường Đại học cao đẳng, bênh viện, trung tâm thương mại chung cư cao tầng trong khu vực trung tâm vốn đã quá tải hạ tầng.

Những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài

- Không cho phép xây mới các trường ĐH, Cao đẳng, Bệnh viện, chung cư cao tầng, trung tâm thương mại trong nội thành. Có kế hoạch di dời một số truờng ĐH, bệnh viện lớn ra xa trung tâm thành phố.

- Hoàn thiện nhanh những công trình như: Đường vành đai 3 từ Thanh Xuân lên cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, nút giao thông Đại Cồ Việt - Lê Duẩn. Chấm dứt tình trang đào đường bừa bãi, đào xong không trả lại nguyên trạng.

- Khuyến khích cán bộ công chức, học sinh sinh viên sử dụng phương tiện giao thông công cộng. 

- Kẻ lại vạch sơn cho rõ ràng, nâng mức xử phạt thật nặng những nguời tham gia giao thông đi lấn luồng đường, dừng đỗ lấn vạch sơn, đi ngược đường. Những hành vi này là điển hình làm cho tình trạng tắc đường càng thêm tồi tệ. Nó chẳng khác nào" hai con dê qua cầu". Ở nước ngoài những hành vi này là nghiêm cấm, chính vì thế cho dù đường có tắc dài nhiều cây số nhung nhanh chóng được CSGT giải toả vì họ tắc đuờng trong trật tự có hàng lối, không ai chen lấn luồng đường của ai.

PNT; Email: pnthanh79@yahoo.com

Có lẽ cơ quan chức năng đang mải giải quyết các vấn đề mà không phải là bản chất của hiện tượng tắc đường ở Hà Nội hiện nay. Giải pháp cấm đăng ký xe là thể hiện sự yếu kém của công tác dự báo và quản lý xã hội của cơ quan chức năng.

Quyền được sử dụng xe trong phạm vi khuôn khổ của pháp luật là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của người dân. Hơn nữa bản thân người dân phải nộp các loại thuế cần thiết cho nhà nước để được phép sử dung xe máy chứ đâu có phải không có trách nhiệm gì đối với xã hội.

Rõ ràng, giải pháp cấm đăng ký xe la không khả thi và đi ngưọc lại với các nhu cầu chính đáng của người dân. Hơn nữa, nó đi ngược lại với các định hướng phát triển của đất nước.

Trần Vũ Khánh; Email: tvk74@yahoo.com

Hà Nội nói riêng và các thành phố khác nói chung của chúng ta đang phải hứng chịu việc ách tác giao thông với tốc độ lan rộng chóng mặt. Tôi có một số nhận định như sau:

1. Ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ và luật pháp của người dân trong cộng đồng quá kém; 2. Cách quản lý và điều hành của cơ quan nhà nước chưa hiệu quả; 3. Cơ sở hạ tầng yếu kém; 4. Việc xử lý thiếu đồng bộ và kiên quyết; 5. Khâu tuyên truyền làm chưa tốt.

Về giải pháp xử lý:

1. Tăng quyền hạn và trách nhiệm của những người thực hiện việc giám sát như CSGT, GTCC, kết hợp với chính quyền địa phương. Xử lý triệt để các trường hợp vi phạm như lấn đường, lấn tuyến, dừng đỗ sai quy định, chính quyền địa phương xử lý triệt để việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường.

Đơn giản hóa thủ tục giúp cho CSGT, GTCC và các lực lượng khác tham gia xử lý nhanh gọn thuận tiện. Áp dụng biện pháp xử lý tại chỗ, trích một phần xử lý vi phạm để trả cho người trực tiếp thụ lý nhằm khuyến khích người thực thi pháp luật và hạn chế được việc tiêu cực.

2. Giải quyết dứt điểm tại các điểm giao cắt: Không mở đường ngang tại các trục chính (như ngã tư Lê Thanh Nghị và Giải phóng) mở đường lệch trên các tuyến chính, hạn chế tối đa việc mở ngã tư.

Tại các ngã tư và các nút đang tắc như Lê Duẩn - Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng... chính quyền cần thu mua lại nhà của dân để mở đường rẽ phải tạo lưu thông thường xuyên, giảm tải được lưu lượng trên trục chính tránh ách tắc.

Phân luồng khoa học và hợp lý, có chuyên gia về lĩnh vực giao thông theo dõi và đánh giá cũng như tìm giải pháp trên cơ sở thực tế. Các nhà quản lý phải chọn những người có bản lĩnh, dám quyết dám làm bằng hành động thực tế. Không nên nói suông, không thực tế không sát tình hình thiếu bản lĩnh chính trị nên khi gặp phải vấn đề dư luận lại vội vàng chỉnh sửa, không dám bảo lưu ý kiến của mình. Cần thay thế những người có tâm huyết và năng lực thực sự.

Giải pháp cấm đăng ký của Hà Nội thể hiện sự yếu kém về trình độ năng lực và sự bế tắc của chính quyền. Không nên đổ lỗi mà nên tìm hướng giải quyết và tháo gỡ chứ đừng sử dụng biện pháp hành chính áp đặt lên cuộc sống của người dân sẽ làm xáo trộn cuộc sống.

Nguyễn Minh Quang; Email: mquange14@yahoo.com

Tôi không tán thành việc dừng đăng ký xe máy mặc dù từ khi bỏ cấm đăng ký tôi vẫn chưa mua xe. Trước đây tôi đã phải bỏ 2,5 triệu đồng để mua suất đăng ký xe máy. Nếu cấm đăng ký thì những người có nhu cầu lại phải mua xe tỉnh khác về dùng. Vì nhu cầu đi lại lượng xe máy mới vẫn tăng.

Vấn đề làm sao là hạn chế và kiểm soát được dòng người nhập cư. Một năm có hàng chục ngàn sinh viên về Hà Nội học, quá nửa số đó có mua xe máy để đi lại. Cũng mỗi năm ngần ấy sinh viên tốt nghiệp ở lại Hà Nội tìm việc và con số người ra đường mỗi ngày nhiều thêm. Vì thế bài toán giao thông là bài toán tổng hợp, phải giải quyết nhiều vấn đề chứ không phải là cấm đăng ký xe máy.Vì vậy mong các cấp các ngành nghiên cứu giải quyết thấu đáo.

MỚI - NÓNG