Hà Nội: Không đảm bảo PCCC nhiều chợ vẫn hoạt động

TP - Nhiều chợ dân sinh tại quận Đống Đa đã đình chỉ hoạt động từ nhiều năm qua do không đảm bảo PCCC nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Hà Nội: Không đảm bảo PCCC nhiều chợ vẫn hoạt động ảnh 1
Bên trong chợ Láng Thượng

Đầu tháng 8/2024, UBND quận Đống Đa công khai danh sách 54 cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong đó có 5 chợ dân sinh trên địa bàn.

Theo danh sách công khai, cả 5 chợ dân sinh này đều bị đình chỉ từ năm 2018, tuy nhiên đến ngày 4/9 tất cả các chợ trên vẫn đang hoạt động dù không khắc phục được PCCC.

Tại chợ Kim Liên (phường Kim Liên), hàng trăm kiot vẫn đang hoạt động. Ông Vũ Đình Biên, phụ trách quản lý chợ Kim Liên cho biết, chợ được xây dựng từ năm 1992, là chợ hạng 3 hiện có 194 hộ kinh doanh. Ông Biên cho biết, chợ đã bị đình chỉ hoạt động từ năm 2018 do không đáp ứng được PCCC nhưng vẫn hoạt động từ đó đến nay.

Chợ Láng Thượng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) do Cty cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng Láng Thượng quản lý cũng bị đình chỉ từ năm 2018. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chợ vẫn hoạt động như chưa có quyết định đình chỉ. Thậm chí, hàng hóa tại nhiều kiot trong chợ được bày tràn lan, nguy cơ cháy nổ cao. Ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng ban Quản lý chợ Láng Thượng cho biết, chợ Láng Thượng được xây dựng đã hơn 20 năm, hiện nhiều hạng mục không đáp ứng được quy định PCCC.

Theo ông Cường, từ năm 2018, sau khi bị đình chỉ, Ban quản lý chợ đã đầu tư cơ sở vật chất nhằm khắc phục về PCCC. Đồng thời, đơn vị cũng có văn bản đề nghị Sở Cảnh sát PCCC (nay là Phòng cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội) thẩm duyệt nhưng chưa được phê duyệt. Ông Cường cũng thừa nhận, đối chiếu theo các quy định hiện hành thì chợ không đáp ứng được PCCC.

Theo UBND thành phố Hà Nội, trung bình mỗi năm thành phố xảy ra 566 vụ cháy (trung bình cả nước là 3.300 vụ cháy/năm). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố xảy ra 583 vụ cháy, chiếm tỷ lệ 26% số vụ cháy trên toàn quốc (cả nước xảy ra 2.222 vụ cháy). Trong đó, các vụ cháy trên địa bàn thành phố thường có tính phức tạp hơn nhiều so với các địa phương khác.

Tương tự, chợ Thái Hà do UBND quận Đống Đa quản lý cũng bị đình chỉ hoạt động toàn bộ công trình từ năm 2018. Tuy nhiên, việc đình chỉ là trên giấy tờ, còn hiện tại chợ vẫn hoạt động nhộn nhịp. Ông Nguyễn Văn Việt, phụ trách chợ Thái Hà cho biết, hiện chợ có 256 hộ kinh doanh.

Chợ Thái Hà vừa được đầu tư, cải tạo nên cơ sở vật chất khang trang hơn nhiều chợ khác nhưng cũng không đáp ứng được PCCC theo quy định hiện hành. Để đề phòng cháy nổ, chợ trang bị thiết bị PCCC đủ, nhân viên chia làm 3 ca thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý sớm nguy cơ cháy nổ. Đồng thời, tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm quy định PCCC.

Chợ Ngã Tư Sở (UBND quận Đống Đa quản lý) và chợ Ngô Sĩ Liên (phường Văn Miếu) cũng bị đình chỉ toàn bộ công trình từ năm 2018. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay các chợ này vẫn đang hoạt động. Đại diện chợ Ngã Tư Sở cho biết, chợ có hơn 700 kiot nhưng hiện chỉ có hơn 100 kiot bán hàng, còn đa phần đã nghỉ.

Theo thống kê của UBND Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 43 trung tâm thương mại và 410 chợ (trong đó, 12 chợ hạng 1, 63 hạng 2 và 335 chợ hạng 3).

Thời gian qua, lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra 935 lượt với các chợ, trong đó phát hiện 532 tồn tại, thiếu sót về PCCC. Cơ quan chức năng đã lập 62 biên bản vi phạm với số tiền phạt trên 800 triệu đồng. Ngoài ra, 36 chợ đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...