Quận Thanh Xuân vừa tổ chức hội nghị đánh giá mô hình săn bắt chó thả rông thí điểm trên địa bàn phường Khương Đình. Phát biểu tại đây, ông Sơn cho rằng, việc phường Khương Đình (Thanh Xuân) đi đầu trong triển khai bắt chó thả rông đạt được nhiều kết quả, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trên địa bàn phường, quận, thành phố.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh, đội bắt chó thả rông gặp phải nhiều áp lực khi thực hiện nhiệm vụ trong thời gian đặc thù, lực lượng mỏng, chưa có xe chuyên dụng, dụng cụ đơn giản, chủ yếu làm theo kinh nghiệm.
“Thậm chí bây giờ có những con chó cảnh có giá trị vài chục triệu, cả trăm triệu, nếu xảy ra điều gì thì liên quan đến vấn đề dân sự”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, đang tính toán việc triển khai 3 khu nuôi nhốt tập trung chó thả rông bị bắt để “chuyên biệt” hơn.
Theo ông Sơn, toàn thành phố hiện nay có khoảng 490 nghìn con chó, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về số chó nuôi, trong đó số chó cảnh, chó làm kinh tế tăng rất cao. Hầu như tất cả các khu đô thị đều có.
Ông Sơn cũng cho biết, năm 2018, thành phố có 3 người chết vì bệnh dại. 6 tháng đầu năm có hơn 5 nghìn người bị gia súc cắn phải tiêm phòng dại, trong đó 87% là do chó cắn. Nếu tính thêm 6 tháng cuối năm, số người trên có thể lên tới chục nghìn người.
Ông Sơn nhắc lại có vụ việc một con chó bị dại cắn 12 người phải đi tiêm phòng. Mới đây nhất, một con chó dại ở Thạch Thất cắn 3 người và cắn 2 con chó khác. Hiện những người bị chó cắn đã tiêm phòng, an toàn.
Ông Sơn cho biết, cùng với việc nâng cao biện pháp tuyên truyền, thành phố tiếp tục nghiên cứu mô hình bắt chó thả rông ở Thanh Xuân để triển khai, nhân rộng, trước mắt trên địa bàn quận, sau đó tính đến trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu các cơ chế phù hợp với đặc thù của mô hình mới này.
Ngoài ra, ông Sơn cho biết, phải tăng cường quản lý chó nuôi theo phần mềm, gắn chip theo dõi để biết được vị trí từng con. Đồng thời tăng cường tiêm phòng dại cho chó nuôi.
Ông Sơn cũng nhắc lại việc tuyên truyền để người dân hạn chế ăn thịt chó, bởi vì luật không cấm ăn thịt chó, nhưng cần hạn chế, bởi hiện nay chó gần gũi với con người. Thứ hai là không có quy định kiểm soát dịch bệnh với thịt chó nên nhiều khả năng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vì liên quan đến bệnh dại.