Hà Nội giảm tần suất hoạt động của 10 tuyến buýt trên 2 trục đường

Xe buýt và các phương tiện khác chen nhau trên các tuyến đường đang xây dựng ở Thủ đô.Ảnh:VnExpress
Xe buýt và các phương tiện khác chen nhau trên các tuyến đường đang xây dựng ở Thủ đô.Ảnh:VnExpress
Mặc dù bị chê là "ngược đời" nếu điều chỉnh giảm tần suất các tuyến buýt vào giờ cao điểm, tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội vẫn quyết định điều chỉnh 10 tuyến buýt đang hoạt động tại các tuyến đường có công trình rào chắn xây dựng.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa quyết định điều chỉnh giảm tần suất hoạt động của 10 tuyến buýt trên 2 trục đường Nguyễn Trãi – Hà Đông và Xuân Thủy – Cầu Giấy – Hồ Tùng Mậu, với số lượng xe giảm từ 43-50% trong giờ cao điểm để giảm ùn tắc giao thông.

Cụ thể, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị nghiên cứu và tổ chức điều chỉnh luồng tuyến hoặc giảm tần suất một số tuyến buýt nhằm hạn chế lưu thông qua các tuyến đường xung quanh khu vực rào chắn. Tập trung trên tuyến quốc lộ 6 (Nguyễn Trãi – Hà Đông) điều chỉnh giảm tần suất của 3 tuyến (tuyến 02, 21 và 27) và điều chỉnh 2 tuyến (tuyến 39 và 22) cắt ngang không đi trục Nguyễn Trãi với số lượng xe giảm trong giờ cao điểm là 30/70 xe/1 hướng (tương đương 43% số lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm).

Ngoài ra, trên trục được quốc lộ 32 (Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy – Cầu Giấy) cũng sẽ điều chỉnh 5 tuyến buýt (các tuyến số 16A, 16B, 27, 34, 49) cắt ngang không đi trục Xuân Thủy – Cầu Giấy, lưu thông vào tuyến đường Nguyễn Phong Sắc – Trần Thái Tông (giảm 30/60 xe/giờ cao điểm/1 hướng). Theo tính toán số xe giảm trên trục đường này tương đương 50% số lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cùng với việc điều chỉnh các tuyến buýt trên, thành phố sẽ tiếp tục duy trì phương án hạn chế phương tiện xe taxi lưu thông trong giờ cao điểm tại khu vực nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi và đường Láng (đoạn Sơn Tây – Láng Hạ) nhằm giảm lưu lượng phương tiện lưu thông qua các khu vực rào chắn có bề rộng mặt đường lưu thông hạn chế.

“Sở Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp với Chủ đầu tư các dự án rà soát chỉ đạo đơn vị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nhanh chóng thu gọn rào chắn, hoàn trả mặt đường phục vụ giao thông”, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đã đồng ý phương án trên từ ngày 7/11, sẽ giãn tần suất một số chuyến xe buýt chạy qua khu vực đường có rào chắn vào giờ cao điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông. ​

“Trước đây, người dân mất khoảng 5 phút chờ đợi xe buýt chạy qua đường Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, khi điều chỉnh, người dân cũng chỉ phải chờ 7-10 phút. Việc giãn tần suất xe buýt chạy qua tuyến đường này, không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu đi lại của người dân”, ông Hải cho hay.

Bị chê là "ngược đời", Hà Nội vẫn quyết điều chỉnh

Thời gian gần đây, trên các tuyến phố đang xây dựng các công trình đường sắt trên cao ở Hà Nội: Nguyễn Trãi – Hà Đông, Cầu Giấy – Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu… liên tục xảy ra ùn tắc giao thông.

Việc ùn tắc này chủ yếu do các đơn vị rào đường quá rộng để thi công các công trình gây ra. Để hạn chế ùn tắc, thời gian qua, cùng với lực lượng Thanh tra giao thông, CSGT, Hà Nội đã tung thêm hàng trăm cán bộ, chiến sỹ CSTT, Công an phường… xuống đường điều tiết giao thông giờ cao điểm để hạn chế ùn tắc giao thông.

Biện pháp điều chỉnh xe buýt vào giờ cao điểm tại các trục đường đang xây dựng các tuyến đường sắt trên cao cũng được đưa ra. Tuy nhiên, ngay khi Sở Giao thông vận tải Hà Nội có ý định điều chỉnh tần suất hoạt động của các tuyến buýt vào giờ cao điểm để hạn chế tắc đường, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm cho rằng, đề xuất hạn chế xe buýt lưu thông trong giờ cao điểm nhằm giảm ùn tắc là đi ngược với nhu cầu thực tiễn, ngược với quy tắc giao thông trên thế giới.

Theo ông, Hà Nội cần ưu phát triển cũng như tăng tần suất hoạt động của xe buýt vào giờ cao điểm, vì nhiều người đi xe buýt sẽ giảm tải được áp lực giao thông và giảm phương tiện cá nhân, từ đó giảm được ùn tắc.

TS Thủy cho rằng, trong khi các nước đi trước Việt Nam hàng chục năm về phát triển phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm... thì hiện Hà Nội với dân số gần 10 triệu mới có hơn 1.000 đầu xe buýt, năng lực vận chuyển chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đi lại.

"Rõ ràng đây là một hạn chế lớn, nếu Hà Nội tiếp tục giảm tần suất hoạt động của xe buýt vào giờ cao điểm, khó có thể giải quyết được bài toán ùn tắc nghiêm trọng như hiện nay", ông Thuỷ khuyến cáo.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG