Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến động viên hỗ trợ công nhân Khu công nghiệp Thăng Long khó khăn về quê dịp Tết Nhâm Dần. Ảnh: PV |
Theo thông tin từ LĐLĐ thành phố Hà Nội, từ tháng 9/2022, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp gặp khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm. Một số doanh nghiệp không có khả năng tài chính đã buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, công nhân làm 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng và được khuyến khích “ứng” ngày nghỉ phép của năm sau. Một số doanh nghiệp xây dựng phương án cho người lao động nghỉ dài ngày, có thể kéo dài cả tháng hoặc cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng. Thậm chí, có một số doanh nghiệp phải cắt, giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Những doanh nghiệp phải cắt, giảm giờ làm tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 15/11/2022, có 31 doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Cụ thể, hơn 10 nghìn lao động bị giảm giờ làm; gần 2.700 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; hơn 1.000 người lao động bị nợ lương, số tiền nợ gần 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố, tính đến ngày 1/10/2022, có 78.853 doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN, số tiền nợ hơn 1.813 tỷ đồng, ảnh hưởng tới gần 1 triệu người lao động.
LĐLĐ thành phố dự báo, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối diện với tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, phải thu hẹp, thậm chí phải ngừng sản xuất. Điều đó dẫn đến hàng nghìn lao động sẽ tiếp tục bị giảm giờ làm, bị chấm dứt hợp đồng lao động, thu nhập, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ chi tiền mặt (hoặc chuyển khoản) hỗ trợ cho công nhân, lao động gặp khó khăn do thiếu việc, mất việc làm, bị nợ lương (có hợp đồng lao động trước 1/10/2022). Cụ thể, với các trường hợp đang bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ sau ngày 1/10/2022 hoặc bị nợ lương ít nhất 3 tháng do doanh nghiệp khó khăn hoặc chủ bỏ trốn, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp. Với người lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn, người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở không bố trí được tiền thưởng năm, thưởng Tết cho người lao động; người lao động bị cắt giảm thời gian làm việc tiêu chuẩn, bị ngừng việc có thu nhập bình quân tháng 10 và tháng 11/2022 dưới mức lương tối thiểu vùng, mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/trường hợp. Nguồn kinh phí này trích từ khoản tích lũy của LĐLĐ thành phố.
Trước đó, LĐLĐ thành phố cũng lên kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, công nhân, người lao động dịp Tết Quý Mão 2023. Theo yêu cầu, Công đoàn các cấp sẽ: Chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong thực hiện các quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể về chế độ tiền lương, thưởng trong dịp Tết; Kịp thời có giải pháp đảm bảo quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản. Phải tăng cường thương lượng, đối thoại về các nội dung chăm lo lương, thưởng, phúc lợi cho đoàn viên, người lao động dịp Tết, thông báo sớm cho người lao động biết yên tâm làm việc. Hà Nội cũng sẽ: Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ phương tiện đưa khoảng 1.200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Quý Mão, hướng đến các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nghệ An; Thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mức hỗ trợ cho lao động khó khăn 1 triệu đồng/trường hợp lấy từ ngân sách Công đoàn thành phố và kinh phí UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ. Tổng kinh phí dự kiến 15 tỷ đồng.