Hà Nội bắt đầu đếm ngược 1.000 ngày

Hà Nội bắt đầu đếm ngược 1.000 ngày
TP- Một loạt đồng hồ đếm ngược sẽ cùng rung ngân 1.000 ngày từ 13/1/2008 tới ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long 10/10/2010 ven Hồ Hoàn Kiếm.

Và từ 6 giờ sáng ngày 10/10 ấy, chuông đồng hồ sẽ hòa cùng chuông nhà thờ, chuông chùa và tiếng trống trường học làm nên một bản giao hưởng bình minh đón chào Đại lễ.

Lễ hội Khoảnh khắc Thăng Long - Hà Nội, do Văn phòng Ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long, Sở VHTT Hà Nội và Cty Tài chính Dầu khí VN tổ chức, bắt đầu tại Đền Bà Kiệu, tuyến phố Lê Thạch, Lê Lai từ sáng 13/1 tới. Dọc theo tuyến phố Lê Thạch, Lê Lai và vườn hoa phía sau tượng đài Lý Thái Tổ là không gian của triển lãm

Gợi nhớ một nét Hà Nội xưa, gợi nhớ khung cảnh cuộc sống của người dân Hà Nội xa xưa qua phiên chợ với những làng nghề thủ công, trò chơi dân gian, món ăn truyền thống, văn nghệ dân gian đầu thế kỷ trước.

180 bức ảnh khổ lớn bày trên phố Lê Lai được khai thác từ nguồn ảnh tư liệu, bưu ảnh và tranh vẽ do người Pháp chụp và vẽ khai thác tại Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp, Quỹ Văn hóa Hà Nội, Trung tâm Hội chợ quảng cáo Hà Nội, sưu tập cá nhân...

Đoạn phố này cũng dành để biểu diễn trang phục cổ thời kỳ đầu thế kỷ 20 (18 bộ), 18 bộ thời kỳ 1940 - 1950, 10 bộ giai đoạn chiến tranh chống Mỹ (1960 - 1970). Một sân khấu dựng ngay giữa đường làm nơi biểu diễn trang phục của từng lớp người: giàu sang, trung lưu, nghèo khổ, già, trẻ, nam, nữ, trẻ con.

Không gian chợ xưa bày quà bánh, đồ thủ công mỹ nghệ, hoa cây cảnh trên phố Lê Thạch. Các sạp hàng dùng chõng tre, mái rạ, người bán mặc áo tứ thân, váy vải thâm chít khăn mỏ quạ, đi guốc mộc quai da. Tại đây bán cả đồ mây tre đan, dây gai, dây thừng, mành mành, đồ giấy dó, giấy bản, bút lông, mực tàu, nghiên, vàng giấy, vàng nén.

Dĩ nhiên không thể thiếu bánh chưng, bánh dày, ô mai, kẹo vừng, bỏng. Kịch bản chương trình của nhà văn Nguyễn Khắc Phục khiến người đọc phải thòm thèm, chưa nói một sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội được xuýt xoa bên những sạp hàng đủ loại bánh nếp, bánh tẻ, bánh cuốn Thanh Trì, chè lam, chè khom, chè con ong trong không khí vừa làng quê vừa kinh kỳ của mảnh đất này 100 năm trước.

Đâu đó vẳng lên tiếng phách, tiếng đàn của những gian hát ca trù, hát xẩm, trống quân, hát văn, hát đối, trò chơi đánh chắt, đánh chuyền...

Xung quanh hồ Hoàn Kiếm, tại Tượng đài Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ, đền Ngọc Sơn diễn ra lễ hội Đền Bát Đế - Bắc Ninh, lễ hội Đức Thánh Trần - Nam Định, lễ hội Lam Sơn - Thanh Hóa từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối.

Đây được coi là hoạt động trọng tâm của lễ hội, bởi sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội trải qua các triều đại chính là Lý, Trần, Lê và thời đại Hồ Chí Minh.

Theo Sở VHTT Hà Nội, việc tái hiện sự phát triển ấy bằng lễ hội dân gian quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ cho người xem cái nhìn về Thăng Long trong sự tưởng nhớ và khuếch trương du lịch ở Thủ đô cùng các địa phương khác.

Mỗi chiếc đồng hồ đếm ngược đều gắn hình ảnh Khuê Văn Các. Tổng đạo diễn, NSND Lê Hùng nói: “Chúng tôi muốn làm sao mỗi lần nghe tiếng chuông, người dân cảm thấy háo hức chờ đợi và cố gắng làm nhiều việc tốt cho Hà Nội”.

Còn nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết, ông hướng tới giới trẻ, bởi họ là tương lai của Hà Nội và là những người quyết định Thăng Long có bay lên được hay không.

Tối 13/1, quảng trường trước đền Ngọc Sơn, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, sân khấu tiền sảnh Cục VHTT cơ sở đều dành cho lễ diễu hành của đội đồng diễn võ thuật, thể dục dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, học sinh và hợp xướng, quân nhạc, đội hồng kỳ, múa rồng..

Từ 10 giờ tối, tại sân khấu Đền Bà Kiệu, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ biểu diễn trống hội Thăng Long, tái hiện lịch sử 1.000 năm Thăng Long bằng âm nhạc, múa, âm thanh, ánh sáng, khói lửa cùng màn thời trang Hà Nội xưa và nay.

23 giờ 59 phút, trong tiếng chuông đồng hồ trên nóc Bưu điện Hà Nội và tiếng chuông Nhà thờ Lớn, mọi người đồng thanh đếm ngược, để đến 24 giờ vang lên tiếng trống hội, tiếng chuông của đình, chùa, trống trường học trên toàn thành phố.  

MỚI - NÓNG