GS.TS Trình Quang Phú: Sơn Tùng ơi! Anh vẫn sống

0:00 / 0:00
0:00
TP - GS-TS Trình Quang Phú cho biết chính nhà văn Sơn Tùng đã truyền cảm hứng để ông viết Đường Bác Hồ đi cứu nước, Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng… Nghe tin Sơn Tùng mất, GS-TS Trình Quang Phú đã kể về những kỷ niệm với nhà văn Sơn Tùng.

Những năm 1960 - 1961, tôi là thông tấn viên của báo Tiền Phong, tôi hay đến báo chơi. Ngày đó, trụ sở báo ở đường Phùng Hưng, tôi đã gặp và quen Sơn Tùng từ đây. Anh lớn hơn tôi một giáp, anh là Mậu Thìn, còn tôi là Canh Thìn. Sơn Tùng nói: “Tớ với cậu là hai con rồng, số là phải bay nhảy đó nghe”. Quê anh ở xứ Nghệ và từ anh tôi đã quen nhiều bạn văn lớp lớn tuổi ở xứ Nghệ như Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Hồng Nhu, Quang Huy... do đó chúng tôi đến với nhau rất chân tình và thân thiết.

GS.TS Trình Quang Phú: Sơn Tùng ơi! Anh vẫn sống ảnh 1

Nhóm cán bộ báo Tiền Phong chuẩn bị vào chiến trường năm 1968 (Hàng đầu tiên từ trái qua: Tâm Tâm- đeo súng ngắn, Sơn Tùng, Mạnh Chẩn, Trình Quang Phú- đeo máy ảnh. Sau lưng Sơn Tùng là Khải Hoàn)

Năm 1968, tôi công tác báo chí ở Ban miền Nam, được cử vào Mặt trận Khe Sanh. Tôi lên trường T105 (Trường cho cán bộ chuẩn bị đi chiến trường miền Nam) ở Hòa Bình để tập dượt hành quân. Ở đây tôi gặp lại Sơn Tùng, đang đi cùng nhóm báo Tiền Phong vào Trung ương Cục để giúp ra đời báo Thanh Niên giải phóng. Tôi còn nhớ trong nhóm của Sơn Tùng còn có Khải Hoàn, Tâm Tâm, Mạnh Chẩn… cũng của báo Tiền Phong. Ngày ấy được cử đi chiến trường chống Mỹ là một niềm vui, niềm vinh hạnh. Trong niềm vui đó, sự gặp nhau của những người cầm bút càng làm chúng tôi vui hơn.

Đêm giữa rừng núi Hòa Bình tĩnh mịch, sau cuộc tập hành quân vượt suối trong đêm, tôi và Sơn Tùng ngồi với nhau nhâm nhi chén trà. Những năm đó tôi bắt đầu sưu tập tư liệu để viết về Bác Hồ. Anh Sơn Tùng đã gặp anh và chị của Bác Hồ, nên tôi rất trân quí anh. Dù anh coi tôi là bạn, tôi vẫn luôn coi anh là người anh. Những đêm đầu tiên ở rừng, anh tâm sự với tôi những ý nghĩ đang đến trong anh, đó là viết về Bác.

Anh nói: “Đời Bác, bên cạnh một con người giản dị là một Bác Hồ đầy huyền thoại và bí ẩn. Chúng ta không viết thì không ai biết được”. “Gia đình Bác, bố Bác, mẹ Bác, anh chị Bác đều là những nhân vật rất đáng kính và rất nên viết. Không viết là có tội với lịch sử đấy”. Chính những ý nghĩ của anh đã thôi thúc tôi viết về Bác.

Tôi còn nhớ đêm ở Binh Trạm 12 Trường Sơn, cũng là nơi tôi chia tay anh để đi Khe Sanh, còn anh sẽ phải mất mấy tháng nữa vượt Trường Sơn để vào Trung ương Cục. Đêm đó võng dù của tôi buộc gần võng dù của anh. Chúng tôi nói chuyện với nhau, tôi nhớ có ba ý anh nói: Mỗi đứa cố gắng phải sống để trở về, và đã sống thì phải viết. Anh nói còn sống anh sẽ viết về Bác. Anh tiết lộ với tôi: Theo chị Bác cho biết, Bác có một người bạn gái ở Sài Gòn, có thể là người yêu của Bác, anh mong đất nước mau thống nhất để anh vào Sài Gòn tìm người bạn gái đó của Bác.

Năm 1971, tôi đi công tác ở Paris về, nghe cơ quan nói nhà báo Sơn Tùng bị thương nặng được đưa ra Hà Nội. Tôi đi thăm anh ở bệnh viện E (bệnh viện dành riêng cho anh chị em từ miền Nam ra). Sơn Tùng bị thương rất nặng, liệt tay phải, 14 vết thương trên người, 3 mảnh bom còn găm trong sọ não. Tôi ôm chầm hai vai gầy của anh mà nước mắt lưng tròng: “Anh đã về”. Sơn Tùng cười: “Phú ơi, thế là ta vẫn sống”. Anh đã trở về, dù là thương tật anh vẫn về và kiên cường trở lại đội ngũ cầm bút. Sau khi được đưa đi Quảng Đông chữa trị, với một thương binh hạng 1/4 , anh vẫn đi và vẫn viết.

Sơn Tùng, anh đã sống những năm tháng đầy nghị lực, đầy ý chí của một nhà văn Cộng sản, hơn cả Pavel Korchagin trong Thép đã tôi thế đấy. Chỉ với ba ngón tay còn lại, anh đã viết nên Búp Sen xanh, Búp sen vàng, Hoa Dâm bụt và hàng chục tác phẩm khác. Là một thương binh bị mất chức năng sống đến 81%, anh vẫn đi và anh đã tìm được bà Lê Thị Huệ, người bạn gái của Bác Hồ những năm đầu thế kỷ 20. Anh đã viết Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng và được dựng thành phim Hẹn gặp ở Sài Gòn, thể hiện một phần về mối tình và sự hy sinh cao cả của Bác. Hôm gặp anh, sau khi anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, anh có nói với tôi sẽ viết Bông Huệ trắng nói về mối tình đầu đời của Bác ở Sài Gòn.

Vậy nhưng, cơn bệnh ác nghiệt đã không cho anh viết tiếp. Anh ra đi rồi sao? Không, Sơn Tùng ơi, anh vẫn sống! Anh vẫn sống với thời đại cùng tác phẩm của anh, ý chí của anh và gương sống phi thường, vĩ đại của anh. Chúng tôi noi gương anh, tôi sẽ viết tiếp về Bác Hồ kính yêu của chúng ta”.

MỚI - NÓNG